Ngày 16/8, trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Văn Ly, Cục trưởng Cục đào tạo, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã nhận được thông tin và có văn bản yêu cầu công an tỉnh Lạng Sơn trả lời về trường hợp thí sinh Nguyễn Như Quỳnh.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Nguyễn Như Quỳnh đạt điểm Ngữ văn: 9; Lịch sử: 8,5; Địa lý: 9,5. Cộng cả điểm ưu tiên và điểm vùng, Quỳnh được 30,5 điểm.
Tuy nhiên, Quỳnh vẫn không đủ điều kiện tham dự xét tuyển vào trường công an do án tích của bố là ông Nguyễn Văn Thuận. Ông Thuận từng mua một khẩu súng C.K.C. Năm 1994, ông bị tạm giữ điều tra và sau đó bị kết án 12 tháng tù treo.
Không được xét tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân, Như Quỳnh viết đơn cầu xét gửi Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an với nội dung như sau:
Đơn cầu xét của thí sinh Quỳnh. |
“Năm 1993, bố cháu mới 25 tuổi, chưa lập gia đình và đang sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Một hôm, có người mang đến khẩu súng C.K.C gạ bán cho bố cháu. Vì tuổi còn trẻ, nhận thức pháp luật hạn chế nên bố cháu đã mua súng với mục đích trông vườn cây ăn quả mà không biết mình đang tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép.
Đại tá Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Công an tỉnh đã thông báo với gia đình thí sinh tất cả các trường hợp vướng lý lịch đều không đủ điều kiện tham gia nhập học các trường công an nhân dân. Khi gia đình em Như Quỳnh có đơn, Công an tỉnh đã báo cáo và xin ý kiến của Tổng cục Chính trị, Bộ Công an để xem xét.
Ông Thực nêu rõ, để nhập học ngành công an đòi hỏi lý lịch rất chặt chẽ, vì vậy thí sinh học giỏi, thi đỗ điểm cao cũng phải đảm bảo các điều kiện.
Trong suốt thời gian mua về, khẩu súng không được sử dụng. Năm 1994, bố cháu bị tạm giữ để điều tra vì công an phát hiện khẩu súng đó do người đàn ông kia ăn cắp của quân đội.
Sau đó, Tòa án Bộ tư lệnh quân khu I xử bố cháu 12 tháng án treo. Năm 1995, bố cháu đã được xóa án tích. Sau đó, ông mới lập gia đình và sinh ra cháu".
Đơn cầu xét cũng có đoạn: "Suốt quãng thời gian từ đó đến nay, bố cháu luôn làm ăn chăm chỉ và chấp hành đúng mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương nơi cư trú. Trong mắt chúng cháu và mẹ, bố là người đàn ông lương thiện và tốt bụng vô cùng.
Sau khi biết tin cháu không đủ điều kiện vào các trường an ninh, mỗi khi nhìn đến tờ Giấy chứng nhận kết quả thi là cháu lại rớt nước mắt, không biết cách nào để biến giấc mơ lớn nhất của cuộc đời cháu thành hiện thực”.
Trước đó, nữ sinh Trần Hương Ly (SN 1997, nguyên học sinh lớp 12A8, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An) cũng viết đơn gửi đến lãnh đạo Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Giám đốc Học viện cảnh sát nhân dân, Giám đốc công an tỉnh Nghệ An mong được xem xét vì không được xét tuyển.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, Ly đăng ký dự thi chuyên ngành Luật, Học viện Cảnh sát Nhân dân khối D. Kết quả kỳ thi của Ly với các môn: Toán 9,0; Tiếng Anh 9,05; Ngữ Văn 7,5; khu vực ưu tiên 0.5. Tổng điểm 26,05 điểm. Được biết, với số điểm này, Ly trở thành nữ sinh khối D có điểm số cao nhất cụm thi Nghệ An.
Tuy nhiên, nữ sinh không đủ điều kiện xét tuyển vào trường công an vì mẹ là Hoàng Thị Ngân từng bị xử án tù treo vì vi phạm pháp luật về tội: “Sản xuất hàng giả là thực phẩm”.
> Trượt trường khối công an vì lý lịch |
Theo Báo Công an Nhân dân, năm 2015, một số thí sinh sau khi trúng tuyển không được nhập học vì những sai sót trên, đã đưa ra nhiều thông tin không trung thực, khách quan gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận. Vì vậy, tuyển sinh năm 2016 cần nâng cao vai trò công tác tuyển sinh ngay từ khi thí sinh làm hồ sơ dự thi ở công an các địa phương.
Năm 2016, Bộ Công an không thực hiện hậu kiểm về tiêu chuẩn chính trị trong công tác tuyển sinh công an nhân dân. Vì vậy, việc thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị cũng như hồ sơ liên quan thí sinh cần được bộ phận làm công tác tuyển sinh của công an các đơn vị, địa phương hết sức chú ý, coi trọng để tránh các trường hợp sai sót đáng tiếc.