Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiên Giang chủ động ngăn chặn dịch Covid-19

Ngoài bệnh viện dã chiến 300 giường, Trung tâm Y tế Hà Tiên được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hỗ trợ xây dựng đơn vị hồi sức đặc biệt có thể tiếp nhận 12 người mắc Covid-19 nặng.

Sáng 22/4, lực lượng phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) do bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, làm trưởng đoàn đã làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang về việc khảo sát khu vực dự kiến mở bệnh viện dã chiến.

Sau đó, đoàn làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang để thống nhất các phương án thành lập Bệnh viện dã chiến TP Hà Tiên và đơn vị hồi sức đặc biệt ICU tại Trung tâm Y tế (TTYT) Hà Tiên.

Đề phòng tình huống dịch phức tạp

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết tỉnh Kiên Giang đã chuẩn bị khá tốt các phương án phòng, chống dịch. Địa phương có kế hoạch sẵn nên rất chủ động khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra chủ trương đối phó tình hình dịch bệnh phức tạp bên Campuchia.

Thanh lap benh vien da chien tai Ha Tien anh 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ hai từ trái qua) kiểm tra cơ sở vật chất tại TTYT Hà Tiên vào ngày 18/4. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo nhận định của bác sĩ Linh, khi các nước trong khu vực gỡ phong tỏa, lượng người Việt về nước sẽ rất cao. Kiên Giang phải đề phòng tất cả phương án nếu dịch bùng phát, nhiều bệnh nhân cần thu dung.

"Chúng tôi thiết lập được đơn vị hồi sức ICU tại TTYT Hà Tiên, có thể thu dung 12 bệnh nhân nặng, nguy kịch, thở máy, làm ECMO hoặc lọc máu liên tục. Cơ sở này cũng có thể tiếp nhận 40 bệnh nhân mức độ nhẹ hơn, chỉ cần thở oxy", bác sĩ Linh nói.

Đối với bệnh viện dã chiến được chọn tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Mỹ Đức (TP Hà Tiên), đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy trưng dụng 2 khu lớn đang được sử dụng làm khu cách ly tập trung và xử lý chất thải, nước. Ngoài cơ sở vật chất có sẵn, đoàn công tác thành lập các phòng và thêm buồng bệnh.

Từ kinh nghiệm sẵn có, đoàn công tác do bác sĩ Linh dẫn đầu phối hợp ngành y tế tỉnh Kiên Giang phân luồng và sắp xếp lại các phòng ban để tách rời hoàn toàn khu hành chính và chữa bệnh. Việc tách rời sẽ giúp lãnh đạo cơ sở này có thể về nhà sau giờ làm việc vì họ không tiếp xúc nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân.

Lực lượng hỗ trợ tỉnh Kiên Giang còn sắp xếp một khu riêng có đầy đủ tiện nghi để sau khi chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế nghỉ ngơi và các ly tập trung. Theo bác sĩ Linh, giai đoạn đầu, bệnh viện dã chiến có sức chứa 300 bệnh nhân. Bệnh nhân tại đây là những trường hợp nhẹ. Những bệnh nhân nặng cần thở máy được chuyển đến TTYT TP Hà Tiên.

“Đến nay, cơ bản các cơ sở mặt bằng sắp hoàn thiện. Trong tuần sau có thể hoàn thiện mặt bằng cả 2 bên, từ chỗ ICU của TTYT Hà Tiên cho đến bệnh viện dã chiến. Trước khi hoạt động chính thức, chúng tôi sẽ đến Kiên Giang tổ chức diễn tập tại Hà Tiên”, bác sĩ Linh nói với Zing.

Thanh lap benh vien da chien tai Ha Tien anh 2

Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Mỹ Đức được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. Ảnh: Phương Vũ.

Bác sĩ Linh cho hay bệnh viện dã chiến và đơn vị hồi sức đặc biệt ICU tại TP Hà Tiên được hoạt động với phương châm tập trung 4 tại chỗ. Đó là nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc men và vật tư y tế tiêu hao do tỉnh Kiên Giang chủ động. Khi gặp những vấn đề khó khăn, tỉnh nên báo cáo về Trung ương để được hỗ trợ.

“Khi diễn biến dịch bệnh phức tạp, các đoàn của Bệnh viện Chợ Rẫy và tỉnh, thành khác sẵn sàng chi viện. Chúng tôi tính đi trước một bước chứ tình hình hiện nay cũng ổn khi chỉ có 18 bệnh nhân đang điều trị tại TTYT Hà Tiên”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Ngăn chặn nhập cảnh trái phép đường biển

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết biên giới đường bộ được các chốt kiểm soát rất tốt, nhưng tình hình trên biển lại phức tạp.

Vùng biển của Kiên Giang quá rộng với 63.000 km2 mặt biển và 200 km bờ biển. Do đó, giải pháp thành công nhất của tỉnh này là huy động người dân tham gia và phát hiện tàu, người lạ lên bờ vào thời điểm bất thường. Khi thấy ai có hành vi bất thường, người dân báo ngay cho công an địa phương.

Theo ông Trung, những vụ nhập cảnh trái phép vừa qua phần lớn được phát hiện từ ngư dân, người dân và các doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi người dân của tỉnh Kiên Giang đang là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch.

Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy đã khảo sát xong cơ sở vật chất của bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên. Đoàn đang khảo sát thêm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang vì cơ sở y tế này sắp di dời đến chỗ mới tại khu đô thị Phú Cường, TP Rạch Giá.

“Trong tình huống xấu nhất, phải tính đến phương án sử dụng bệnh viện đa khoa sau khi di dời làm bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly tập trung. Trước mắt, Bệnh viện Ung bướu Kiên Giang sẽ tiếp nhận cơ sở vật chất cũ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh”, ông Lưu Trung nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng địa phương này đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, cuộc sống người dân diễn ra bình thường. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Campuchia phức tạp nên tỉnh phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

“Tại Hà Tiên, người dân sinh hoạt, mua bán bình thường nhưng tinh thần cảnh giác rất cao. Họ cũng chủ động phòng ngừa rất tốt”, ông Trung nói.

Dịch Covid-19 phức tạp, Kiên Giang tăng quy mô bệnh viện dã chiến

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại Campuchia, quy mô Bệnh viện dã chiến Hà Tiên sẽ được thay đổi từ 200 lên 300-500 giường.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm