Chiều 21/7, trao đổi với Zing.vn, TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết ông đã ký công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị về việc đổ 1 triệu m3 bùn ra vùng biển Bình Thuận.
Vùng biển cần được giữ gìn và bảo tồn
Theo đại diện Hội Nghề cá, vùng biển ven bờ Bình Thuận là vùng nước chồi (có năng suất sản lượng thủy sản cao hơn nhiều lần vùng biển khác). Đáy biển là cát và đá nhưng là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản quý hiếm.
“Xa hơn là khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây là nơi có thảm cỏ biển, rạn đá san hô, nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh và chúng được lan tỏa ra toàn bộ vùng biển miền Trung. Dòng hải lưu từ phía Bắc, cùng với thủy sản di cư qua vùng biển này”, ông Thắng cho hay.
Ngoài ra, vùng biển Bình Thuận đang là nơi cung cấp tôm hùm giống tự nhiên cho các tỉnh có nghề nuôi tôm hùm là Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận và Ninh Thuận, mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đang trong quá trình hoàn thành để đưa vào hoạt động. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Hội Nghề cá khẳng định vùng biển này rất quan trọng đối với đa dạng sinh học, hệ sinh thái, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của các tỉnh Nam Trung Bộ nói riêng, cả nước nói chung, nên rất cần được coi trọng đúng mức, giữ gìn và bảo tồn.
Nhận bùn xuống đáy biển là cách nói lách luật
Trước việc Bộ TN&MT cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ khối lượng bùn lớn xuống biển, Hội Nghề cá đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan.
Bùn thải cửa sông ngoài thành phần chính là bùn hữu cơ, cát còn là trầm tích lắng đọng của các hóa chất độc do chất thải nhà máy, bệnh viện gồm kim loại nặng, thuốc trừ sâu... Trong đó, có nhiều loại chất độc hàng chục năm không phân hủy như Dioxin, 2,4D…
Hội Nghề cá đặt câu hỏi liệu trước khi cấp phép, Bộ TN&MT có yêu cầu chủ đầu tư đánh giá nội dung này hay chưa.
Bên cạnh đó, Hội cho rằng thành phần bùn gồm bùn lỏng và cát, sỏi. Khi đổ xuống biển, cát sỏi sẽ lắng xuống đáy trong một số ngày, phần bùn lỏng sẽ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không thể lắng đọng xuống đáy.
Trong điều kiện sóng, gió, bão, thủy triều thì chỉ trong vài ngày, lượng bùn này sẽ bị sóng đưa đi bồi đắp làm chết sinh vật đáy, làm thay đổi môi trường sinh thái của khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Sơ đồ nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống vùng biển Bình Thuận. Ảnh: P.N. |
"Việc trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nói là nhận bùn xuống đáy biển chỉ là cách nói kiểu lách luật", Hội Nghề cá nhấn mạnh.
Hội Nghề cá cũng băn khoăn tại Bình Thuận dự kiến có tới 5 nhà máy nhiệt điện. Ngoài Vĩnh Tân 1 xin đổ bùn ra biển, các nhà máy tiếp theo sẽ đổ bùn đi đâu hay sẽ được tiếp tục mang ra vùng biển này đổ.
Theo đơn vị này, Luật Biển thế giới vẫn cho phép đổ chất thải ra biển nhưng phải có cơ sở đánh giá toàn diện về tác động đối với hệ sinh thái và phải công bố cho thế giới được biết, thông thường mang ra vùng biển chung, cách xa bờ.
Để giải quyết tình trạng trên, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép của Bộ TN&MT cho phép đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển ở Bình Thuận.
“Cần thành lập một tổ chức độc lập kiểm tra xem xét do việc nạo vét đổ chất thải ra vùng biển Bình Thuận, xem xét quy trình thẩm định dẫn tới việc cấp phép của Bộ TN&MT”, Hội Nghề cá kiến nghị.
Đơn vị nào tự đưa tên nhà khoa học vào dự án?
Liên quan đến dự án nhận chìm 1 triệu m3 chất thải xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận), TS Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang tỏ ra bất ngờ trước thông tin mình nằm trong danh sách các nhà khoa học tham gia thực hiện dự án này.
Ông Nguyễn Tác An khẳng định mình bị “mạo danh” và hoàn toàn không biết dự án đó như thế nào.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Cảng biển Việt Nam (đơn vị tư vấn dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển) xác nhận trong danh sách các nhà khoa học mà công ty trình lên cơ quan chức năng có tên ông Nguyễn Tác An. Tuy nhiên, danh sách này lại do một đơn vị khác lập ra.
“Chúng tôi chỉ là đơn vị kế thừa danh sách các nhà khoa học tham gia dự án đổ bùn mà Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng viển duyên hải khu vực phía Nam lập. Vì tôn trọng đơn vị trước nên chúng tôi sử dụng luôn danh sách mà trung tâm đã làm việc”, ông này khẳng định.
Vị đại diện công ty cho biết Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam (trực thuộc Trung tâm dịch vụ tài nguyên và môi trường biển).
Trung tâm này ban đầu được giao tư vấn dự án nhưng sau đó “có vấn đề” nên việc tư vấn chuyển cho Công ty Tư vấn Xây dựng Cảng biển Việt Nam thực hiện.
Vị này khẳng định: “Bản chất là ông Nguyễn Tác An có được trung tâm mời vào dự án. Tuy nhiên, khi mời không lưu lại giấy tờ và không có bút tích của ông ấy. Chắc trung tâm cũng không phải mượn danh ông An đâu, có mời đàng hoàng”.