Ngày 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ ra phán quyết đối với cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc qua mạng quy mô nghìn tỷ đồng.
Căn cứ kết quả xét xử công khai tại tòa, HĐXX tuyên phạt trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT công ty CNC) 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 5 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt chung là 10 năm tù.
Cựu Chủ tịch VTC online Phan Sào Nam bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt chung là 5 năm tù.
Tòa kiến nghị điều tra làm rõ lời khai của trùm cờ bạc về việc cho các các bộ ngành công an tiền và tài sản. Ảnh: Việt Linh. |
Làm rõ vai trò của các ngân hàng
Ngoài hình phạt dành cho 92 bị cáo, TAND tỉnh Phú Thọ kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra công an cùng cấp khi điều tra giai đoạn 2 của vụ án cần làm rõ vai trò của các ngân hàng và nhân viên thuộc cơ quan này để bị cáo trong vụ án chuyển tiền liên quan tổ chức đánh bạc với số lượng lớn.
Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ việc Công ty Cổ phần tập đoàn Đèo Cả, Công ty đầu tư và kinh doanh bất động sản Thu Đông, Công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Sài Gòn Alpha liên quan đến hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam. Nếu phát hiện các doanh nghiệp này vi phạm, cần xử lý theo quy định pháp luật.
Tòa sơ thẩm cũng kiến nghị điều tra, xử lý nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm trong việc cho thuê đặt máy chủ để vận hành game bài Rikvip/Tip.club của một số doanh nghiệp như Tổng công ty dịch vụ viễn thông VNPT.
Một trong những nội dung TAND tỉnh Phú Thọ đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 là sai phạm của các cá nhân ở Bộ TT&TT, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông đã không kiểm tra, phát hiện kịp thời hoặc phát hiện nhưng không kiên quyết xử lý để các đối tượng lợi dụng đánh bạc trực tuyến trong thời gian dài gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Đáng chú ý, HĐXX kiến nghị điều tra làm rõ tỷ lệ phân chia phân phối lợi nhuận kinh doanh 80% - 20% giữa CNC và C50 như bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thanh Hóa ký kết năm 2011.
Chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương. Ảnh: Bá Chiêm. |
Lời khai của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam về việc đưa tiền, của cải vật chất cho cán bộ từng công tác tại Tổng cục cảnh sát, C50 và Phòng cảnh sát công nghệ cao Công an Hà Nội cũng được tòa kiến nghị Công an tỉnh Phú Thọ điều tra làm rõ. Nếu có dấu hiệu nhận hối lộ cần xử lý theo quy định.
Tránh để Cục trưởng C50 không có chuyên môn
Từ vụ án vừa được xét xử, TAND tỉnh Phú Thọ kiến nghị Bộ Công an có cơ chế chặt chẽ trong lựa chọn, thành lập và kiểm soát hoạt động của các công ty nghiệp vụ; tránh tình trạng lợi dụng vị thế của đơn vị nghiệp vụ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, HĐXX cũng kiến nghị Bộ Công an sắp xếp cán bộ có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác để phát huy hiệu quả việc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao; tránh trường hợp như Nguyễn Thanh Hóa là Cục trưởng C50 nhưng không có trình độ về công nghệ thông tin.
Trong 12 kiến nghị tòa sơ thẩm nêu trong bản án có đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý hoạt động phát hành thẻ cào viễn thông của doanh nghiệp viễn thông. Nhất là việc sử dụng thẻ cào này làm phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông.
Ngoài ra, tòa án cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước, Bộ TT&TT và bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường trách nhiệm với việc phát hành, sử dụng các loại thẻ mệnh giá như thẻ game, thẻ đa năng và quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán, trong đó có hoạt động gạch thẻ.