Cuối năm 2011, ông Quân đã mang tổng cộng 30 con chó Phú Quốc đến doanh nghiệp tư nhân do ông Hà làm giám đốc để chữa bệnh. Cơ sở của ông Hà đã làm bản kê thanh toán cho ông Quân, tổng số tiền chữa bệnh cho chó là 4,9 triệu đồng (có phiếu biên nhận, phiếu thu tạm ứng). Ông Quân đã trả toàn bộ số tiền chữa bệnh cho chó như trên.
Chữa 30 con, bị chết… 25 con
Nhưng theo ông Quân, trong số 30 con chó ông mang đến chữa bệnh thì cơ sở của ông Hà chỉ chữa khỏi và trả lại cho ông sáu con. Tuy nhiên, thực tế ông chỉ nhận lại năm con chó vì một con ông Hà không trả.
Ông Hà có gặp ông thỏa thuận rằng nếu chó chết trong ngày thì không phải trả tiền chữa bệnh. Nhưng theo ông Quân, trong hóa đơn thanh toán ông Hà đã gian lận của ông 420.000 đồng. Vì ngày 19/11/2011 ông mang chó đến nhưng trong ngày đó chó bị chết nhưng vẫn bị tính tiền thuốc chữa bệnh là 210.000 đồng. Hôm sau ông Hà tiếp tục mang chó đến, có ba con bị chết nhưng ông vẫn trả tiền thuốc là 210.000 đồng.
Cũng theo ông Quân, ông Hà nhận của mình 30 con chó Phú Quốc, đã trả lại năm con còn sống. Ông Quân tự định giá trị 5 triệu đồng/con, nên với 25 con chó đã chết thì ông thiệt hại 120 triệu đồng. Trong khi ông Hà có cam kết sẽ chữa khỏi bệnh cho 30% tổng số chó là 30 con của ông Quân mang đến.
Từ đó ông Quân khởi kiện, yêu cầu ông Hà bồi thường cho ông 30% giá trị số chó đã chết, tương đương với 36 triệu đồng, cộng với số tiền mà ông cho là ông Hà thanh toán gian lận là 420.000 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, ông Quân không đề nghị tòa định giá tài sản là số chó đã chết. Sau đó ông còn thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu tòa buộc ông Hà phải bồi thường giá trị của toàn bộ 25 con chó bị chết là 144 triệu đồng, 4,7 triệu đồng tiền chăm sóc chó và 420.000 đồng ông bị tính gian lận.
Đã chữa trị đúng cách
Phía bị đơn là ông Hà trình bày ông mở cửa hàng chữa bệnh cho chó cảnh và đã đăng ký hoạt động dưới dạng doanh nghiệp tư nhân. Ngày 19/11/2011 ông Quân mang chó đến chữa bệnh, ông ghi trong hóa đơn là nhận chữa bệnh cho ba con chó Phú Quốc (bị bệnh đi ngoài ra máu do virus Pavo). Hôm đó ông đã trao đổi với ông Quân về việc chữa bệnh này cho đàn chó của ông rất khó, tỷ lệ chết khá cao (khoảng 65%-70%).
Ông Hà cũng không hứa hẹn với ông Quân là sẽ chữa khỏi cho những con chó ông mang đến. Ông Quân có nói với ông về việc ông này có học khóa 1 Trường ĐH Nông Lâm nên cũng biết về tình trạng bệnh của đàn chó và trước khi mang đến ông Quân cũng đã tiêm phòng mũi cho đàn chó.
Sau đó, ông Quân mang chó đến chữa bệnh theo bản kê mà ông đã nộp cho tòa án và đúng theo lời trình bày về ngày giờ xảy ra các sự kiện. Khi ông mang chó đến thì các bác sĩ của phòng khám đều cặp nhiệt độ, kiểm tra phân, điều trị ngay. Đàn chó của ông Quân bị bệnh không cần cách ly, ông cứ mang chó đến là nhân viên sẽ nhận, nhốt chung và theo dõi, điều trị. Khi nhận chó thì ông Hà đều có hóa đơn nhận và giao cho ông Quân, cửa hàng có lưu nhưng do thời gian lâu nên ông không giữ.
Tuy nhiên, theo ông Quân, sau đợt điều trị đều có bản kê và xuất hóa đơn nên số tiền là hoàn toàn chính xác. Số chó ông mang đến chữa bệnh bị chết 25 con, năm con đã được trả lại. Mỗi khi chó chết ông đều gọi điện thoại báo nhưng khách không đến nhận về nên ông phải nhờ người vứt, chôn xác chó ở khu vực xa dân cư vì mùi rất khó chịu.
Sau khi thanh toán xong khoảng hai tháng thì ông Quân đến phòng khám nói với ông Quân là phải nhắc nhở nhân viên vì chăm sóc chó không tốt. Sau đó, ông đến bắt đền ông Hà vì lý do chữa bệnh cho chó mà không khỏi và nhờ người khác đến gây áp lực. Lúc này ông Hà có nói nếu làm sai thì sẽ đền. Tiếp đó, ông Hà đã làm đơn gửi Thanh tra Cục Thú y, công an phường và khởi kiện ra tòa.
Tòa bác yêu cầu khởi kiện
Vụ kiện được TAND quận Tây Hồ, TP Hà Nội thụ lý giải quyết. Trong phiên xử sơ thẩm mới đây, HĐXX nhận định hai bên đều thống nhất xác nhận từ ngày 19/11 đến 7/12/2011, số chó ông Quân mang đến chữa bệnh là 30 con, bị chết 25 con, ông đã nhận về năm con còn sống.
Ông Quân cho rằng khi nhận chữa bệnh cho đàn chó, ông Hà nói tỷ lệ sống khoảng 30%, từ đó buộc ông Hà phải bồi thường hơn 149 triệu đồng. Nhưng ông không cung cấp được tài liệu gì để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện này.
Ngoài ra, ngày 12/3/2013, ông Quân đã có đơn tố cáo ông Hà đến Sở NN&PTNT Hà Nội. Tại Công văn số 140 ngày 24/5/2013, cơ quan này đã trả lời là đơn tố cáo của ông Quân không đúng. Vì cơ quan chuyên môn không đủ cơ sở pháp lý để khẳng định nhân viên phòng khám của ông Hà trong quá trình điều trị đã thiếu trách nhiệm, làm chết chó của ông Quân. Do đó HĐXX tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Quân.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.