"Post vacation blue" là triệu chứng uể oải, mệt mỏi, không muốn làm việc sau khi tận hưởng kỳ nghỉ dài. Ảnh: Phương Lâm. |
Bảo Trân (22 tuổi) vừa trở lại thành phố vào 12h trưa nay. Cô vừa trải qua một chuyến xe kéo dài 8 giờ từ An Giang đi TP.HCM thay vì 4 giờ như mọi khi.
Mệt mỏi vì di chuyển đường dài và bức bối vì thời tiết TP.HCM quá nóng, Bảo Trân không còn đủ sức đến văn phòng. “Mình vừa gọi sếp xin được làm tại nhà một ngày vì quá mệt, không thể đến văn phòng nổi”, cô chia sẻ với Tri thức - Znews.
Trong khi đó, Mạnh Khang (29 tuổi) đã đến TP.HCM từ hôm qua. Anh bắt đầu tuần làm việc mới với một tinh thần phấn chấn và không bị ảnh hưởng quá nhiều từ kỳ nghỉ lễ 5 ngày. Tuy vậy, công việc của Mạnh Khang vẫn gặp trục trặc trong sáng nay vì có người vẫn chưa muốn kết thúc kỳ nghỉ.
“Kiếp nạn” sau lễ
“Mình đã có 5 ngày nghỉ lễ trọn vẹn bên gia đình và những người thân yêu. Điều tuyệt vời nhất trong kỳ nghỉ này là mình có dịp nấu cho cha mẹ một mâm cơm, cả nhà ăn cùng nhau và tâm sự về cuộc sống”, Bảo Trân kể thêm cô còn tranh thủ thời gian ở nhà để đấm bóp cho cha mẹ và đi chơi cùng bạn bè.
Bảo Trân hiện là chuyên viên truyền thông cho một công ty ở TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Dù có một kỳ nghỉ “trọn vẹn bên gia đình”, chuyến đi từ An Giang đến TP.HCM của cô lại không mấy suôn sẻ.
“Thay vì mất 4 tiếng di chuyển như bình thường, hôm nay mình mất đến 8 tiếng để đi từ quê lên thành phố. Xe cứ đi được 5 phút thì lại kẹt 10 phút nên hành trình bị kéo dài. Chắc đây là kiếp nạn thứ 82 của mình”, Bảo Trân nói thêm cô đang “ê ẩm cả đầu óc”.
Mệt mỏi vì đi xe đường dài cộng thêm “sốc nhiệt” vì đến TP.HCM, Trân quyết định xin “sếp” được làm việc tại nhà để có thêm thời gian nghỉ ngơi. “Khó ở chỗ 17h hôm nay công ty mình có một cuộc họp quan trọng. Do đó, mình chỉ được làm online từ 13h đến 17h, sau đó phải lên công ty để họp”, Bảo Trân chia sẻ.
Nhiều đối tác, khách hàng yêu cầu Mạnh Khang liên hệ lại vào ngày mai hoặc đầu tuần sau. Ảnh: NVCC. |
Theo cô, câu chuyện kẹt xe sau lễ đã quá quen thuộc sau mỗi kỳ nghỉ dài nhưng lần này "vẫn đáng sợ nhất”. Cô cho biết thời gian kẹt xe năm nay dài hơn mọi năm, xe cũng không ghé trạm dừng chân để khách nghỉ ngơi, đi vệ sinh. Do vậy, dù đã chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống, cô gái 22 tuổi vẫn bị “buồn nôn, mệt mỏi và không đủ sức để lên văn phòng”.
Mạnh Khang đã lên TP.HCM từ hôm qua. Anh mang cả máy tính về quê để làm việc nên không cảm thấy uể oải, mất tinh thần.Tuy nhiên, một số đối tác của Mạnh Khang lại chưa muốn kết thúc kỳ nghỉ của mình.
“Ngày đầu làm việc sau lễ của mình có chút khó khăn vì một số khách hàng và đối tác vẫn đang trong kỳ nghỉ, có nơi hẹn đến đầu tuần sau mới trở lại. Do vậy mà quá trình làm việc và liên hệ các bên bị xáo trộn”, anh kể.
Bí quyết “thoát khỏi” kỳ nghỉ dài
Thanh Vy (23 tuổi) đã tranh thủ kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm nay để đi du lịch 3 ngày 2 đêm ở Phan Thiết, Bình Thuận. Đối với cô và gia đình, kỳ nghỉ lần này là dịp để “sạc lại năng lượng và giải tỏa căng thẳng”.
Thanh Vy vừa trở về sau chuyến du lịch Phan Thiết 3 ngày 2 đêm. Ảnh: NVCC. |
“Trước đây mình khá ngại đi chơi trong kỳ nghỉ dài vì các điểm du lịch thường đông đúc và đắt đỏ. Tuy nhiên, lần du lịch này đã làm mình thay đổi quan điểm. Nếu đi du lịch cùng với những người thân yêu và có kế hoạch chu đáo thì đây là dịp lý tưởng để sạc lại năng lượng và giải tỏa căng thẳng”, Thanh Vy chia sẻ với Tri thức - Znews.
Dù có một kỳ nghỉ chất lượng, Thanh Vy cho biết cô vẫn không mất tinh thần làm việc. Ngược lại, cô cảm thấy “phấn chấn và vui vẻ" trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ.
“Với mình, một kỳ nghỉ giống như giấc mơ. Và khi kỳ nghỉ kết thúc thì mình phải ‘thức dậy’ để trở lại với công việc. Bí quyết để không cảm thấy uể oải sau kỳ nghỉ của mình là chỉ đi chơi vừa phải và dành hẳn 1 ngày để nghỉ ngơi sau chuyến đi chơi. Như vậy thì mình sẽ làm việc hiệu quả vào ngày hôm sau”, Thanh Vy nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm “vượt qua” cảm giác uể oải sau kỳ nghỉ, Mạnh Khang chia sẻ: “Cách để giữ tinh thần làm việc năng suất là cố gắng duy trì nhịp sinh hoạt đều đặn trong kỳ nghỉ. Ví dụ như giữ thói quen ngủ và thức dậy đúng giờ để không bị thiếu ngủ trong ngày làm việc đầu tiên”.
Quang Duy (22 tuổi) đang là chuyên viên tổ chức sự kiện tại TP.HCM. Anh cũng vừa trở lại TP.HCM vào hôm qua. “Khi trở lại văn phòng thì mình vừa vui vừa buồn. Vui vì sắp được hưởng máy lạnh ở văn phòng *cười*, buồn vì nghĩ đến khối lượng công việc phải làm. Sau kỳ nghỉ thì mình cũng hơi lười, uể oải”, Duy kể.
Quang Duy dành thời gian vào đêm cuối cùng của kỳ nghỉ để lên kế hoạch cho dự án tiếp theo. Ảnh: NVCC. |
Theo Quang Duy, anh thường dành khoảng 30 phút vào buổi tối cuối cùng của kỳ nghỉ để tự cập nhật tiến độ công việc và lên kế hoạch cho dự án tiếp theo. “Điều quan trọng là nghỉ ngơi thật tốt và lên kế hoạch chu đáo cho công việc”, anh nhấn mạnh.
Theo Medical News Today, có một triệu chứng tâm lý gọi là “post-vacation blue” (Tạm dịch: Buồn bã sau kỳ nghỉ lễ). Theo đó, người lao động dễ cáu gắt, hoài niệm, khó ngủ, không muốn làm việc do chuyển đổi đột ngột từ kỳ nghỉ sang cuộc sống thường ngày.
Để giải quyết tình trạng này, theo Very Wellmind, mọi người nên dành thời gian để tái kết nối với bản thân và đảm bảo thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Ngoài ra, các hoạt động như trò chuyện với bạn bè, lập mục tiêu cụ thể trong công việc, tập thể dục… cũng có thể giải quyết vấn đề tâm lý thường gặp này.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.