Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiệt sức, đổ bệnh khi trời nắng nóng đỉnh điểm

Trở về nhà vào cuối ngày, Phụng Nguyễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn có thể cảm nhận rõ hơi nóng hầm hập tỏa ra khi sờ tay lên mặt tường.

Cô gái 25 tuổi cho biết vị trí phòng mình nằm trên tầng 6, nóng hơn các tầng phía dưới. Vào các hôm nhiệt độ chạm ngưỡng 37-38 độ, cái oi nóng càng gây bí bách, khó chịu.

Thay vì ngủ trên giường, Phụng chuyển xuống sàn nằm cho đỡ nóng lưng. Trước đấy, cô phải lấy khăn lau để có thêm hơi mát sau cả một ngày mặt sàn bị hấp hơi nóng.

Tuy vậy, cô cho biết mình thường chỉ bật điều hòa cho mát phòng một lúc rồi chuyển sang nằm quạt dù nóng đến đâu. Một mặt, cô dễ bị mỏi toàn thân nếu nằm điều hòa qua đêm.

Mặt khác, Phụng muốn tiết kiệm tiền điện vì chỉ thuê trọ sống một mình, mọi chi phí đều do tự cô chi trả.

dan van phong kho so vi troi nong anh 1

Nắng nóng đạt ngưỡng 37-38 độ C khiến nhiều người đi làm trong trạng thái mệt mỏi. Ảnh: Thạch Thảo.

“Tiền điện hàng tháng rơi vào khoảng 200.000 đồng. Nếu dùng điều hòa thoải mái, số tiền cần bỏ ra có thể tăng gấp đôi. May là phần lớn thời gian trong ngày mình ngồi ở văn phòng mát mẻ, nếu không người sẽ rất nhớp nháp, mệt mỏi”, cô nói với Zing.

Giống với Phụng, nhiều nhân viên văn phòng đều có chung tâm trạng uể oải, năng suất làm việc bị ảnh hưởng trong những ngày nắng nóng kéo dài ở nhiều tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội.

Đau đầu, cảm cúm vì trời nóng

Quãng đường đi làm dài 12 km từ Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) đến Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) của Quỳnh Phương (25 tuổi, làm việc trong ngành IT) vốn xa, lại càng tốn sức hơn trong những ngày nhiệt độ chạm ngưỡng 37-38 độ C.

Mỗi buổi sáng, cô thường tốn khoảng 50 phút di chuyển từ nhà đến công ty. Vì trên đường đi có nhiều khu đông đúc xe cộ như Trường Chinh, Ngã Tư Sở, Khuất Duy Tiến, hầu như ngày nào Phương cũng gặp cảnh ùn tắc.

Không chỉ nhiệt độ tỏa từ mặt đường, hơi nóng từ các phương tiện xung quanh phả ra cũng khiến cô nhễ nhại mồ hôi, ướt đẫm sau lưng áo "như đi xông hơi".

Để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, Phương thường đứng một lúc dưới hầm để xe rồi mới bước vào công ty. Đến tối về nhà, cô phải mở điều hòa tiếp cho dễ ngủ.

Tâm trạng làm việc lên xuống theo thời tiết, khi Phương dễ nóng tính, khó ở hơn vào những ngày oi bức. "Trên đường, chỉ cần ai bấm còi sau lưng hay vừa đi vừa nhìn điện thoại cũng làm mình cáu", cô nói.

Ngoài ra, sức khỏe của cô cũng bị ảnh hưởng theo vì nhạy cảm với thời tiết thất thường. Việc ra vào liên tục giữa phòng máy lạnh với môi trường bên ngoài khiến Phương dễ nhức đầu, đau họng, cảm cúm.

Có hôm, cô phải xin nghỉ phép một ngày do say nắng. "Với thể trạng đang mệt, việc phải dậy sớm và đi quãng đường xa tới công ty dưới trời nắng gắt, mình không có đủ sức chịu được", cô kể.

"Nắng nóng còn dễ làm hỏng đồ ăn. Đồ ăn trưa mình chuẩn bị từ tối hôm trước, sáng hôm sau mang đi, đến cất ở tủ lạnh trong phòng mà tới trưa mở ra thì canh đã bị chua, hỏng không ăn được nữa", Phương nói thêm.

Năng suất làm việc giảm

Do tính chất công việc phải chụp ảnh ngoài trời, Tuấn Anh (22 tuổi, Hà Nội) cho hay dù ngại nóng bức, anh vẫn phải "lao ra đường" giữa những ngày trời nắng như đổ lửa.

Trong tuần Hà Nội đón cái nóng cao điểm, ngoài những địa điểm trong thành phố, Tuấn Anh có hai hôm chạy xe máy ra ngoại thành chụp, đến Mỹ Đức (cách trung tâm thủ đô khoảng 55 km) và huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương).

Dù có thể lực khỏe, ít ốm, anh cho biết việc phải chạy cả đi lẫn về ngót nghét 110-140 km trong không khí nóng hầm hập không phải điều dễ dàng.

dan van phong kho so vi troi nong anh 4

Tuấn Anh cho biết nếu không che chắn cơ thể khi ra ngoài trời chụp hình, anh rất dễ bị say nắng. Ảnh: NVCC.

"Hôm trời 38 độ C, mình phải đẩy giờ dậy lên 4h30 sáng để xuất phát sớm, đến nơi là 6h30, vì mùa này 7-8h là đã nắng to", anh kể.

Những ngày này, ô dù, áo chống nắng và bình nước là 3 thứ không thể thiếu. Ô để che đầu lúc chụp ngoài trời, bởi "rất dễ đau đầu và say nắng nếu không che chắn gì".

"Tuy vậy, chừng đó vẫn chưa đủ. Da mình vẫn đen xuống vài tông, mặt in hằn hình khẩu trang. Ngoài bình nước mang đi, mình còn phải nghỉ dọc đường để rửa mặt cho tỉnh táo và mua thêm nước bên ngoài cho đỡ khát", Tuấn Anh chia sẻ.

“Ở ngoài trời lâu, thể trạng và tâm trạng làm việc của mình cũng đuối đi nhiều. Nếu chưa có ảnh đẹp mà phải đứng nắng trong vài tiếng, mình dễ sinh bực tức, khó chịu hoặc dễ mất hứng chụp nếu trời nóng quá, dẫn đến kết quả không như mong muốn”, Tuấn Anh nói thêm.

Về tới nhà, cơ thể mệt mỏi khiến anh ít có sức lực, hứng thú làm các công việc khác, chỉ muốn nghỉ ngơi. Nếu có hẹn đi chơi, Tuấn Anh chỉ muốn ra ngoài vào buổi tối và chọn quán có điều hòa, không ngồi vỉa hè, ngoài đường như trước.

Thời tiết nắng nóng cũng khiến thói quen tập thể dục của Ánh Ngọc (26 tuổi, quận Cầu Giấy) phải thay đổi theo. Trung bình, nữ nhân viên văn phòng dành 4 buổi trong tuần để đi chạy bộ.

dan van phong kho so vi troi nong anh 5

Mùa hè, Ánh Ngọc tránh cảnh chạy quá sức khi trời nóng. Ảnh: NVCC.

Ngọc thừa nhận bản thân không tránh khỏi cảm giác uể oải, tính tình cáu gắt hơn vào những ngày nóng cao điểm. Cuối tuần, cô thường rơi vào trạng thái ngủ li bì vì mệt.

Bình thường, Ngọc có thể chạy liên tục 5-10 km mà không cần uống nước hay sợ hụt hơi.

Song, cô cho biết nhịp tim có thể tăng rất nhanh khi chạy trong những ngày hè nóng nực, còn mồ hôi đổ liên tục như tắm.

“Động lực khiến mình không bỏ tập hiện giờ là do mình đăng ký giải chạy half marathon (21 km) vào tháng tới. Để đảm bảo thể lực, mình cố gắng duy trì lịch tập như cũ”, cô nói.

Hiện tại, Ngọc chọn chạy lúc sáng sớm hoặc lùi giờ luyện tập xuống muộn hơn nhằm tránh cái nóng gay gắt. Quãng đường chạy cũng rút xuống 5 km, thay vì cố gắng chạy 8-12 km như trước.

Để tránh sốc nhiệt, cô mặc quần áo tập chuyên cho chạy bộ với chất vải thoáng mát, thoát nhiệt tốt.

“Khi chưa vào hè, mình bắt đầu chạy vào khoảng 18h, sau khi đi làm về. Nhưng bây giờ, mình phải chờ đến 19-20h, khi đã tắt nắng hẳn và không khí dịu đi mới dám xỏ giày vào chạy”, cô chia sẻ.

Không dám đi chơi trước 21h vì Hà Nội nóng đỉnh điểm

Những ngày thời tiết mát mẻ, Thanh Thúy thoải mái ra ngoài chơi từ đầu giờ tối song hiện tại, các cuộc vui của cô thường bắt đầu từ khoảng 21h để tránh cái nóng hầm hập.

Trà My

Bạn có thể quan tâm