Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone của tác giả Fan Yiying nói về những khó khăn mà người lớn tuổi, đã về hưu ở Trung Quốc gặp phải khi phụ giúp con cái chăm sóc các cháu nhỏ.
Đôi lúc, khi đang ngồi một mình trong căn hộ của con gái và lơ đễnh lướt qua các kênh truyền hình, bà Liu Xiumei tự hỏi cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu không đồng ý chăm sóc các cháu.
“Có lẽ tôi sẽ đi du lịch vòng quanh Trung Quốc với chồng mình”, người phụ nữ 55 tuổi nói với Sixth Tone. “Tôi vẫn đang điều hành công ty giúp việc gia đình nhỏ của mình, kiếm vài trăm nhân dân tệ mỗi ngày”.
Khi con gái mang thai lần đầu tiên vào năm 2014, Liu đã làm điều mà nhiều người Trung Quốc ở độ tuổi bà vẫn làm: Giúp đỡ các con chăm cháu nhỏ. Rời quê nhà Hồ Bắc đầy khó khăn, nhưng Liu nghĩ rằng bà sẽ chỉ ở Thượng Hải trong vài năm cho đến khi con gái bà có thể tự mình nuôi con.
Những người lớn tuổi đưa cháu về nhà sau chuyến đi chơi công viên ở Thượng Hải. |
Nhưng mọi thứ đã không đúng như kế hoạch.
Chỉ một năm sau, Trung Quốc cuối cùng đã từ bỏ chính sách một con. Và con gái của Liu trở thành một trong hàng triệu bậc cha mẹ tận dụng các quy định mới để sinh em bé thứ hai. Nhiệm vụ chăm sóc cháu của Liu bây giờ tăng lên gấp đôi.
Nhiều người Trung Quốc thuộc thế hệ của Liu đã phải đối mặt với vấn đề tương tự trong 5 năm qua. Dù hiếm khi được thừa nhận, người già ở đất nước tỷ dân phải chịu gánh nặng to lớn hơn kể từ khi chính sách kế hoạch hóa gia đình được nới lỏng.
"Người già trôi dạt"
Tại Trung Quốc, nhiều bậc cha mẹ thành thị không thể tự chăm sóc con cái. Cả hai vợ chồng đều phải đi làm để trang trải chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng. Trong hoàn cảnh đó, ông bà nội ngoại là những người đầu tiên họ có thể trông cậy, nhờ vả.
Những năm gần đây, hàng triệu người cao tuổi đã trở thành "laopiao" - hay còn gọi là "người già trôi dạt" - rời quê lên phố để làm bảo mẫu cho con cháu.
Tang Xiaojing, giảng viên xã hội học tại Đại học Sư phạm Hoa Đông của Thượng Hải, nói rằng thế hệ ông bà này thường sẵn sàng hy sinh cho gia đình và làm tất cả cho những đứa con duy nhất của họ.
“Họ nghĩ rằng việc phục vụ con cái và gia đình là trách nhiệm của cha mẹ. Khi những đứa con duy nhất của họ xây dựng một gia đình nhỏ, cha mẹ có xu hướng tiếp tục mối quan hệ cha mẹ - con cái trong quá khứ”.
Một người lớn tuổi chăm sóc cháu trai tại công viên ở Qujing, tỉnh Vân Nam. |
Tuy nhiên, chính sách hai con đã tạo ra những căng thẳng mới trong các mối quan hệ này. Trong khi một số người cao tuổi thúc giục con cái sinh con thứ hai vì muốn có một gia đình lớn hơn, nhiều người khác không muốn miễn cưỡng chăm sóc trẻ sơ sinh thêm nữa.
Đa số đều coi việc chăm sóc đứa cháu đầu tiên là một nghĩa vụ, nhưng họ thường cảm thấy khác khi có em bé thứ hai, theo Tang.
Đôi khi, những ông bà cũng phải vỡ mộng vì kinh nghiệm nuôi nấng đứa cháu đầu tiên. Những người khác không muốn rời quê nữa, trong khi số còn lại đã quá già để có thể chăm sóc tốt cho một đứa trẻ sơ sinh.
“Người già có thể cảm thấy ít năng lượng hơn bởi vì đã lớn tuổi và họ có thể cần phải chăm sóc người bạn đời của mình”, Tang nói.
Kiệt sức vì chăm cháu
Khi con gái nói rằng đang cân nhắc sinh con thứ hai, Liu đã rất thất vọng. Bà cũng không hề giấu giếm cảm xúc của mình. Liu đã ở Thượng Hải được vài năm, bà rất nhớ chồng và cuộc sống trước đây tại Hồ Bắc. Thêm vào đó, bà cảm thấy mình đã kiệt sức.
“Việc nuôi dạy một đứa trẻ rất căng thẳng. Chăm một đứa đã rất khó nên tôi nghĩ mình sẽ không thể chăm thêm một đứa khác”, Liu nói.
Nhưng mẹ chồng của con gái Liu lại rất muốn có đứa cháu thứ hai. Bà đã đi hơn 2.000 km từ Vân Nam đến Thượng Hải để thay bà Liu chăm các cháu.
Tuy nhiên, không được bao lâu, mẹ chồng rời đi vì những bất đồng với con dâu.
“Bà ấy cho rằng phụ nữ nên ở nhà chăm sóc con cái và đàn ông nên ra ngoài làm việc. Nhưng ở Thượng Hải, các cặp vợ chồng đều phải làm việc để nuôi một gia đình 3 người, chứ chưa nói đến 4 người”, con gái của Liu, Liu Chongyang, nói.
Nhiều người cảm thấy kiệt sức vì phải chăm các cháu, phụ giúp việc nhà cho con khi đã về hưu. |
Cuối cùng, Liu Chongyang phải gọi điện cầu cứu mẹ ruột. Kể từ đó, bà Liu Xiumei lại quay về sống cùng con gái, con rể và hai cháu ngoại trong một căn hộ rộng 70 m2 ở ngoại ô Thượng Hải.
Mỗi ngày, bà dậy lúc 7 giờ sáng, cho cháu trai mình ăn, dọn dẹp căn hộ, giặt giũ và chuẩn bị bữa trưa. Vào buổi chiều, trong khi cháu trai ngủ trưa, Liu xem TV hoặc lướt WeChat. 3 giờ chiều, bà chạy xe đạp điện đi đón cháu gái ở trường mẫu giáo.
Buổi tối bà nấu nướng, cho các cháu ăn, tắm rửa rồi dọn dẹp. Cha mẹ của bọn trẻ luôn trở về nhà vào tối muộn. Bà Liu thường đi ngủ vào khoảng 11 giờ tối. “Ngày nào cũng vậy, lặp đi lặp lại”, bà nói.
Mắc kẹt giữa 3 thế hệ
Tuy nhiên, không phải ông bà về hưu nào cũng chấp nhận hy sinh như Liu. Một số người nói với Sixth Tone rằng họ lo lắng mình đã già và không thể chăm cháu tốt. Ngoài ra, họ cũng lo con cái sẽ quá phụ thuộc vào mình.
Zhao Yaping, một cựu giáo viên 64 tuổi đến từ Thượng Hải, nói: “Tôi đã làm việc chăm chỉ trong suốt cuộc đời và chỉ muốn tận hưởng thời gian nghỉ hưu cùng vợ. Cuộc sống của tôi không nên xoay quanh gia đình nhỏ của con”.
Khi con trai và con dâu nói đang cân nhắc sinh con thứ hai vào năm 2017, Zhao đã khuyên họ nên nghĩ kỹ. “Có hai đứa con, cuộc sống sẽ vui gấp đôi nhưng cũng vất vả gấp đôi”.
Tuy nhiên, các con của Zhao vẫn quyết tâm sinh thêm. Cuối cùng, Zhao đã tìm một bảo mẫu và trả cho người này 5.000 nhân dân tệ (750 USD) mỗi tháng để chăm các cháu. Con dâu của ông cũng trở thành một bà mẹ nội trợ cho đến khi cả hai đứa trẻ đi học mẫu giáo.
Không giống như Zhao, Wang Huiquan không thể từ chối khi con trai nhờ bà chăm sóc đứa cháu thứ hai được sinh vào đầu năm nay. Nhưng người bà 66 tuổi không vui vẻ gì khi nhận lời.
“Tôi từng có mái tóc đen, nhưng bây giờ đều chuyển sang màu xám”, bà Wang nói.
Người già dễ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi phải gánh vác trách nhiệm quá lớn. |
Đứa trẻ thứ hai khiến mối quan hệ giữa Wang và con dâu thêm căng thẳng. Họ thường bất đồng về các vấn đề nuôi dạy con cái.
Ví dụ như Wang thường cho bọn trẻ xem phim hoạt hình khi chúng đang ăn nhưng con dâu của bà phàn nàn rằng bà quá nuông chiều các cháu.
“Chúng nghịch ngợm hoặc la hét khi ăn khiến tôi choáng váng. Nhưng con dâu lại không hiểu vì con bé hiếm khi cho bọn trẻ ăn”, bà Wang nói.
Trong những tháng gần đây, người mẹ 90 tuổi của Wang bị ốm nặng. Giờ đây, bà thấy mình đang mắc kẹt giữa 3 thế hệ cùng một lúc. Sự lo lắng đã khiến bà sụt hơn 5 kg.
“Con trai nói tôi có thể nghỉ ngơi một tháng, nhưng tôi nghĩ mình cần nhiều hơn thế”, Wang nói.
Tang Dan, phó giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, người từng nghiên cứu tập trung vào các vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến người cao tuổi, cho biết nhiều người thuộc thế hệ của Wang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần do trách nhiệm chăm sóc vượt quá sức chịu đựng của họ.
“Người cao tuổi cũng có thể cảm thấy cô đơn vì họ dành nhiều tình cảm cho con cháu nhưng không nhận được sự đánh giá cao hoặc công nhận mà họ mong đợi. Điều này có thể khiến họ trở nên trầm cảm hoặc gặp các vấn đề sức khỏe khác”, Tang nói.