Những ngày qua, nắng nóng gay gắt xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và người lao động. Ảnh: Thụy Trang. |
Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Hoan (39 tuổi, tiểu thương ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đi hơn 50 km từ Hưng Yên về Hà Nội để bán trái cây. Mỗi ngày, người phụ nữ này đều tự vận chuyển hơn 100 kg hàng hóa để bán. Những ngày gần đây, nhiệt độ ở Hà Nội thường xuyên tăng cao khiến chị Hoan rất khó chịu và uể oải.
Chóng mặt, hoa mắt cũng không dám nghỉ
Vì cuộc sống mưu sinh, người phụ nữ vẫn cố gắng để kiếm thêm thu nhập.
"Những lúc không có khách, tôi thường vào bóng cây để trú nhưng vẫn rất nóng, hơi nóng phả từ mặt đường lên như thiêu đốt. Có ngày mới 9h nhưng áo của tôi đã đẫm mồ hôi. Thỉnh thoảng vì quá nóng, tôi cũng bị chóng mặt, hoa mắt nhưng cũng không thể nghỉ bán vì chỉ có một mình. Đây cũng là nguồn thu nhập chính nên vẫn phải gồng lên để làm việc", chị Hoan tâm sự.
Để chống chọi với nắng nóng, người phụ nữ bảo vệ mình bằng cách mặc áo mỏng bên trong và một lớp áo chống nắng dày bên ngoài, đội nón, đeo khẩu trang và mang theo một can nước lọc 5 lít. Mỗi ngày, chị Hoan uống hết khoảng 2/3 số nước này, còn lại chị dùng để rửa mặt khi quá nóng.
Những ngày gần đây, nhiệt độ ở Hà Nội thường xuyên tăng cao, khiến chị Hoan rất khó chịu và uể oải. Ảnh: Phương Anh. |
Bán mặt hàng chiếu cói cách chị Hoan vài mét, anh Hà Văn Dũng (trú tại Bắc Ninh) cũng chảy mồ hôi ròng vì nóng. Làn da của người đàn ông này sạm và đầy nám vì quanh năm "phơi mặt" ngoài đường.
Anh Dũng cũng đi làm từ 6h đến gần 21h mới nghỉ. Hàng hóa anh đều xếp gọn lên chiếc xe máy tự chế, rong ruổi khắp Hà Nội. Khu vực vào tiện đỗ xe, anh sẽ dừng lại 2-3 tiếng đến bán hàng.
"Tôi đỗ xe ra sát rìa đường để khách hàng tiện mua nhưng nắng nóng quá họ cũng ngại dừng lại. Dù đã quen với thời tiết khắc nghiệt nhưng tôi vẫn bị háo nước và mệt mỏi. Để hạn chế mất nước, tôi thường thêm chút muối vào bình nước mang đi làm của mình", anh Dũng nói.
Tại vỉa hè đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy), nhiều xe ôm tập trung dưới bóng cây để tránh nắng vào giờ nghỉ trưa, khi nhiệt độ lên cao nhất trong ngày. Ảnh: Thụy Trang. |
Anh Phan Huy Hoàng làm nghề giao hàng, phải chạy xe ngoài đường gần như cả ngày. Bình thường, anh đi làm từ 7h30 đến 21h. Những ngày nắng nóng gay gắt, lượng đơn hàng của anh tăng cao vì người dân không muốn ra đường.
"Dù quen với thời tiết mùa hè nhưng tôi vẫn bị sốc với nhiệt độ ngoài đường vào thời điểm 11-15h. Thỉnh thoảng, tôi đau đầu và rất khát nước nhưng vẫn cố nhận thêm đơn vì ham việc, có thêm thu nhập", anh Hoàng chia sẻ.
Cố làm việc khi say nắng, say nóng rất nguy hiểm
Trả lời Tri thức trực tuyến, bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Phương Nga, Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, cho hay làm việc dưới nắng nóng hoặc trong công xưởng không được thông khí hay làm mát tốt, người dân rất dễ bị say nóng, say nắng.
Say nắng, say nóng không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Theo bác sĩ Đặng Hoàng Điệp, khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các dấu hiệu nhẹ ban đầu của say nắng, say nóng là nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Biểu hiện nặng hơn, nếu không được xử trí kịp thời, như tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê.
Thân nhiệt tăng quá cao còn gây rối loạn điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, tiểu tiện ra máu) do rối loạn đông máu. Nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
"Người dân thường mắc sai lầm là cố làm việc tiếp khi có đã có các dấu hiệu nhẹ của say nắng, say nóng. Điều này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, khi cảm thấy đau đầu, chóng mặt, người dân cần ngừng công việc đang làm ngay lập tức để vào nơi râm mát nghỉ ngơi", bác sĩ Phương Nga nhấn mạnh.
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu cho người bệnh say nắng. Ảnh: BVCC. |
Vị chuyên gia hướng dẫn nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, di chuyển một quãng đường dài dưới trời nắng nóng, bạn cố gắng tránh thời điểm từ 11-16h. Ngoài ra, người dân cần có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo chống nắng nhưng thoáng mát, dễ thoát mồ hôi, sử dụng khẩu trang, mũ, kính râm. Đặc biệt, sau khi di chuyển hoặc làm việc trong khoảng thời gian nhất định, bạn cần tìm nơi thoáng mát để hạ nhiệt cơ thể, uống thêm nước để phòng mất nước...
Theo bác sĩ Đặng Hoàng Điệp, khoảng một giờ kể từ khi có dấu hiệu say nắng, say nóng ở mức độ nặng là "thời điểm vàng" để cấp cứu. Do đó, sơ cứu ban đầu tại hiện trường là khâu rất quan trọng.
Vì vậy khi gặp người bị say nắng, say nóng, chúng ta phải thực hiện ngay các bước như sau:
- Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát…), đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu.
- Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch.
- Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt, đo nhiệt độ cơ thể nếu có nhiệt kế.
- Cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi. Bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt.
- Đắp khăn lạnh hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ. Cho nạn nhân uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu tỉnh táo, có thể uống được.
- Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.