Kiều Oanh: 'Thiếu cười, đời tôi héo hon!'
Ngoài những chia sẻ về nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình, Kiều Oanh còn trải lòng về những bước ngoặc trong cuộc đời chị.
Tất cả tùy duyên!
- Quyết định gắn bó với sân khấu Nhà hát kịch TP.HCM, dường như Kiều Oanh đang lập kế hoạch chinh phục lại khán giả quê nhà?
- Tôi không có khái niệm về kế hoạch. Tất cả chỉ là cơ duyên đưa đẩy để người nghệ sĩ như tôi nhận thấy tình yêu thương vô bờ của khán giả, đồng nghiệp. Tôi lại rất xem trọng tình cảm đó và không rời xa được.
NS Kiều Oanh và Lê Huỳnh tại hậu trường sân khấu Trống Đồng |
Nhớ da diết những lần tôi theo chân đoàn kịch nói TP.HCM, lúc đó chưa được nâng cấp thành nhà hát, đi lưu diễn ở vùng sâu, vùng xa. Đôi khi đoàn đang diễn mưa xuống tầm tã, nhìn bà con đội mưa ngồi xem, anh em nghệ sĩ trong đoàn cũng che dù tiếp tục diễn kịch... Nghệ sĩ Khánh Hoàng và đạo diễn Hoàng Duẫn tạo nhiều điều kiện để tôi biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát Kịch TPHCM. Cơ hội này đã mang lại cho tôi nhiều vinh dự khi được đề cử giải Mai Vàng với vở Những mối tình tréo cẳng ngỗng, Vợ tôi là găng tơ...
- Nhìn lại quãng đường đã qua, chị có nghĩ mình gặp nhiều may mắn?
- Thật ra thì có may, có rủi, tôi như người đứng từ trên đỉnh ngọn thác nhìn xuống. Phía dưới nước trắng xóa, trên cao là cầu vồng lung linh, cảnh đẹp thật nhưng nếu không cẩn thận bạn dễ bị rơi xuống thác. Tôi thấy may mắn đến khi mình còn đứng trên cao để thả hồn nhìn theo dòng nước xiết, còn xui xẻo là lúc bất ngờ bị đạp té xuống. Ranh giới may mắn và xui xẻo trong nghề này mong manh lắm, không ứng xử khéo thì may sẽ nhanh chóng thành xui rủi.
- Để thắng chính bản thân mình, vượt cám dỗ theo chị người nghệ sĩ cần những yếu tố gì?
- Cứ bay, cứ mơ nhưng biết cách đứng vững trên mặt đất. Khi bắt đầu được khán giả thương, nhất là qua chương trình Tuổi trẻ cười tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình, tôi bị đồng nghiệp tẩy chay. Một số anh chị nghệ sĩ chưa hiểu đã có những ác cảm khiến tôi mất tinh thần. Tôi không tìm được bạn diễn, phải đi hát tân nhạc để sống.
Những giai đoạn đó cho tôi sự chín chắn, nhìn lại mọi chuyện và cố gắng hòa giải, vun đắp. Tôi nhớ một lần đi diễn ở Mỹ, ngồi máy bay cạnh anh Minh Nhí, anh tâm sự nhiều và nói: “Bây giờ anh mới hiểu em và cảm nhận em đã có nhiều tiến bộ trong nghề, cả trong cuộc sống”. Tôi chỉ cười, chợt nghĩ đời người như con dốc, càng lên càng thấm mệt. Nhưng khi đứng ở đỉnh dốc, nơi mình có thể nhìn về phía sau hay mỉm cười tiến lên trước sẽ nhận ra rằng sự rộng lượng là hành trang quan trọng của cuộc đời.
- Tại sao lại là rộng lượng trong khi lẽ ra phải là những kinh nghiệm để bản thân tránh những sai lầm trong quá khứ?
- Rộng lượng với chính mình, với đối thủ của mình và cả những kẻ thù mà một thời mình không chấp nhận. Kinh nghiệm bản thân cho tôi nhiều bài học, có cái quý giá, có cái lụn vụn nhưng chúng đều là chất liệu sống. Từ khi lập gia đình với Lê Huỳnh, rồi sinh con gái, tôi thương yêu con và quyết tâm sống vì con. Có lẽ khi làm mẹ, khi đã trưởng thành thì mình có những thay đổi trong suy nghĩ, không còn bồng bột, háo thắng. Và với tôi, rộng lượng là một trong những bài học quý mà kinh nghiệm sống đã dạy.
- Nói vậy, chắc chị đã chịu nhiều đau khổ vì bị bạn bè, đồng nghiệp?
- Thôi, nhắc đến không vui. Tôi chỉ mong những gì đã qua thì hãy theo dòng thời gian mà xóa. Tôi hiện tại chỉ mong giữ thâm tình của những người yêu quý mình, yêu ánh đèn sân khấu và thế giới sau bức màn nhung. Dẫu sao, tất cả những trải nghiệm có được trong đời đều giúp tôi lớn lên, tự đi trên đôi chân của mình.
Những kỷ niệm khó quên
- Dẫu biết một nghệ sĩ trải nghiệm thành công lẫn thất bại trên đường đời sẽ có thêm nhiều chất liệu cho nghiệp diễn nhưng có bao giờ Kiều Oanh nản khi gặp thất bại?
- Có chứ, tôi từng có ý định rời xa sân khấu, về quê nhà. Nói theo lời mẹ tôi lúc đó “có cơm, ăn cơm, có cháo ăn cháo” chứ thấy tôi cơ cực, diễn bị đồng nghiệp hiếp đáp, đời sống tinh thần mệt mỏi thì không chịu nổi. Nhưng rồi tất cả cũng trôi qua, bây giờ nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình có lúc nản nhưng không nhụt chí. Căng thẳng qua đi, tôi lại đứng lên để hoàn thành tốt những công việc được giao.
- Khi đạt được thành quả nghệ thuật, chị nhớ ơn ai nhất?
- Tôi mang ơn những nghịch cảnh trong đời diễn viên, nếu thiếu nó chắc có lẽ mình sẽ không thể đứng vững và tồn tại. Đứng vững ở đây chính là nhận bất cứ vai nào cũng không sợ, còn tồn tại thì đúng nghĩa chứ không chỉ có tên, có tuổi nhưng lại không có nghề.
Kiều Oanh và Hữu Nghĩa |
- Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, chị sợ điều gì nhất?
- Sự bạc bẽo của bạn diễn. Đối xử không tốt với nhau trên sân khấu chính là mang cái bạc bẽo vào nghiệp của mình, rồi mình sẽ gặp phải những điều không tốt. Khi vào nghề, các thầy cô vẫn thường khuyên chúng tôi hãy biết quý trọng đồng nghiệp. Vì chỉ có đồng nghiệp tốt mới chia sẻ, đỡ đần và giúp cho ta tiến bộ. Tôi nhớ hoài câu chuyện cố NS Năm Phỉ đi xem cố NSND Năm Đồ diễn hát bội, đóng vai Đào Tam Xuân, phục nghề mà tháo ngay chiếc xuyến đeo trên tay để tặng cho bạn. Sau đó hai bà trở thành bạn thân của nhau.
- Mỗi lần về thăm quê nhà, chị nhớ nhất điều gì?
- Tôi về nước nhiều lần, lần nào cũng tìm thăm các thầy cô và bạn bè cũ. Người còn, người mất, nhưng vẫn nhớ như in trong tâm trí những kỷ niệm đẹp của thời được học tập dưới sự dìu dắt hết lòng của các thầy cô. Tôi nhớ nhất lần diễn vở Tấm Cám tại Nhà văn hóa Thanh Niên, lúc đó tôi đóng vai Cám, diễn sung lắm, khán giả vỗ tay từng chặp. Khi diễn cảnh ăn hiếp chị Tấm, tôi bị khán giả ném một chiếc dép, nếu không né thì trúng vào mặt rồi. Sau đó vào hậu trường vừa sợ nhưng lại vui vì thầy Hà Quang Văn nói em diễn đạt đến nỗi khán giả tin em là cô Cám độc ác.
Sau này tôi mơ có dịp sẽ được diễn nhiều loại vai tuồng, tính cách khác nhau. Và tổ nghiệp đã cho tôi điều nguyện ước đó, để tôi có thể hóa thân vào các vai diễn đa chiều, đa màu sắc.
- Người đầu tiên chị nghĩ đến, muốn chia sẻ khi gặp khó khăn là ai?
- Tất nhiên là ông xã tôi. Nhưng cũng có nhiều chuyện tôi chỉ nói với chính mình hoặc giải bày tâm sự đó qua những trang giấy. Tôi thích viết những ý tưởng của mình, có khi là những câu thoại rất bi kịch, có thể sau này tôi sẽ tập hợp lại để viết thành một kịch bản bi hài.
Hạnh phúc đến khi biết cảm thông
- Sau một lần đổ vỡ, lần thứ hai bước lên xe hoa bạn có nghĩ đó là duyên may?
- Hôn nhân đầu tiên, tôi cứ mải mê đi lưu diễn, ông xã khó chấp nhận nên chúng tôi chia tay. Khi gặp anh Lê Huỳnh, một lần nhờ anh ấy chăm sóc lúc bệnh nặng, chúng tôi tìm hiểu và tiến đến hôn nhân. Chúng tôi đều là nghệ sĩ dễ cảm thông, dung hòa hạnh phúc. Con gái chào đời chính là một mối liên kết chặt chẽ cho cuộc hôn nhân của chúng tôi.
- Để “hô biến” ông xã thành bạn diễn, Kiều Oanh có gặp trở ngại gì không?
- Ban đầu thì khó nhưng diễn và tập riết cũng quen. Có khi anh ấy còn “tưng” hơn tôi, dựa vào nhau để tung hứng trên sân khấu. Hạnh phúc khi chúng tôi đi lưu diễn, bà con kiều bào cổ vũ nồng nhiệt lắm. Còn về quê nhà, môi trường nghệ thuật trong nước giúp chúng tôi học hỏi nhiều điều. Tham gia diễn kịch dài giúp anh ấy có được nhiều kinh nghiệm, thích ứng với nhiều dạng vai.
- Cuộc sống trên đất Mỹ có khó khăn với gia đình nhỏ chỉ làm nghệ thuật như chị?
- Ở Mỹ cuộc sống không tất bật, cuối tuần tôi cùng ông xã đi bay sô. Lịch diễn lên trước cả năm nên vé máy bay cũng đăng ký trước, tới giờ chúng tôi xách vali đi. Những lúc không gởi được con hai vợ chồng bế cháu theo, ngoan lắm, mấy tháng tuổi đã đi máy bay và không bao giờ làm ảnh hưởng đến hành khách. Tôi hài lòng với hạnh phúc của mình, vì anh Lê Huỳnh hết sức thương yêu vợ con, quý mến đồng nghiệp.
Về nước chúng tôi đã mua được một ngôi nhà, làm hàng xóm với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Gia đình chúng tôi sống giản dị, chỉ mong đến giờ ra sân khấu để diễn, phục vụ khán giả. Lần này chúng tôi sẽ bận rộn vì phải túc trực ở phim trường Khúc Nam Ai cùng với: Hoài Linh, Thanh Thủy, Mai Thế Hiệp, Võ Minh Lâm…
- Thích cười và luôn nở nụ cười nhưng với tình yêu, hôn nhân, chị có hay ghen?
- Ghen là đức tính mà tạo hóa ban cho người phụ nữ. Lúc còn trẻ, ghen vớ vẩn để chứng tỏ mình yêu, trung thành với tình yêu đó còn ngày nay thì không như thế. Mỗi khi thấy ông xã mình chụp ảnh chung với một số bạn gái là khán giả thân thiết thì tôi thường trêu chọc và ngược lại. Chúng tôi hiểu nhau nên biến sự ghen tuông thành câu chuyện vui để quên đi khó nhọc của nghề diễn. Cái lớn hơn là lo chu đáo cho cuộc sống gia đình, dạy con ngoan, sống hiếu hạnh với cha mẹ và trên hết là giữ tình cảm của công chúng.
Đa đoan để tồn tại!
- Xuất thân từ cải lương, nhưng vì sao Kiều Oanh lại chọn hài kịch để phát triển sự nghiệp?
- Thuở trước, tôi mê các nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương nên quyết theo nghề. Khi thi đậu vào trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, má tôi bán một con heo để cho tôi có tiền lộ phí.
Được đào tạo bài bản để trở thành nghệ sĩ cải lương nhưng khi ra nghề cơ duyên của tôi gắn với kịch nói. Ban đầu tôi làm nghề MC, theo đoàn ca nhạc nhẹ biểu diễn khắp nơi. Khi ca sĩ chưa tới thì tôi hát, khi diễn viên hài trong nhóm thiếu, tôi cũng ra thay. Sau này duyên may lại đưa tôi về tham gia các vở trên sân khấu kịch Sài Gòn: Lặng lẽ khóc cười, Em lấy chồng xứ lạ, Vàng ơi là vàng, Bến đục bến trong... Nếu không có tiếng cười đời tôi sẽ héo hon.
Tôi cũng thấy mình cần đa đoan để tồn tại. Nếu đóng kín một khung nào đó, tôi sẽ nhàm chán chính bản thân mình. Chính vì thế, sự nghiệp của tôi đi từ cải lương, qua hài, qua phim, MC, đôi lúc làm diễn viên và đang làm tác giả, đạo diễn cho chính các tiểu phẩm hai vợ chồng tôi trên sân khấu.
- Nhiều khán giả kiều bào cho rằng cách diễn hài của chị có một số ngôn từ quá lố, chị có định điều chỉnh lại?
- Mượn những câu chuyện “đố tục giảng thanh” để chọc cười là cách làm nhanh nhất để tiểu phẩm hài tạo được tiếng cười. Đôi lúc cái gu đó hợp với tâm lý cần xả đi những mệt nhọc, căng thẳng sau những ngày làm việc cực lực nhưng rồi có những khán giả không cười. Tính chất vùng miền mỗi nơi mỗi khác, nói chi đến các tiểu bang, nhiều câu nói khán giả không hiểu, hoặc hiểu rất chậm. Điều chỉnh để ngôn ngữ hài đi vào đời sống, được chấp nhận, đó đã là trách nhiệm của nghệ sĩ. Tôi không loại trừ và phải cập nhật liên tục. Bởi vì nếu không cập nhật, không điều chỉnh sẽ dễ rơi vào nhàm chán.
Tôi biết ơn những lời phê bình - Ở tuổi này nghe những lời phê bình của báo chí, của khán giả Kiều Oanh bày tỏ thái độ gì? - Tôi biết ơn vô cùng. Hồi trẻ có thể do sốc nổi, do mâu thuẫn nên xem những lời chê là những cây đinh ngăn bước tiến của mình. Nhưng ngày nay thì nghĩ khác, vì được phê nghĩa là mình còn có đường để làm lại, phấn đấu hơn nữa. Sự im lặng đáng sợ lắm! khi mà những gì mình cho là sáng tạo, là nỗ lực đổi mới lại được rơi vào khoảng lặng. Tôi sợ khoảng lặng đó lắm! |
Theo Người Lao Động