Kiều Trinh: "Sao số phận nhân vật cứ vận vào tôi?"
Ấn tượng đầu tiên về Kiều Trinh là làn da nâu sẫm, môi dày, ít nói ít cười. Chỉ chờ ai đó kể chuyện gì vui vui để… cười ké.
Kiều Trinh vào vai Vân trong "Rừng đen" |
Viết về Trinh tưởng dễ, nhưng thật khó vì không biết phải bắt đầu từ đâu. Đời cô như cuốn tiểu thuyết chưa đoạn kết.
Mười lăm tuổi, Trinh nghỉ học, làm thợ may, kiếm tiền vào Sài Gòn tìm cơ hội. Trầy trật mãi, Trinh mới xin được chân phục vụ trong quán ăn người Hoa. Má đòi cạo đầu Trinh vì cứ nghĩ đó là quán bia ôm. Trinh phải giải thích ráo nước miếng, má mới chịu. Người yêu không tin, Trinh tự ái chia tay.
Làm được hai năm, chủ phá sản, Trinh tìm việc ở xí nghiệp giày. Nhưng người ta chỉ tuyển thợ may công nghiệp, mà Trinh thì chưa rành. Không nản, cô đăng ký học, rồi thi và trúng tuyển. Chính tại đây, đời cô bước qua trang mới.
Tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài…
Trinh lấy chồng năm mười tám tuổi. Anh là công nhân cùng xí nghiệp. Bạn bè xầm xì “Ông này xấu quá, không xứng”. Nhưng ở Trinh còn nguyên nét ngây ngô của cô gái nhà quê. Trước sự theo đuổi của chàng đồng nghiệp, cô chỉ nghĩ đơn giản: “Anh ấy hiền lành, cần cù, mình cũng thương thương. Nhà chồng lại gần, hai vợ chồng làm chung, đi về có nhau. Vậy còn muốn gì hơn!”. Thế là ưng.
Lấy chồng từ năm 18 tuổi |
Đến giờ, Trinh cũng không biết mình có thật sự lấy chồng vì tình yêu không, nhưng “thuyền theo lái, gái theo chồng”, có chồng thì cứ thẳng một đường mà đi. Trinh hết lòng với chồng, gia đình chồng và làm tròn bổn phận dâu con. Ngay hôm cưới, vì còn bỡ ngỡ, trả nhầm chén bát mượn mà Trinh bị chồng cho một tát tai như trời giáng.
Thất vọng, Trinh toan bỏ về quê, nhưng chỉ vì câu nói của mẹ chồng mà cô cam tâm ở lại: “Đi dễ khó về nghen con”. Nhờ quen làm lụng, chuyện làm dâu với cô không có gì khó khăn. Mẹ chồng đôi khi “trái gió trở trời”, thì chỉ cần biết ý, một câu nhịn, chín câu lành là xong.
Hai năm sau, Trinh sinh con gái, đen thui mà có duyên như mẹ. Tuy nhiên, chuyện vợ chồng không phải một ngày, nửa buổi mà có thể hiểu nhau được. Với ý nghĩ của một người vợ non nớt, Trinh cũng chưa lường được cuộc sống sẽ chật vật hơn khi thêm một nhân khẩu. Từ đầu, cô lại quá dễ dãi, không đòi hỏi chồng đồng lương nào để phụ nuôi con, chỉ biết cặm cụi lo miếng ăn cho gia đình.
… ngờ đâu giếng cạn
Sự thiếu kinh nghiệm trong việc sắp xếp gia đình đã mang đến cho Trinh nỗi ân hận về sau: “Quả thật, tôi đã rất vụng dại, cứ nghĩ lấy chồng là chấm hết, chỉ biết làm tròn bổn phận. Chồng giao du với ai, tiêu xài thế nào, mình không để ý. Đến một hôm, khi sự thật phơi bày trước mắt, tôi mới ngỡ ngàng, tưởng chừng cả mặt đất đang sụp dưới chân”.
Trinh đã thấy gì? Khi lên lan can phơi đồ, tình cờ nhìn xuống căn phòng mà chồng thường tiếp bạn bè, Trinh sững sờ khi thấy chồng mình và bạn đang say sưa hút… bồ đà. Cô lảo đảo nói với mẹ chồng. Mẹ chồng trấn an: “Không sao đâu, nó hút được, thì cai được”. Gia đình chồng bao che, còn mình vì thương chồng mà thiếu cứng rắn. Trinh vẫn tự trách mình như thế mỗi khi nhớ về những chuyện xưa.
Chồng ngày càng nghiện nặng, bị cho nghỉ việc. Thời gian này, Trinh chuyển sang may cho một công ty chuyên sản xuất áo kimono. Cô ky cóp mua lại chiếc xe cũ, rồi giao cho chồng chạy xe ôm. Chồng đưa xe cho mấy con nghiện đi mua thuốc, bị công an bắt giam xe. Ba lần cô phải lên công an bảo lãnh chồng về vì chứng nào tật nấy.
Thời điểm này, gia đình chồng cũng lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Gánh nặng càng oằn lên vai Trinh. Không lên cơn nghiện, nhưng vốn cộc tính, chồng thường đánh, mãi rồi cô không biết khóc là gì. Bao nhiêu uất ức, buồn tủi cứ dồn nén trong lòng khiến Trinh như một người câm suốt tám tháng trời, sống lặng lẽ và làm việc cật lực để nuôi con.
Quá sức chịu đựng, quá mệt mỏi, cô muốn ly hôn. Chồng hứa hẹn đi cai, nhưng lần nào cũng là lần cuối, còn cầm dao hăm dọa. Có đôi lúc , bình tâm lại nhìn con, anh cảm thấy ân hận, nhưng cũng không vượt qua được cám dỗ. Trinh bế con trốn. Mẹ chồng đoán trước, giành lấy cháu. Trinh về quê mẹ. Mẹ chồng dắt chồng xuống xin lỗi.
Con gái lên năm, Trinh được tòa giải quyết cho ly hôn và nuôi con. Đường ai nấy đi, Trinh còn cố gắng trả món nợ đã vay của xí nghiệp lúc trước. Mang con ra đi, nhìn phía trước mà không biết cuộc đời mình sẽ ra sao, nhưng cô phải sống vì con thôi. Sau này, chồng cũ đã cai nghiện. Trinh vẫn thường xuyên cho con thăm cha. Nhìn anh không còn như xưa, lòng cô cũng xót xa lắm, nhưng chén nước đã đổ xuống…
Đường tình chưa dứt
Khi người yêu đầu cưới vợ, Trinh đã là gái một con. Gia đình người ấy cũng không hạnh phúc vì thiếu tình yêu làm nền tảng. Nghe Trinh chia tay với chồng, người ta muốn nối lại sợi tơ tình. Tình yêu xưa trỗi đậy, từ lâu Trinh cũng khao khát có được sự yêu thương, chăm sóc của người chồng. Nhưng đã trải qua cuộc hôn nhân tan vỡ, lại là một phụ nữ, nên Trinh càng không muốn để người phụ nữ kia phải khổ vì mình. Một lần nữa, cô dứt áo.
Nhờ người quen, cô được làm quản lý quán bar Seventeen Saloon (Q.1, TP.HCM). Biết mình học thức còn kém, tiếng Anh chỉ lõm bõm, Trinh chịu khó học thêm Anh ngữ, tra cứu từng tên tiếng Anh của các món ăn trong thực đơn. Ham học hỏi, biết quan sát, thật thà và hòa đồng, Trinh tự tin trong vai trò mới và được nhiều người mến.
Kiều Trinh vào vai Bạch Yến trong phim "Sám hối" |
Cuộc sống dễ thở, tinh thần ổn định, nhan sắc mặn mà hơn, Trinh lại được nhiều người ngỏ ý. Nhưng cô nhận ra họ chỉ yêu cô chứ không thương con của cô, họ không có lòng độ lượng. Cách đây hai năm, trong thời gian ra Hà Nội công tác, Trinh được một người để ý. Thoạt đầu, gia đình họ rất khắt khe và định kiến. Nhưng khi họ cảm mến Trinh và cho phép tiến tới hôn nhân, thì người ấy lại thất bại trong công việc đến nỗi phá sản rồi tự động tránh mặt Trinh. Hạnh phúc nằm trong tầm tay, suýt nắm được, lại vuột mất một lần nữa!
Năm 2008, Trinh tình cờ đối diện với một mối tình nữa. Người đàn ông đó mang lại cho cô nụ cười vô tư mà từ lâu Trinh đã đánh mất, khiến cô cứ ngỡ đây là định mệnh ông trời ban tặng. Nhưng “cái giếng” này có nhiều dây leo gai góc đâm vào trái tim vốn chưa lành lặn, lại thêm những vết thương mới. Nụ cười chưa kịp nở đã vội tắt. Nỗi đau trong tim lại có dịp khơi gợi. Trinh không dám nghĩ đến hai chữ “tình yêu”. Cô trốn tránh mọi thứ, quay phim xong, về nhà chơi với con, đóng kín cửa, không bước ra đường.
Vui buồn cùng nhân vật
Nhờ đòn bẩy Mùa len trâu, bây giờ, Kiều Trinh đã có thể nói tiếng Anh lưu loát, không còn ngờ ngệch, thiếu tự tin. Hoặc không còn như thời mà hành trang chỉ có 2 chiếc áo dài mang đi dự Liên hoan phim Bangkok 2005 cùng Mùa len trâu.
Trinh đã có thêm nhiều vai diễn trong Anh chỉ có mình em, Muối mặn gừng cay, Gọi giấc mơ về, Giọt đắng, Đam mê, Gia tài bác sĩ, Vó ngựa trời Nam… Đa số những nhân vật dành cho Trinh đều ngang trái, cam chịu làm vợ lâm tặc, hy sinh cho tình yêu…
Cũng có những nhân vật đã khiến Trinh như điên, như dại vì có hoàn cảnh và tâm trạng quá giống mình. Lúc chia tay mối tình gần nhất cũng là thời gian cô đóng Ngõ vắng và Gia tài bác sĩ. Nhân vật của cô cũng có chồng nghiện, bị đánh đập, hành hạ, khổ sở. Cảm xúc đó, nỗi đau đó, Trinh đã từng trải qua, cô đã khóc thật, khóc ngon lành với nhân vật của mình. Hay vai mẹ tần tảo nuôi con đang mắc bệnh hiểm nghèo, nước mắt cô tự dưng rơi dù kịch bản không yêu cầu. Đạo diễn khen hay nhưng mấy ai biết rằng, Trinh đã mượn vai diễn để trút bỏ những muộn phiền chất chứa.
Theo Thể Thao Và Văn Hóa