The Handmaiden (Cô hầu gái) là một trong những dự án điện ảnh Hàn Quốc được chờ đợi nhất trong năm nay, bởi nó đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Park Chan Wook sau ba năm kể từ tác phẩm gần nhất là Stoker (2013), và bảy năm kể từ lần cuối ông xuất hiện tại LHP Cannes với Thirst (2009).
Ngay từ khi dự tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes 2016, tuy không bước lên bục vinh quang, nhưng The Handmaiden vẫn được giới truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm bởi những cảnh quay tình dục nóng bỏng, cộng thêm đề tài đồng tính nữ được đặt trong bối cảnh xưa cũ.
The Handmaiden là một trong những bộ phim Hàn Quốc ăn khách nhất trong nửa đầu năm 2016, bất chấp việc không dành cho khán giả dưới 18 tuổi. |
Trong phim, cảnh quay có thể được coi là điểm mấu chốt của toàn tác phẩm, thực ra không phải những trường đoạn tình dục hay bạo lực. Đó là lúc gã buôn lậu Kouzuki (Cho Jin Woong) dặn dò cháu gái của vợ mình - tiểu thư Hideko (Kim Min Hee), trước khi hắn rời khỏi Hàn Quốc để trở về Nhật Bản, rằng: “Con phải luôn ghi nhớ chuyện ở dưới tầng hầm”.
Những bí ẩn được cất giấu khôn khéo
Suốt thời lượng 145 phút của bộ phim, căn hầm ấy không hề xuất hiện cho đến những phân đoạn cuối cùng. Nó được Kouzuki che đậy dưới một tòa lâu đài nguy nga với “ba khối kiến trúc”, xây dựng kết hợp giữa phong cách phương Tây và văn hóa Nhật Bản.
Căn hầm đó là nơi mà khi còn nhỏ, Hideko “chỉ mới nhìn và nghe thôi, thì đã không muốn đến lần thứ hai”. Đó cũng là lý do cô không thể thoát khỏi sự giam cầm của dượng trong suốt những năm tháng tuổi trẻ.
Đạo diễn Park Chan Wook đã lèo lái The Handmaiden bằng cách thức tương tự như Kouzuki che đậy tầng hầm của gã: những gì ta chứng kiến chưa hẳn là những điều mà ta nhận được. Từng nhân vật trong phim lần lượt xuất hiện dưới một lớp vỏ bọc do mình tự tạo, một câu chuyện bịa đặt, hay là một âm mưu có tính toán trước.
Số lượng nhân vật của bộ phim không nhiều, nhưng vẫn đủ để tạo ra bức màn bí ẩn mà ai cũng muốn khám phá. |
Ở đầu phim, Sook Hee (Kim Tae Ri) có mặt tại tòa lâu đài của Kouzuki để nhận vị trí tì nữ mới cho tiểu thư Hideko. Tự giới thiệu mình là Yu Chu, nhưng bà quản gia quyết định gọi cô bé là Tomako, dù cả hai đều không phải là tên thật của cô.
Công việc hầu gái cũng chỉ là danh nghĩa nhằm che đậy mục đích thật sự của Sook Hee khi đến đây. Cô vốn tuân theo sự chỉ đạo của “bá tước” Fujiwara (Ha Jung Woo), kẻ đang dòm ngó khối gia sản kếch xù bên trong tòa lâu đài của Kouzuki, mà chủ sở hữu thực sự chính là tiểu thư Hideko.
Thực chất, Sook Hee là con nuôi của một gia đình ăn cắp chuyên nghiệp, còn Fujiwara cũng chỉ là một gã lừa đảo, có giao kèo với gia đình Sook Hee trong phi vụ lần này. Nhiệm vụ của Sook Hee là tiếp cận Hideko với tư cách là người hầu gái, để rồi thuyết phục người đẹp rơi vào lưới tình mà Fujiwara giăng sẵn.
Một khi kết hôn và thừa kế gia tài của Hideko, Fujiwara sẽ lập tức tống nàng vào trại tâm thần và hưởng trọn tài sản. Điều đáng gờm chính là việc lão già Kouzuki cũng có cùng mục đích với gã trai trẻ. Mang danh nghĩa là chú dượng, nhưng từ lâu hắn đã lăm le muốn cưới cô cháu gái của vợ mình để độc chiếm gia tài.
Kế hoạch của Fujiwara suýt chút nữa trở nên hoàn hảo nếu như trái tim của Sook Hee không bỗng nhiên rung động trước chính cô chủ Hideko - một người có quá nhiều kiến thức về tình dục, nhưng lại chưa từng nếm trải mùi tình yêu.
Cuộc “phục thù” của Park Chan Wook
Ngay từ những phút đầu tiên của The Handmaiden, trò chơi nhập vai đã được Park Chan Wook bày biện sẵn: tên lừa đảo sắm vai bá tước, ả móc túi vào vai hầu gái, gã buôn lậu vào vai “chú dượng”, còn cô tiểu thư danh giá thì khoác lên mình vai diễn “điên loạn”.
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Fingersmith của nữ văn sĩ Sarah Waters, đường dây kịch bản của bộ phim gần như không có gì thay đổi, ngoại trừ việc di dời toàn bộ bối cảnh từ Anh quốc thời kỳ Victoria tới bán đảo Triều Tiên vào những năm 1930.
The Handmaiden thêm một lần nữa khẳng định tài năng của Park Chan Wook, tác giả bộ phim Oldboy (2003) năm xưa. |
Cả cấu trúc ba phần của tác phẩm gốc cũng được giữ nguyên trong phim: phần một được kể dưới góc nhìn của Sook Hee, phần hai lặp lại câu chuyện thông qua lời kể của Hideko, và phần cuối là lúc “ván bài lật ngửa”.
Tác phẩm trước đó của Park Chan Wook, Stoker, từng gây ra ít nhiều thất vọng. Việc không trực tiếp viết kịch bản cũng như rào cản ngôn ngữ khiến đó chưa thể là cuộc “vượt biên” thành công đối với nhà làm phim họ Park, người luôn được coi là cánh chim đầu đàn của phong trào “Korean New Wave”.
Do đó, The Handmaiden xuất hiện còn mang một sứ mệnh khác: “phục thù” - như tên bộ ba phim từng làm nên tên tuổi cho ông. Đây cũng là lần thứ ba ông mang phim đi tranh đấu tại Cannes. Dù thừa nhận rằng “không chắc rằng bộ phim phù hợp với Cannes”, nhưng có thể thấy ở đó mong muốn lấy lại uy tín của Park Chan Wook trong con mắt bạn bè quốc tế.
Không chỉ các nhân vật trong phim, mà bản thân Park Chan Wook đã đặt cược rất nhiều trong ván bài ấy. Cả bốn gương mặt trụ cột của The Handmaiden đều chưa từng cộng tác với ông trước đây. Đáng chú ý nhất là Kim Tae Ri, một cái tên mới toanh đã vượt qua hơn 1.500 ứng cử viên khác để nhận được vai diễn cô hầu gái Sook Hee.
Kim Tae Ri thực sự là phát hiện đáng giá của điện ảnh Hàn Quốc trong thời gian qua. |
Thật không ngoa khi nói rằng nữ diễn viên sinh năm 1990 chính là phát hiện thú vị nhất trong nửa đầu 2016 của điện ảnh Hàn Quốc. Chưa từng có kinh nghiệm xuất hiện trước ống kính, nhưng cô gần như đã “rút ruột rút gan” cho vai diễn đầu tay.
Không chỉ táo bạo trong những cảnh nóng trần trụi bên cạnh đàn chị Kim Min Hee, Kim Tae Ri còn cho thấy khả năng diễn xuất đa dạng khi cùng lúc vừa là một cô hầu gái ngây thơ, ngốc nghếch, vừa là một ả móc túi mưu mô, gian xảo.
Tuy nhiên, nhân vật có nhiều đất nhất để khai thác trong phim lại chính là tiểu thư Hideko - một người có hành tung kỳ quái và quá khứ nhiều bí ẩn. Trái ngược với Sook Hee, gương mặt lãnh cảm của Hideko khiến người xem không thể đoán định đâu mới là suy nghĩ thực sự của cô.
Một cảnh quay để lại dấu ấn mạnh mẽ của bộ phim là khi Sook Hee giúp tiểu thư của mình tắm. Hideko ngâm mình trong bồn, tay ngậm kẹo do tì nữ mang đến hệt như một đứa trẻ mới lớn.
"Đàn chị" Kim Min Hee thể hiện đẳng cấp qua vai diễn cực khó là tiểu thư Hideko. |
Nàng phát hiện mình có chiếc răng nhọn nên để cho Sook Hee thọc ngón tay vào miệng nhằm mài nó. Đó là cột mốc phát triển tình cảm giữa Sook Hee và Hideko, nhưng cũng cho thấy sự đối lập về tâm lý giữa hai nhân vật.
Từ sự “điên loạn” đến lời tuyên ngôn về nữ quyền
Có thể khẳng định The Handmaiden là bộ phim được đầu tư chỉn chu nhất từ trước đến nay của Park Chan Wook, cả về phục trang lẫn thiết kế bối cảnh.
Để có thể tái hiện câu chuyện một cách chân thực, ông đầu tư xây dựng tòa lâu đài “ba khối” của Kouzuki đầy chi tiết, từ ngoại cảnh hoa viên xanh mướt với những chậu bonsai được kỳ công cắt tỉa, cho đến nội cảnh thư phòng được bày biện tao nhã nhưng lại toát lên vẻ lạnh lùng đến đáng sợ.
Sở dĩ, Park Chan Wook dụng công dựng nên một không gian rộng rãi như vậy là để có thể áp dụng những kỹ thuật quay mới mà ông chưa từng thử nghiệm trước đây.
Thậm chí, ban đầu ông còn định quay bộ phim dưới định dạng 3D nhưng kinh phí rốt cuộc đã không cho phép. Cuối cùng, Park Chan Wook và cộng sự lâu năm là nhà quay phim Chung Chung Hoon quyết định sử dụng ống kính anamorphic cho toàn bộ các cảnh quay trong phim.
Từ bối cảnh, phục trang cho đến quay phim của The Handmaiden đều được xử lý nhuần nhuyễn. |
Do đó, có thể thấy rõ The Handmaiden chứa đựng nhiều cú lia ông kính rất độc đáo từ cảnh ngoại sang cảnh nội, hoặc dọc theo căn phòng. Đó là điều bất khả nếu không gian bối cảnh của tác phẩm không đủ rộng rãi.
Việc lựa chọn bối cảnh thập niên 1930 là một quyết định sáng suốt, giúp tạo ra một tác phẩm đa văn hóa. Các diễn viên người Hàn ăn vận như người Nhật, nói tiếng Nhật giữa bối cảnh phảng phất phong cách châu Âu có lẽ là hình ảnh khá lạ lùng đối với một bộ phim điện ảnh của xứ kim chi.
Dù vô tình hay hữu ý, The Handmaiden cũng khiến người xem liên tưởng đến ít nhiều tác phẩm điện ảnh khác của phương Tây: những người đàn ông ăn mặc bảnh bao tụ tập trong thư phòng nghe đọc truyện khiêu dâm gợi nhớ đến Eyes Wide Shut của Stanley Kubrick; lâu đài của Kouzuki có những nét kỳ dị và bí ẩn tương tự Crimson Peak của Guillermo del Toro; hay những cảnh ân ái nóng mặt giữa hai nữ diễn viên chính chắc chắn không thua kém gì Blue is the Warmest Color của Abdellatif Kechiche.
Nếu xét về kịch bản, có lẽ do bám quá sát tiểu thuyết gốc, nên những cú xoáy (twist) trong phim chưa thực sự khiến người xem phải ngỡ ngàng. Sau khi câu chuyện được thuật lại lần hai qua lời kể của tiểu thư Hideko, mọi thứ trở nên dễ đoán hơn rất nhiều.
Phim chứa đựng rất nhiều cảnh nóng, nhưng chúng đều mang ý nghĩa nhất định, chứ không đơn thuần chỉ có mục đích gây sốc. |
Bởi vậy, phải công nhận rằng The Handmaiden sẽ thiếu hấp dẫn nếu đi nó không mang phong cách làm phim “điên loạn” đặc trưng của Park Chan Wook. Từ đầu đến cuối phim, sự điên loạn luôn chầu chực xuất hiện, giống như một mắt xích không thể thiếu của toàn tác phẩm.
Bên cạnh đó, những cảnh nóng giữa hai nhân vật nữ và những hành động của họ cũng giống như lời tuyên ngôn khéo léo và đầy mê hoặc về vấn đề nữ quyền mà nhà làm phim muốn lồng ghép.
Khi The Handmaiden chuẩn bị hạ màn, Park Chan Wook đưa người xem xuống tầng hầm bí mật của Kouzuki. Chỉ một phân đoạn ngắn ngủi cũng đủ cứu phần kết còn khá “hiền” của bộ phim. Giống như một câu ngạn ngữ của người Anh rằng “Save the best for last” (Thứ hay nhất nên giữ đến phút cuối cùng), nhà làm phim người Hàn Quốc đã làm đúng như vậy.