BV Đa khoa huyện Bắc Quang, Hà Giang, vừa gắp dị vật kim khâu thành công cho nữ bệnh nhân Lý Thị N., 23 tuổi, trú tại xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì.
Bệnh nhân chia sẻ cách đây 8 tháng, từng bị kim chọc vào mông nhưng không để ý do quá bận rộn. Gần đây, vùng mông đau tức nhiều, nhất là khi đi lại hay chạy nên chị đến bệnh viện thăm khám.
Kết quả chụp X-quang phát hiện một chiếc kim khâu nằm sâu trong mông trái của bệnh nhân. Sau khi làm các xét nghiệm và hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy dị vật.
Chiếc kim lấy ra là kim khâu quần áo, đã hoen gỉ. Hiện bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Chiếc kim được lấy ra sau 8 tháng di chuyển trong mông bệnh nhân. Ảnh: Vietnamnet. |
Các bác sĩ khuyến cáo kim khâu là vật nhọn và nhỏ nên có thể dễ dàng xuyên qua da vào cơ thể. Khi vào trong cơ thể, tùy theo sự vận động của người bệnh, kim có thể di chuyển tới nhiều cơ quan khác nhau như cơ, khớp, phổi thậm chí chạy vào tim, gây nguy hiểm tính mạng và khiến việc phẫu thuật lấy kim trở nên rất khó khăn.
Rất nhiều trường hợp bị kim khâu lọt vào cơ thể rất tình cờ và người bệnh chỉ phát hiện khi chiếc kim di chuyển, gây ra triệu chứng.
Việt Nam từng ghi nhận trường hợp bé trai 13 tuổi ở Bình Phước bị kim chạy vào tim. Để tránh kim chạy chỗ khác trong khi phẫu thuật, bác sĩ phải thực hiện ngưng tim để lấy kim.
Bác sĩ khuyến cáo nếu bị vật nhọn đâm sâu hay vết đâm lớn, rút ra ngay sẽ khiến máu chảy nhiều hơn, khó cầm máu hoặc có khả năng gây gãy để lại dị vật trong cơ thể. Trong trường hợp này, người dân cần ép chặt vết thương để ngăn máu bớt chảy, có thể dùng vải buộc tạm rồi nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất. Hạn chế việc vận động mạnh, di chuyển nhiều.
Với những dị vật sắc nhọn như như kim khâu, nếu không may bị chui vào cơ thể, cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, trong quá trình di chuyển, hạn chế vận động.