Kim Dung sinh ngày 10/3/1924, ông là một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc. Từ thập niên 1980, 1990, rất nhiều dự án phim bom tấn chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung được ra đời. Cùng với đó là sự tỏa sáng của nhiều tên tuổi nghệ sĩ. Kim Dung hiếm khi nhận xét về các bộ phim. Mới đây, ông phá lệ khi đưa ra quan điểm cá nhân trên trang Yule.
Kim Dung nói về phim võ hiệp. Ảnh: Mingpao. |
Khó chịu vì Đông Phương Bất Bại biến tướng
Ông thẳng thắn phê bình phim Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại doTừ Khắc sản xuất vào năm 1992. Phim có sự tham gia của dàn sao hạng A như Lý Liên Kiệt (vai Lệnh Hồ Xung), Lâm Thanh Hà (Đông Phương Bất Bại), Quan Chi Lâm (Nhậm Doanh Doanh), Lý Gia Hân (Nhạc Linh San). Với kinh phí sản xuất 300.000 HKD, bộ phim mang về doanh thu 34,4 triệu HKD - kỷ lục thời bấy giờ.
Bản phim từng được ca ngợi là kinh điển khi miêu tả nhân vật “bán nam bán nữ” Đông Phương Bất Bại có tình có võ. Lần đầu một ê-kíp mời diễn viên nữ vào vai Giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo.
Vốn là nam nhưng do luyện Quỳ hoa bảo điển phải “tự cung” trở thành bán nam bán nữ, Đông Phương Bất Bại do Lâm Thanh Hà đóng nảy sinh tình cảm với Lệnh Hồ Xung và cũng chết trong tay anh. Sau này dù có nhiều phiên bản Đông Phương nhưng Lâm Thanh Hà vẫn được ca ngợi là kinh điển khó thay thế.
Bản phim Tiếu ngạo giang hồ của Lý Liên Kiệt và Lâm Thanh Hà bị Kim Dung chê bai. Ảnh: Baidu. |
Đối với Kim Dung, ông không hài lòng khi kịch bản bị thay đổi. Dù về phương diện thành công, bản phim 1992 vượt qua nhiều đối thủ khác.
“Tôi không thích bản phim này của Từ Khắc. Ông ta không hiểu võ hiệp, tự cải biên theo ý mình. Trước là Thục Sơn kiếm hiệp truyền kỳ sau là Tiếu ngạo giang hồ. Đông Phương Bất Bại từ khi nào lại trở thành phụ nữ, do phụ nữ đóng? Dù có là ngôi sao đi nữa, tôi cũng không hài lòng.
Một người vốn là nam nhưng lại trở nên ẻo lả, đó là quá trình dài, có biến hóa, có sự không tự nguyện, không giống sự thể hiện đơn giản trên phim”, ông nói.
Kim Dung cho biết đó là lý do Từ Khắc sau đó ngỏ lời mua bản quyền tiểu thuyết để làm phim điện ảnh nhưng ông kiên quyết không chuyển nhượng. “Chúng tôi giữ quan hệ bằng hữu nhưng tiểu thuyết của tôi không thể trao cho Từ Khắc. Việc hợp tác là không thể”.
Đánh giá Trương Nghệ Mưu thua kém Lý An
Nói về dòng phim võ thuật hiện nay, nhà văn cũng tỏ ra trăn trở. Nhắc đến Trương Nghệ Mưu, ông hết lời ca ngợi phim Cao lương đỏ, Cúc đậu. Nhưng ông không hài lòng với Anh hùng - phim võ thuật có sự tham gia của Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Trương Mạn Ngọc, Chương Tử Di.
“Xem Anh hùng, lịch sử thời Tần Thủy Hoàng bị thay đổi trắng trợn. Đó là sự lừa gạt người xem, nội dung không tôn trọng sinh mạng các nhân vật. Tôi đánh giá đó là tác phẩm điện ảnh hoang đường không có giá trị”, Kim Dung nói.
Kim Dung đánh giá phim Anh hùng do Lý Liên Kiệt, Trương Mạn Ngọc, Chương Tử Di hoang đường, không có giá trị. Ảnh: Sina. |
Ông cho rằng Trương Nghệ Mưu tài giỏi trong dòng phim nhân văn nhưng làm phim võ hiệp là “quá sức”. Lý An là điểm sáng trong ảnh đàn hiện nay.
“Tôi thích cách làm phim của Lý An. Dù đối với lịch sử phong kiến của Trung Quốc, đạo diễn họ Lý không thực sự hiểu biết nhưng ông ấy biết đưa chuyện giang hồ lên màn ảnh. Ngọa hổ tàng long mang đến màu sắc mới, đặc biệt, ưu nhã và phiêu dật. Lý An là người làm phim hiểu về võ thuật”.
Tranh cãi sau quan điểm Kim Dung
Những lời chia sẻ của Kim Dung gây ra nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Không ít người tán đồng với nhận xét của ông. Bên cạnh đó là luồng ý kiến phản bác.
“Chê Từ Khắc là không đúng. Viết văn là Kim Dung còn làm phim võ hiệp phải là Từ Khắc”, “Cái hay của Từ Khắc là dù làm phim thế nào, ông ấy vẫn tạo ra điểm mới. Mỗi bộ phim dưới tay ông ấy đều là kinh điển”, những ý kiến chia sẻ trên Toutiao nhận được nhiều tán đồng.
Kim Dung không hợp tác với Từ Khắc sau khi Đông Phương Bất Bại được giao cho diễn viên nữ đóng. Ảnh: Baidu. |
Khán giả đánh giá việc tôn trọng lịch sử trong phim võ hiệp không cần quá cứng nhắc như Kim Dung. Họ còn dẫn chứng tiểu thuyết của ông cũng có sự cải biên.
“Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng dưới ngòi bút của Kim Dung cũng đã khác lịch sử”.