Kim Ki Duk – “Phù thủy điện ảnh” Hàn Quốc
Cuộc đời ông là những trường đoạn khổ ải và luân chuyển từ Kyungsang lên Seoul, rồi sang Paris sinh sống một thời gian dài. Cơ duyên đến với điện ảnh của Kim Ki Duk đã bắt nguồn từ thủ phủ hoa lệ của nước Pháp – kinh đô ánh sáng.
Sau khi từ Pháp trở về, Kim Ki Duk nhanh chóng đoạt giải kịch bản xuất sắc nhất trong một cuộc thi. Năm 1996, bộ phim đầu tay Crocodile ra đời.
Cho đến lúc đó, Kim vẫn không hề trải qua bất kỳ một trường lớp nào về điện ảnh, tất cả những gì ông có được là do học từ chính bản thân mình và cuộc sống xung quanh. Có lẽ vì thế, phim của ông không hề đi theo những lối mòn, không bị câu nệ bởi kỹ xảo, đặc biệt rất ít lời thoại, nhân vật chính hầu hết đều không nói lời nào, chỉ biểu cảm bằng nét mặt thuần túy.
![]() |
Kim Ki Duk thủ vai nhà sư trung niên trong |
Kinh phí làm phim cực kỳ thấp, góc quay rất đắt với những chi tiết bạo liệt, trần trụi và ám ảnh. Những bộ phim ấy luôn dồn người xem đến chỗ phải bật lên câu hỏi: “Tại sao?”. Những câu chuyện, tình huống, thân phận trong phim như dẫn dụ người ta vào một mê cung với những điều sâu thẳm nhất của con người trong xã hội hiện đại: sợ hãi, cô độc, khát khao, tù túng… và từ mê cung đó, mỗi người sẽ tự tìm lấy một câu trả lời – một lối ra cho chính mình.
![]() |
Poster phim Address Unknown |
Điển hình là nhân vật đứa con lai trong Address Unknown lớn lên trong sự hắt hủi và phân biệt đối xử của những người xung quanh. Cậu sống một cuộc sống nghèo khổ cùng mẹ trên chiếc xe sửa sang lại làm nhà ở, với công việc nặng nề là làm thuê cho một lò giết chó của người tình của mẹ, đồng thời phải chứng kiến mẹ mình suốt bao nhiêu năm trời vẫn kiên trì gửi đi những lá thư cho người chồng khác màu da không biết đang ở đâu sau chiến tranh…
Nỗi cô độc và tủi nhục của cậu dần lớn lên, trở thành lòng căm thù và chĩa mũi giáo sang mẹ cậu cùng người tình của bà. Bộ phim có nhiều chi tiết rất ám ảnh : Hình ảnh đứa con lai ngày ngày chạy bộ theo chiếc xe của chủ chở những con chó bị nhốt trong cũi đến lò mổ, phụ giúp công việc, xong thì lại chui vào cái cũi ngồi như một con chó để ông ta chở về nhà vì xe không còn chỗ ngồi. Rồi giây phút đôi chân cậu ngập sâu vào vũng bùn sình khi treo những con chó lên cây để đánh chết…
Cái chết thảm khốc và lặng lẽ của cậu giữa đồng không mông quạnh mà đến mấy mùa sau mẹ cậu mới tìm ra, rồi cái chết của chính người mẹ trong căn nhà – xe, tự thiêu hủy tất cả, cả niềm hy vọng suốt mấy chục năm trời cuối cùng đã đi đến tuyệt vọng. Một thời gian sau khi cả hai mẹ con chết, người cha nhận được thư và trả lời với một mong mỏi đoàn tụ. Nhưng tất cả đã quá trễ…
Bộ phim không chỉ dừng lại ở việc lột tả những di chứng sau chiến tranh, mà hướng người ta nhìn đến vấn đề nhân bản sâu xa hơn trong mối quan hệ giữa người và người.
![]() |
Cảnh trong phim The Isle |
Số phận đùa cợt với con người, con người tàn nhẫn với nhau, hành hạ nhau như súc vật cả về tâm hồn lẫn thể xác. Hầu hết những tổn thương xảy đến với các nhân vật đều do bị những người xung quanh dồn đuổi, bức bách, và đôi khi chính họ cũng góp phần tự gây nên cho mình. Họ là những kẻ lạc nhịp, hoặc sống quá chậm, chìm sâu trong thế giới đơn độc của riêng mình, hoặc sống quá nhanh so với chính nhịp đập nội tại của mình. Sợi dây liên kết giữa họ với xã hội quá mỏng manh, nên chỉ cần một biến cố, một tác động rất nhỏ từ thế giới xung quanh cũng đủ phá vỡ sự mỏng manh đó và đẩy họ đến bên miệng vực.
Cái khao khát yêu thương trong mỗi nhân vật của Kim không thể hiện bằng những cử chỉ cao đẹp, mà thể hiện rõ ở chính cách phản ứng đôi khi rất kỳ lạ của họ. Cô lái đò, để níu anh chàng tội phạm lại với mình, đã không ngần ngại tự hủy hoại bằng cách đưa chùm lưỡi câu vào chỗ kín của cơ thể rồi trầm mình xuống đáy nước (The Isle). Cô nữ sinh vì nhớ thương bạn đã chọn cách đi ngủ lại với từng người đàn ông ngày xưa đã ngủ với bạn mình và trả lại tiền cho họ - có thể coi như một cách tìm lại dấu vết và trả nghiệp cho người bạn đã khuất của mình (Samaritan Girl), cái khao khát tự do được thể hiện rất hồn nhiên như cô bé 16 tuổi (The Bow), hoặc rất quái đản qua cách sống của anh chàng dán quảng cáo (3-iron)… Kim bày ra một thế giới của thứ ngôn ngữ biểu trưng, tất cả những cách sống và cách lựa chọn của nhân vật thể hiện một cách trần trụi sự bức bối và những gì con người thực sự thiếu thốn.
![]() |
Cảnh trong phim 3-iron |
Kim Ki Duk không phải là kẻ đang ra sức trang điểm hay minh họa cho bất kỳ một triết lý nào, những bộ phim của ông chỉ đơn giản là chất xúc tác, chất ấy gây nên phản ứng khác nhau tùy theo suy nghĩ của từng người. Ông đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế về điện ảnh, được giới phê bình đánh giá cao, thậm chí gọi ông là “phù thủy điện ảnh”, nhưng lạ một điều là ở ngay chính quê hương mình, phim của ông lại bị ghẻ lạnh. Người ta không thích xem phim ông, cho rằng ông là một kẻ bệnh hoạn, tâm thần. Gần đây, Kim Ki Duk còn tuyên bố trước báo chí rằng ông sẽ không bán bản quyền phim mình cho Hàn Quốc nữa. Rồi ông lại tự nhận những tác phẩm của mình chỉ là rác rưởi, và tuyên bố sẽ rút lui khỏi điện ảnh.
Chưa thể nói gì hơn về lời tuyên bố này, vì tất cả vẫn còn đang ở phía trước. Hãy chờ đến khi bộ phim mới nhất của ông - The Time - có mặt tại Việt Nam, và hy vọng vào sự tiếp tục chảy trôi của một dòng nước xiết chưa cạn nguồn.
Đạo diễn Kim Ki Duk sinh ngày 20 tháng 12 năm 1960 tại Bonghwa, miền Bắc tỉnh Kyungsang (Hàn Quốc), lớn lên tại một làng thuộc miền núi.
Các phim của Kim đã ra mắt cùng các giải thưởng :
The Time (2006) - được chiếu lần đầu ngày 30 tháng 6, 2006 tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary.
The Bow (2005)
3-Iron (2004) - giải Golden Spike tại Liên hoan phim quốc tế Valladolid, giải FIPRESCI, giải Sư tử vàng nhỏ, giải thưởng danh dự SIGNIS, giải Đạo diễn đặc biệt tại Liên hoan phim Venice.
Samaritan Girl (2004) - giải Gấu Bạc Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc tế Berlin
Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (2003) - giải C.I.C.A.E., Don Quixote và giải thưởng của Ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Locarno, giải thưởng Khán giả bình chọn của Liên hoan phim quốc tế San Sebastian, giải phim xuất sắc nhất 2004.
The Coast Guard (2002) - giải FIPRESCI, giải Netpac tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary, giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Jang Dong Gun tại Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương.
Address Unknown (2001) - giải thưởng điện ảnh Hàn Quốc cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và nhận đề cử Sư tử vàng Liên hoan phim quốc tế Venice.
Bad Guy (2001) - giải Nữ diễn mới xuất sắc nhất, giải Orient Express tại Liên hoan phim quốc tế Catalonia của Tây Ban Nha và nhận đề cử Gấu Vàng Liên hoan phim quốc tế Berlin.
The Isle (2000) - giải Quạ vàng của Liên hoan phim viễn tưởng quốc tế của Bỉ, giải cho phim đáng chú ý nhất Liên hoan phim Venezia…
Theo khuongha