Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kim Lý, Chi Pu gây thất vọng trong 'Vệ sĩ Sài Gòn'

Sau 3 năm kể từ “Hương Ga”, Kim Lý đã có cuộc trở lại không thể thất vọng hơn với “Vệ sĩ Sài Gòn”, bộ phim Việt mang dáng dấp của một nồi lẩu thập cẩm.

Nhà sản xuất Vệ sĩ Sài Gòn quy tụ được những gương mặt nổi bật của các dòng sao tại thị trường Việt Nam. Một ông vua hài - “ông hoàng phòng vé” Thái Hòa, một sao hành động có ngoại hình thu hút Kim Lý, hai ngôi sao trẻ có lượng follow nhất nhì mạng xã hội Bê Trần và Chi Pu… 

Họ cùng kết hợp trong bộ phim hành động hài của một đạo diễn Nhật Bản, do đó khiến khán giả tò mò và chờ đợi. Thế nhưng, việc quy tụ dàn sao ấy lại là điểm yếu chết người của Vệ sĩ Sài Gòn, khi tất cả không tạo thành một chỉnh thể của cảm xúc, mà là những mảng miếng vụn vặt ghép vụng trong một kịch bản xa lạ.

Review Phim Ve si Sai Gon anh 1
Vệ sĩ Sài Gòn thu hút dàn sao nổi tiếng tham gia. Ảnh: ĐPCC.

Ngô nghê, thiếu thuyết phục

Vệ sĩ Sài Gòn bắt đầu bằng một tình huống không thể khiên cưỡng hơn. Một đám ma của ông chủ hãng sữa, nơi mà người tới lễ viếng thì cười hớn hở trò chuyện, nữ sát thủ (Diệp Lâm Anh) bỗng hóa cô phục vụ bỏ thuốc mê vào sữa tươi, cười như hoa mời anh vệ sỹ (Thái Hòa) uống.

Mục tiêu là bắt cóc người thừa kế của hãng sữa Lê Milk - Henry Lê (Bê Trần). Và từ đó, hàng loạt các tình huống lạ lùng xuất hiện. Henry Lê bị bắt cóc, và hai vệ sỹ Trịnh - Viễn (Kim Lý -Thái Hòa) phải bằng mọi giá cứu được thân chủ.

Các nhân vật cứ kéo nhau từ bối cảnh này qua bối cảnh khác, mục đích để có thể tạo ra những cảnh đánh đấm đẹp mắt, bất chấp câu chuyện trở nên vô lý và thiếu thuyết phục, bất chấp cả cảm xúc của khán giả khi cố gắng bám theo 40 phút đầu của phim và bị đạo diễn bỏ rơi quá nhiều lần.

Kịch bản phim xa lạ với bối cảnh Việt Nam, từ những chi tiết mang tính chất thắt nút - mở nút, từ bằng chứng duy nhất để hai vệ sĩ Trịnh - Viễn kết tội thủ phạm cho đến việc bỗng dưng có một nhân vật “xuất hiện đầy ngẫu nhiên, hoặc chuyện tình cảm giữa Trịnh và em gái Viễn (Chi Pu) đầy giả tạo...

Việc các nhân vật luôn tự hào và giữ vững phẩm hạnh của nghề vệ sỹ truyền thống của gia đình, có vẻ như đúng với các nước khác, chứ không phải với một xã hội mà nghề vệ sỹ còn quá mới mẻ và bị đánh đồng là nghề bảo vệ (vốn mặc định là công việc thời vụ của những ai chưa kiếm được việc làm lâu dài) tại Việt Nam.

Lời thoại của các diễn viên rất khô cứng, thiếu thuyết phục. Rất khó tin đây là một bộ phim về người Việt Nam, và dành cho khán giả Việt Nam. Đỉnh điểm cho sự bất hợp lý chính là cái kết, khi cảnh cảnh sát để mặc 2 vệ sĩ tung hoành bất chấp mọi quy tắc, điều vừa xa lạ với thực tế, vừa làm cho hình ảnh cảnh sát Việt Nam ngô nghê, gây phản cảm.

Review Phim Ve si Sai Gon anh 2
Chi Pu và Kim Lý chưa gây được ấn tượng trong phim. Ảnh: ĐPCC.

Dàn diễn viên thiếu cảm xúc

Điểm cộng của bộ phim là nhân vật và diễn xuất của Diệp Lâm Anh. Đó là một vai diễn tốt cho thấy sự phát triển đúng hướng của nữ người mẫu, sau Siêu nhân X 3 năm trước. Bê Trần cũng đã tròn vai kép “What the Phuc” và Henry Lê.

Thái Hòa đã quá lão luyện với những nhân vật như Viễn, nên dường như anh không gặp khó khăn nào để nhập vai. Dẫu vậy, anh vốn là người tạo ra phong cách hài đặc trưng của sân khấu kịch Sài Gòn, và được đẩy lên thành hiện tượng phòng vé với Để mai tính, Long ruồi, Tèo em

Với Vệ sĩ Sài Gòn phong cách ấy đã bị tiết chế lại, và anh đã không lấy được nhiều tiếng cười. Tròn vai là từ chính xác cho Thái Hòa trong phim này. Tiếc là anh đã không thể tỏa sáng với một vai tưởng như dành riêng cho mình.

Nữ diễn viên Diễm My vốn xưa nay chịu tiếng là bình hoa di động, và lần này chị đã chứng minh những lời đồn trong dân gian không sai. Vai nữ giám đốc công ty vệ sỹ luôn đánh phấn quá trắng, môi son quá đỏ, và nói bằng một tone đều đều giống nhau, thực sự không cảm xúc.

Chi Pu từng được kỳ vọng lớn sau Hương gaYêu đã quay trở lại lối diễn xuất sitcom quen thuộc trong vai giám đốc Chi của Vệ sĩ Sài Gòn. Lối diễn với cách thoại y như học sinh học thuộc lòng đã gây cảm giác thiếu thuyết phục ngay từ đầu phim.

Và người đáng thất vọng nhất chính là Kim Lý. Sau một vai ngắn trong Hương Ga, ngay lập tức anh và Trương Ngọc Ánh trở thành cặp đôi đáng chú ý. Nhưng những gì anh trình diễn trong Vệ sĩ Sài Gòn lại chỉ đang ở mức một diễn viên tập sự.

Ngoài những cảnh sở trường hành động đẹp mắt, Kim Lý cho thấy một khuôn mặt thiếu biểu cảm, khóc cười giống hệt nhau. Chính vì thế, những cảnh cần diễn nội tâm và cảm xúc như cảnh bày tỏ tình cảm hay những cảnh giằng xé vì người anh em thân thiết Viễn (Thái Hòa) bỏ đi đã tạo cảm giác giả tạo.

Và việc cố gắng nói cho đúng khẩu hình tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc lồng tiếng đã khiến cho việc biểu cảm của Kim Lý không tự nhiên, mỗi khi anh cất giọng lại tạo cảm giác xa lạ và khó chịu,  không đáng tin cậy.

Review Phim Ve si Sai Gon anh 3
Sau Fan cuồng, vai diễn của Thái Hòa trong Vệ sĩ Sài Gòn chưa ghi được dấu ấn. Ảnh: ĐPCC.

Dẫu vậy, Vệ sĩ Sài Gòn có lối dựng phim nhanh, mạnh, khắc phục hoàn toàn không khí vụng về và thiếu mạnh mẽ của phim hành động Việt Nam. Điều này đã giúp cho mạch phim được nhanh hơn, phần nào khắc phục sự rời rạc trong kịch bản và tuyến truyện chính của phim.

Điểm cộng thứ hai, chính là những cảnh quay trong phim rất đẹp, được quay khá trau chuốt. Điểm cộng thứ ba, đây là phim làm kỹ xảo và có những cảnh hành động đẹp mắt.

Vệ sĩ Sài Gòn giống một nồi lẩu thập cẩm, đáng tiếc là không đủ ngon để giữ chân khán giả. 

 

Vương Trung Đỉnh

Bạn có thể quan tâm