Từ cuộc đời bi thảm, số phận giằng xé, lẫn lộn giữa người anh hùng khí phách và kẻ sát nhân điên loạn, kẻ đọc sách văn võ toàn tài và một đại ma đầu khát máu, vai diễn Kim Mao Sư Vương chính là bài toán hóc búa nhất dành cho mọi đạo diễn khi bắt tay vào làm một bộ Ỷ Thiên.
Đã có rất nhiều diễn viên đóng vai Tạ Tốn trong các phiên bản Ỷ Thiên Đồ Long Ký khác nhau. Từ "Sa tăng" Diêm Hoài Lễ những năm 1984 cho tới "gã trọc" Từ Cẩm Giang phiên bản 2003 đều cố gắng để lột tả gần gũi nhất hình ảnh một Sư Vương kiêu hùng và đầy ngạo khí. Có điều, hình như chưa một Tạ Tốn nào trong phim ảnh có thể làm thỏa mãn trí tưởng tượng của những người yêu mến truyện Kim Dung.
Tạo hình Tạ Tốn trên màn ảnh. |
Thứ duy nhất họ làm được là bộc lộ phần dữ tợn, hoang dã trong con người của Kim Mao Sư Vương, chứ chưa thể lột tả được hết nội tâm đầy tình cảm và đau khổ của một người đọc sách văn nhã và quân tử. Để rồi ấn tượng để nhận biết về Tạ Tốn trong phim ảnh phần lớn chỉ là mái tóc vàng, chứ không phải những gì người đọc từng trông đợi về một sư vương như trong truyện.
Không phải ngẫu nhiên khi người ta cho rằng vai diễn Tạ Tốn là một trong những vai diễn khó thành công nhất. Bởi bản thân Tạ Tốn cũng được liệt vào nhóm những nhân vật đặc biệt có cuộc đời bi tráng, thảm khốc nhất trong truyện Kim Dung.
Cảm xúc mà nhân vật phụ này mang tới cho độc giả thậm chí còn không thua kém gì những Triệu Minh, Trương Vô Kỵ - những nhân vật xuyên suốt từ đầu tới cuối trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký.
Tạ Tốn có vóc dáng cao lớn, tướng mạo oai phong, đặc biệt tóc ông không phải màu đen, mà là vàng rực. Biệt danh "sư tử lông vàng" của Tạ Tốn cũng được xuất phát từ chính nét ngoại hình lạ lẫm này.
Trong truyện, Tạ Tốn là người văn võ toàn tài. Không chỉ là một trong tứ đại hộ pháp Tử - Bạch - Kim - Thanh (Tử Sam Long Vương, Bạch Mi Ưng Vương, Kim Mao Sư Vương và Thanh Dực Bức Vương), Tạ Tốn còn tinh thông văn chương, kinh sử không thua kém gì một bậc đại khoa.
Điểm yếu duy nhất của ông là sự nóng nảy, cũng như tình nghĩa sâu đậm hơn người. Chính bởi điều này, ông đã trở thành nạn nhân của mưu kế trả thù hèn hạ và thâm độc bậc nhất dưới tay chính sư phụ.
Căm thù Minh Giáo và giáo chủ Dương Đỉnh Thiên vì đã cướp đi vị hôn thê của y, Thành Côn lập thệ sẽ san bằng Minh giáo để trả thù. Y nhắm tới Tạ Tốn để làm công cụ báo thù, bởi không những Tạ Tốn có vị trí rất cao trong giáo phái mà còn có võ công thượng thừa, suy nghĩ lại nóng nảy và có phần hung dữ.
Y bày trò hãm hiếp vợ Tạ Tốn, giết hại cả gia đình ông và để cho Tạ Tốn sống dở, chết dở chứng kiến mọi điều kinh khủng đó. Y đã thành công. Một Tạ Tốn văn nhã tài hoa, tiêu diêu khí khái không còn trên đời nữa. Chỉ còn một Sư Vương khát máu, luôn hừng hực cháy trong lòng ngọn lửa hận thù vô độ đã được ra đời...
Từ Cẩm Giang trong vai Tạ Tốn. |
Trong truyện, Tạ Tốn có thể coi như kẻ giết người hàng loạt, chẳng cần lý do, bởi theo chính ông suy nghĩ: Vợ con ta đã gây tội lỗi gì, tại sao vẫn phải chết thảm? Cái suy nghĩ điên loạn và đau đớn ấy khiến Tạ Tốn không chùn tay khi giết người và sau mỗi lần gây án, ông luôn để lại một dòng chữ: Hỗn Nguyên Phích Lịch Thủ Thành Côn làm. Phương thức ấu trĩ và đau đớn ấy là cách duy nhất ông có thể làm để tìm ra Thành Côn, bởi sau khi hãm hại cả nhà ông, y đã biến mất tăm mất tích không dấu vết.
Hành động của Tạ Tốn bất thường, độc ác và hung bạo, nhưng người đọc không nhìn thấy hình ảnh một đại ma đầu bên trong con người Tạ Tốn. Thay vào đó, hình ảnh một người đàn ông đau khổ đến cùng quẫn và mất đi lý trí lại được hiển hiện rõ rệt hơn.
Tất cả những gì Tạ Tốn làm, những tội ác do chính tay ông tạo ra không thể biện minh bằng bất cứ lý do gì, nhưng sâu thẳm trong con người Tạ Tốn, ông cũng đã là một con người chết. Lý do duy nhất khiến ông còn sống là khao khát trả thù, khao khát được đoàn tụ với vợ con nơi suối vàng sau khi đã hoàn thành tâm nguyện.
Cách Tạ Tốn giết người cũng khiến người ta phải nhìn khác đi về ông. Trong lần đại hiển thần uy chiếm lấy Đồ Long Đao, Tạ Tốn quyết tâm giết tất cả những ai có mặt để bịt đầu mối về thanh thần binh có khả năng hiệu triệu thiên hạ này.
Nhưng dù võ công hơn xa tất thảy mọi kẻ có mặt tại đó, Tạ Tốn vẫn đồng ý tỉ thí bằng những phương pháp công bình nhất. Đối với những kẻ hải tặc thông thạo thủy tính, Tạ Tốn vẫn dám thi nhịn thở để đấu cùng. Đối với đám khấu tặc chuyên buôn muối lậu, Tạ Tốn không ngại ngần nuốt luôn thứ muối độc lợi hại mà chúng thường dùng để giết người. Không chỉ thể hiện một thân võ công, bản lĩnh thượng thừa, Tạ Tốn còn thể hiện thêm cả nét tính cách đặc thù trong đó. Không cậy sức ép kẻ yếu, luôn chiến đấu một cách quân tử nhất và đặc biệt, không bao giờ nói mà lại nuốt lời!
Chính nhờ sự quân tử của Tạ Tốn mà Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đã không bị giết. Thua Thúy Sơn về bút pháp lồng trong kiếm pháp, Tạ Tốn giữ lời không giết họ, mà chỉ mang theo đi tới tận chân trời, góc bể để nghiên cứu bí mật của bảo đao Đồ Long. Chính nhờ vậy, đôi thần tiên quyến lữ ấy đã có những năm tháng như mơ trên tòa Băng Hỏa Đảo, cách xa những oán cừu, thù hận chốn giang hồ.
Chưa một lần nhân vật Tạ Tốn trên màn ảnh thỏa mãn được trí tưởng tượng của người yêu nhân vật này. |
Xuyên suốt trong câu chuyện về cuộc đời Tạ Tốn, người ta gần như không thấy một phút giây nào ông hạnh phúc. Có chăng chỉ là trong hồi tưởng về quá khứ, nơi ông có cuộc sống êm đềm cùng vợ đẹp, con khôn. Nhưng chỉ trong chốt lát, khi quay về với thực tại, những điều đẹp đẽ trong quá khứ ấy lại là nhát dao đâm thẳng vào trái tim Tạ Tốn. Mỗi ngày, mỗi giờ, con sư tử lông vàng tội nghiệp ấy lại phải đối diện với những nỗi đau và chẳng ngạc nhiên khi ông trở nên điên loạn, mất đi thần trí mỗi lúc nỗi đau bị động vào...
Cả thời tuổi trẻ hạnh phúc vài năm ngắn ngủi, sau đó là chịu đựng nỗi đau khủng khiếp mất vợ, mất con, biến thành đại ma đầu khát máu bị cả võ lâm căm ghét và truy đuổi, Tạ Tốn chỉ thực sự có những giây phút yên bình ngắn ngủi khi ở trên Băng Hỏa Đảo.
Trên hòn đảo nhỏ ấy, dù thiếu thốn đủ mọi bề, nhưng Tạ Tốn lại hoàn toàn hạnh phúc. Không còn những hận thù canh cánh, không còn những nỗi lo lắng bộn bề, chỉ có những người thân thương bên cạnh và cả một đứa con nuôi Vô Kỵ - trùng tên với đứa con trai đã chết dưới tay kẻ thủ ác Thành Côn.
Nhưng bi kịch của Tạ Tốn không dừng lại ở đó. Thanh bảo đao Đồ Long ông mang theo trên người lại khiến không biết bao nhiêu kẻ dòm ngó. Tới cả người từng một thời thân thiết, tình nghĩa với ông như Tử Sam Long Vương cũng bị sự cám dỗ làm cho mờ mắt. Vô số những âm mưu ngụy kế lại một lần nữa bày ra trước mắt con hùng sư đã mù lòa. Để rồi lại thêm một lần nữa, Tạ Tốn lại phải bước chân vào thế giới của đao kiếm, cạm bẫy giang hồ.
Lần đầu tiên quay trở về đất liền sau hàng chục năm bôn ba hải ngoại, Tạ Tốn được hưởng niềm vui nhỏ bé khi nhấp môi chén rượu nhạt. Dù là loại rượu rẻ tiền bày bán nơi thôn dã, nhưng cũng đủ khiến ông khoan khoái thốt lên: "Rượu ngon quá!". Đáng tiếc, đó gần như là thú vui duy nhất mà Tạ Tốn tìm được khi về lại chốn giang hồ.
Người ta từng lầm tưởng rằng điều khiến Tạ Tốn thống khoái chính là những cú Thất Thương Quyền đánh vào người của Thành Côn - kẻ tử thù suốt cuộc đời ông tìm kiếm. Nhưng người ta không thấy sự hả hê, thỏa mãn khi trả được mối thù riêng, mà lẩn khuất đâu đây còn chính là những nỗi đau rướm máu trong lần trả thù của Sư Vương. Những ngọn Thất Thương Quyền đánh lên người vị sư phụ một thời ấy còn mang tới cả những thương tích vô hình trong tâm hồn của con sư tử cô độc và kiêu hãnh, và nó giống như một sự hành xác hơn là một lần trả thù riêng!
Kết cục mà Tạ Tốn dành cho Thành Côn có thể còn đau khổ hơn cái chết. Thân thể tàn phế, mất hết võ công, thanh danh bị bôi bẩn, Thành Côn sẽ sống còn tệ hơn cả một gã ăn mày trong suốt quãng đời còn lại. Nhưng người đọc không thấy ghê sợ trước tính toán của Tạ Tốn mà ngược lại, có thể còn nhìn ông với một cặp mắt kính nể hơn, tôn trọng hơn, bởi khí phách anh hùng và sự can đảm đối mặt với cái chết, sự trả thù của chính ông sau đó.
Vẫn biết, những tội ác mà Tạ Tốn từng làm trong quá khứ rất khó lòng tha thứ, nhưng cách mà Kim Mao Sư Vương đối diện với cái chết một cách anh hùng và khí phách cứ khiến người đọc phải nao lòng! Tạ Tốn là một trang nam tử đầu đội trời, chân đạp đất, coi danh dự và tiếng tăm của bản thân còn lớn hơn tính mạng gấp nhiều lần. Nhưng trong cái gọi là Sát Sư Đại Hội ấy, con hùng sư oai phong lặng lẽ cúi đầu, chịu đựng mọi sự sỉ nhục trong thiên hạ.
Võ công đã tự tay phế bỏ, cả thanh danh một đời lừng lẫy cũng tan biến theo từng sự sỉ nhục nặng nề và khó chấp nhận nhất trên đời. Những bãi nước bọt, những câu chửi mắng, những lời thậm tệ tới từ cả trăm con người có lẽ còn đáng sợ hơn cả cái chết, nhưng Tạ Tốn lại chọn cho mình kết cục ấy, như một sự trả giá đầy đau đớn và tủi nhục...
Oai phong, khí phách của Kim Mao Sư Vương không chỉ hiển lộ khi ông đại chiến với kẻ thù hay hiên ngang đứng giữa sóng gió cuộc đời. Nó còn được thể hiện rõ ràng nhất khi Tạ Tốn đối mặt với những chọn lựa quan trọng của cuộc đời mình. Tự tìm tới cái chết là điều vô cùng đơn giản, nhất là khi Tạ Tốn đã quyết định phế bỏ một thân võ công thượng thặng của mình để trở thành một phế nhân. Nhưng ông lại không chọn lựa điều đơn giản nhất ấy, mà cam chịu gánh lấy mọi khổ đau, nhục nhã, như một cách để chuộc lại những lỗi lầm quá khứ.
Ranh giới giữa thiện và ác, anh hùng và kẻ sát nhân, bậc đại trí và một người điên loạn cứ lẫn lộn, giằng xé trong con người Tạ Tốn. Nhưng giữa những mớ hỗn độn ấy, cái khí phách anh hùng của Kim Mao Sư Vương vẫn nổi trội và tỏa sáng, dẫn dắt cảm xúc của người đọc đi từ sự thông cảm này tới sự nể phục khác. Chính nó cũng đã khiến cho hình tượng của Tạ Tốn trở nên kiêu hãnh, đáng trọng và lấy đi không ít nước mắt của người đọc dành cho con sư tử tóc vàng...