Ngày 15/8, thông tin từ văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông, đơn vị đã kết luận điều tra, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố đối với bị can Nguyễn Thị Hồng Đào (SN 1990, trú xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, đơn vị cũng đề nghị truy tố 4 bị can khác về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo kết luận điều tra, do không có sẵn nguồn vốn, Đào đã vay mượn tiền của nhiều người, với thời gian ngắn, lãi suất cao để làm ăn, kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh liên tục bị thua lỗ, nên Đào lâm vào cảnh nợ nần.
Đối tượng Nguyễn Thị Hồng Đào. |
Từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2022, để có tiền duy trì hoạt động kinh doanh cũng như trả nợ gốc, tiền lãi, Đào đã sử dụng nhiều thủ đoạn, đưa ra hàng loạt thông tin gian dối. Ngoài ra, Đào đưa ra mức lãi suất, lợi nhuận cao để đánh vào lòng tham, làm cho người khác tin tưởng cho Đào vay tiền.
Đào còn giả mạo cán bộ ngân hàng, giả mạo các tin nhắn giữa Đào với cán bộ ngân hàng đặt vấn đề vay tiền để đáo hạn cho người khác...
Sau khi vay được tiền, Đào dùng để trả nợ xoay vòng và tiêu xài cá nhân. Thực tế, Đào không trả nợ được cho những người đã cho vay đúng theo cam kết và không còn điều kiện, khả năng để khắc phục, trả nợ.
Theo kết luận điều tra, Đào đã lừa đảo, chiếm đoạt của 7 cá nhân gần 47 tỷ đồng. Ngoài ra, Đào còn nợ tiền vay của 28 cá nhân khác với tổng số tiền trên 42 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã làm rõ có 4 đối tượng trên địa bàn huyện Đắk R’lấp cho Đào vay tổng số tiền 5,7 tỷ đồng với mức lãi suất từ 100,26%/năm đến 200,75%/năm, thu lợi bất chính tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh trong pháp luật hành chính Việt Nam" đề cập tới mục đích của tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh cũng như mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng trong tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh.