Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh hoàng tuồn rác thải lây nhiễm trong bệnh viện ra ngoài

Tại điểm chứa phế liệu, ngoài những bao đựng nhiều vật dụng bằng nhựa đã sử dụng, nhiều túi màu vàng ghi dòng chữ “chất thải lây nhiễm” được chất đống.

Sau một tháng theo dõi tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, phóng viên đã phát hiện các loại chai nhựa, lon nhôm được thu gom chung với rác thải lây nhiễm rồi bán cho vựa thu mua phế liệu.

Gom ve chai lẫn rác thải lây nhiễm

Khoảng 6h30 phút ngày 1/7, phóng viên phát hiện một người đàn ông mặc đồng phục xanh đi gom những túi màu vàng bên ngoài ghi “Chất thải lây nhiễm” trong khuôn viên bệnh viện.

Những túi này được đặt trong các thùng nhựa cùng màu gần dãy phòng điều trị bệnh nhân nội trú. Người đàn ông mở từng túi lựa chai nhựa, lon nhôm dồn vào một túi màu vàng có chữ “Chất thải lây nhiễm” rồi đẩy tới khu vực chứa rác thải y tế.

Khoảng vài giờ sau, một người đàn ông khác mang những túi màu vàng đựng vỏ chai nhựa, lon nhôm này đến chất đống cạnh khoa Dinh dưỡng. Quan sát liên tục trong những ngày tiếp theo, phóng viên ghi nhận quá trình gom rác, lựa rác,… luôn theo các bước như vậy.

rac thai benh vien gom chung voi rac thai khong lay nhiem anh 1
Công nhân vệ sinh trong BV Phạm Ngọc Thạch lựa chai nhựa nằm lẫn trong túi màu vàng ghi dòng chữ “Chất thải lây nhiễm” rồi để riêng. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Đến ngày 13/7, phóng viên thấy một phụ nữ tầm 50 tuổi đến khu vực tập kết những túi màu vàng. Sau khi đồ trong các túi được đổ đống xuống đất, bà ngồi lựa đồ nhựa, đồ nhôm để riêng rồi dồn từng thứ vào những bao màu trắng. 8h sáng hôm sau (14/7), bà xuất hiện tại địa điểm cũ và tiếp tục công việc còn dang dở.

… Bán cho vựa phế liệu

Gần 12h cùng ngày, xe tải biển số 51C-783xx từ cổng bệnh viện vào rồi đậu ngay khu vực tập kết rác thải trên. Những bao đựng đầy chai nhựa, lon nhôm đã phân loại nhanh chóng được chất lên xe. Không đầy 20 phút sau, xe tải ung dung chạy ra khỏi bệnh viện.

Sau khi chạy lòng vòng, gần một giờ sau, chiếc xe ra đến quốc lộ 50 rồi quẹo vào một hẻm nhỏ. Tới điểm chứa phế liệu ở tổ 15, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP.HCM) thì dừng lại.

rac thai benh vien gom chung voi rac thai khong lay nhiem anh 2
Điểm tập kết phế liệu của bà Võ Thị Ngọc (tổ 15, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chứa nhiều túi màu vàng đựng rác thải lây nhiễm. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Hai thanh niên xuất hiện, leo lên xe chuyền những bao đựng chai nhựa, lon nhôm xuống đất rồi lôi vào trong căn nhà tạm.

Tại đây, hai thanh niên cùng một phụ nữ nhanh chóng lựa từng thứ rồi cho vào bao riêng. Khoảng bốn giờ sau, họ chuyển lên xe tải nhiều bao hàng nhựa, hàng nhôm đã lựa. Xe tải nổ máy, chạy một hồi rồi dừng trước vựa mua bán phế liệu A. ở quận 5 (TP.HCM) để giao hàng.

Nhiều dây truyền dịch còn dính máu

Hôm sau, phóng viên tìm đến điểm chứa phế liệu ở tổ 15, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Nơi này nằm sát con rạch nước đen, được che chắn tạm bợ bằng những tấm tôn, bạt nhựa.

Ngoài những bao đựng nhiều vật dụng bằng nhựa đã sử dụng còn có nhiều túi màu vàng ghi dòng chữ “chất thải lây nhiễm” được chất đống.

Mở một túi màu vàng, phóng viên tá hỏa khi thấy trong đó chứa nhiều dây truyền dịch dính máu và cả những túi nhựa nhỏ màu trắng đựng dung dịch lỏng nhầy nhụa, bốc mùi. Một túi khác cạnh đó chứa rất nhiều bơm kim tiêm đã sử dụng, ống nhựa hỗ trợ đường thở còn dính máu.

rac thai benh vien gom chung voi rac thai khong lay nhiem anh 3
Nhiều dây truyền dịch có nguồn gốc từ BV Phạm Ngọc Thạch dính đầy máu. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Hỏi những người xung quanh, phóng viên được biết điểm tập kết phế liệu này là của bà Võ Thị Ngọc (50 tuổi) thuê lại của một người khác khoảng bốn tháng nay. Sau khi tiếp nhận thông tin trên từ phóng viên, UBND xã Phong Phú và huyện Bình Chánh ngay lập tức vào cuộc.

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, bà Ngọc thừa nhận đã mua chai nhựa, lon nhôm được thu gom trong Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện N. (TP.HCM).

Những dây truyền dịch dính máu, ống nhựa hỗ trợ đường thở, bà Ngọc cũng thừa nhận có nguồn gốc từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

“Bơm kim tiêm, dây truyền dịch, túi đựng dung dịch phục vụ phẫu thuật,… do công nhân quét rác để lẫn trong bao đựng chai nhựa, lon nhôm. Khi phân loại, tôi để riêng những thứ đó và không bán cho bất kỳ ai”, bà Ngọc trình bày.

Ngày 31/12/2015, Bộ Y tế và Bộ TN&MT ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015 quy định quản lý chất thải y tế.

Theo quy định, chất thải lây nhiễm cao (bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly,…) được đựng trong túi hoặc thùng có lót túi màu vàng.

Chất thải lây nhiễm phải được giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý và phải được cấp phép hoạt động.

Chất thải y tế thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế gồm chai, lon nước giải khát bằng nhựa và đồ nhựa sử dụng trong sinh hoạt khác; chai, lon nước uống giải khát và các vật liệu kim loại khác.

Chất thải được phép tái chế phải đựng trong túi màu trắng. Tuy nhiên, khi chất thải tái chế đựng chung với chất thải lây nhiễm (trong túi màu vàng) thì chất thải tái chế được xem là chất thải lây nhiễm và phải tiêu hủy.

Chất thải được phép tái chế có nguồn gốc trong bệnh viện bị cấm dùng sản xuất các đồ dùng, bao gói sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm.

Rác thải nhựa nguy hiểm thế nào? Rác thải nhựa đang là vấn đề đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng tới sự sống còn của nhiều sinh vật trên hành tinh, trong đó có con người.


https://plo.vn/suc-khoe/kinh-hoang-tuon-rac-thai-lay-nhiem-trong-benh-vien-ra-ngoai-849985.html

Theo Trần Ngọc / Pháp Luật TP.HCM

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm