Chọn dòng xe phù hợp
Môtô được chia làm nhiều loại, mỗi loại lại có mục đích sử dụng khác nhau. Hiện nay, môtô được chia thành các loại cơ bản là: Sport-bike, Nake-bike, Cruiser, Touring, Sport-touring, Fazer, Naked-muscle, Street-fighter, Cafe Racer, Chooper…
Tìm hiểu kỹ để chọn dòng xe phù hợp với vóc dáng và mục đích sử dụng của mình. |
Các dòng môtô khi phân loại đều có những kích thước, kiểu dáng, đặc tính khác nhau, bạn có thể tìm hiểu kỹ để chọn dòng xe phù hợp với vóc dáng và mục đích sử dụng của mình.
Chọn dung tích xi-lanh
Một sai lầm lớn nhất và phổ biến nhất của những người mới tập tọe chơi môtô đó là mua xe có hiệu suất vượt quá khả năng điều khiển và xử lý của bản thân. Với những ai mới lần đầu mua xe, không nên chọn xe có động cơ vượt quá 600cc. Những chiếc xe như vậy chỉ phù hợp với những tay đua chuyên nghiệp hoặc những người giàu kinh nghiệm về xe môtô.
Hãy chọn những xe phân khối thấp, đủ sức điều khiển. |
Vậy nên, lời khuyên cho bạn là hãy chọn những xe phân khối thấp, đủ sức điều khiển. Khi nào bạn tích lũy đủ kinh nghiệm và trở thành một biker lão luyện, hãy nghĩ đến chuyện nâng cấp lên các loại xe phân khối lớn hơn.
Chọn kích thước xe
Đây là vấn đề thường xuyên bị những người mới chơi xe bỏ qua. Nhìn chung, các loại xe phân khối lớn được chia thành nhiều loại kích cỡ, và độ chênh lệch khá đáng kể, đem lại cho người đi xe những trải nghiệm khác nhau.
Cần nắm rõ về thông số, kích thước, chiều cao yên để chọn chiếc xe phù hợp với vóc dáng. |
Chẳng hạn, trong dòng Sportbike, căn cứ vào dung tích xi-lanh, kích cỡ của chiếc xe cũng được chia ra thành hạng lớn, hạng trung hay hạng nhẹ (hạng ruồi). Nếu chọn một chiếc Sportbike quá to so với bản thân, bạn sẽ phải nằm bò ra để lái xe. Nếu lái quá lâu, bạn sẽ thấy cổ tay mình đau rần, chưa kể một chiếc xe to như vậy sẽ khiến bạn điều khiển cực kỳ khó khăn khi đi trên những con phố đông đúc. Ngược lại, với một chiếc Cruiser-bike quá cỡ, bạn sẽ phải vươn tay cao và rất nhanh mỏi, chưa kể việc điều khiển xe cũng sẽ rất khó.
Chọn theo nhu cầu sử dụng
Hãy xem xét thật kỹ lượng đoạn đường và khoảng cách mà bạn sẽ chạy xe hằng ngày. Hãy đặt câu hỏi: Đoạn đường bạn đi có đông xe hay không? Quãng đường di chuyển bao xa? Địa hình như thế nào?
Nếu để đi xa hoặc off-road, phượt, bạn sẽ cần một chiếc xe khỏe, có khả năng vượt địa hình. |
Nếu để đi xa hoặc off-road, phượt, bạn sẽ cần một chiếc xe khỏe. Nếu chỉ dùng nó như một vật trang trí cho bản thân, hãy chọn một chiếc xe có vẻ ngoài hào nhoáng. Nếu dùng để đi lại trong phố, hãy chọn chiếc xe có dung tích xi-lanh nhỏ, trọng lượng nhẹ, điều khiển dễ dàng…
Chọn xe cũ hay mới
Không thể nói chọn xe mới hay cũ cái nào sẽ đúng hơn bởi nó tùy thuộc vào quyết định cá nhân của bạn.
Tuy nhiên, lựa chọn giữa xe cũ và xe mới sẽ buộc bạn phải đánh đổi nhiều thứ. Chẳng hạn, mua xe mới sẽ kèm theo sự an tâm về chất lượng cùng chế độ bảo hành, song đồng nghĩa bạn cũng sẽ phải trả một số tiền không nhỏ để đổi lấy sự an tâm đó.
Cân nhắc điều kiện bản thân để mua xe mới hay cũ. |
Ngược lại, xe cũ giá cũng rẻ hơn vì chúng đã bị khấu hao đi nhiều. Song, về chất lượng, rõ ràng xe cũ không thể nào đáng tin cậy bằng xe mới, chưa kể có thể còn có những hỏng hóc, thế nên chi phí cho xe cũ về lâu dài sẽ đắt hơn so với xe mới.
“Nuôi” xe thế nào?
Mua xe xong không có nghĩa là mọi thứ liên quan đến tài chính đã chấm dứt, ngược lại bạn sẽ phải lo thêm cả đống tiền để nuôi "xế yêu" của mình, từ tiền xăng, bảo dưỡng, bảo hiểm cho đến sửa chữa hỏng hóc, mà thông thường đồ sửa dành cho xe phân khối lớn đắt gấp nhiều lần so với xe thường. Chưa kể đến việc bạn phải sắm hàng loạt thứ đi kèm như mũ bảo hiểm, áo khoác, găng tay, đồ bảo hộ, quần áo chuyên dụng, ngần ấy thứ khiến chi phí của bạn bị đội lên.
Hãy xem xét xem ngân sách dài hạn của bạn có đủ để nuôi một chiếc môtô hay không. |
Chính vì vậy, khi mua xe, hãy xem xét xem ngân sách dài hạn của bạn có đủ để nuôi một chiếc xe như thế hay không. Và nếu đã mua, hãy chuẩn bị sẵn một khoản chi phí đủ để dành cho những tình huống khẩn cấp.