Tiếng Nhật quan trọng như thế nào?
Buổi học đầu tiên tại Đại học Kinh tế Luật Osaka, tôi đã bị sốc ngôn ngữ, choáng ngợp vì tốc độ nói của các thầy cô quá nhanh. Họ nói tiếng địa phương vùng Osaka khác với tiếng Nhật phổ thông, trong khi trước giờ tôi quá tập trung đọc tài liệu sách vở, xoáy sâu ngữ pháp mà ít rèn luyện nghe nói.
Hồ An với giải nhất cuộc thi hùng biện Việt - Nhật. |
Trước hết phải khẳng định tiếng Nhật rất quan trọng với du học sinh nếu muốn học tập và làm việc tại xứ sở hoa anh đào. Du học sinh phải có bằng tiếng Nhật N2 và phải vượt qua kỳ thi sát hạch ngoại ngữ Ejju trước khi được tuyển vào đại học. Khi có vốn từ tốt, bạn sẽ hiểu, từ đó ham muốn tìm tòi và khám phá cuộc sống tại đây.
Tôi luôn quan niệm thành công không dành cho người làm việc với một nửa tâm trí, một thái độ hời hợt và quyết tâm không đến nơi. Bạn cũng đừng sợ mắc lỗi! Hãy cố gắng học ngữ âm.
Phát âm với người bản ngữ là điều rất cần thiết. Bạn có thể tự tạo ra một môi trường tiếng Nhật một cách đơn giản mà không nhất thiết phải ở Nhật bằng cách lên mạng gõ những bộ phim hoạt hình thiếu nhi như Doraemon, Chibimaruko ..., nghe nhạc Nhật (J-Pop).
Mưa dầm thấm lâu, nghe nhiều quen tai, quen miệng, từ vựng không hiểu thì tra nghĩa, cứ “chạm mặt” nhau như vậy thì không quên được đâu.
Còn về phương pháp học, tôi nghĩ mỗi người sẽ có những cách tiếp cận và lĩnh hội vấn đề khác nhau, bạn hãy thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau xem cách nào phù hợp với mình.
Kỹ năng sống của du học sinh tại Nhật
Du học sinh chia sẻ bài viết, ảnh, video về du học qua địa chỉ email toasoan@zing.vn.
Một điều mà du học sinh cần lưu ý tại Nhật là văn hóa quan tâm đến người khác (omoiyari). Bạn đừng hiểu nhầm “quan tâm” như ở Việt Nam là chuyện một nhà cả khu phố đều biết.
Người Nhật quan niệm rằng, quan tâm ở đây là việc nghĩ đến cảm xúc của người khác, lo sợ họ sẽ cảm thấy bị gây phiền phức bởi những hành động vô ý của mình. Vậy nên họ luôn tôn trọng không gian, khoảng trời của người khác.
Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. |
Khi tham gia các phương tiện công cộng như tàu điện, xe bus..., bạn không nên nói chuyện điện thoại, không được nói to, không ăn uống...
Khi đi học ở Nhật, nếu bạn có mắc lỗi bị thầy cô mắng, việc đầu tiên cần làm là cúi đầu xin lỗi thay vì gắng gân cổ lên bao biện. Bởi vì lỗi lầm của bạn sẽ ảnh hưởng đến cả một tập thể chứ không chỉ cá nhân mình.
Người Nhật luôn suy nghĩ và đặt cái tôi cá nhân của mình trong công động để từ đó hành xử. Xuất phát từ đó đề hình thành sự cố gắng. Ví dụ, nếu sắp bước vào kỳ thi, 2 người Châu Âu sẽ chúc nhau Good luck (may mắn nhé), còn người Nhật động viên nhau Ganbatte (cố gắng lên nhé). Họ cho rằng, nếu mình không cố gắng sẽ làm phiền đến người khác.
Kinh nghiệm quản lý tài chính
Tôi ở ký túc xá của trường với mức chi phí 3 triệu đồng một tháng (đã bao gồm tiền nhà, điện, nước, internet...). Trường hỗ trợ cho du học sinh Việt Nam được ở miễn phí trong nửa kỳ học dự bị và năm nhất đại học. Nếu thuê nhà ở riêng thì trung bình một tháng tiền nhà 8 triệu đồng, tiền điện thoại 1 triệu, tiền ăn khoảng 4 triệu, thi thoảng đi chơi giao lưu cho thêm 1 triệu nữa...
Bạn nên ở kí túc xá trường để mức chi phí chỉ khoảng 9 triệu đồng/ tháng, nếu thuê nhà riêng mỗi tháng sẽ mất khoảng 14 triệu.
Tiếp đến là vấn đề làm thêm. Nhật qui định du học sinh một tuần không được làm quá 28 tiếng. Mức lương tiêu chuẩn của vùng Osaka nơi tôi ở là 858 yên (163.000 đồng)/ giờ, vị chi một tháng làm đủ sẽ kiếm được 18 triệu.
Nếu chịu khó làm thêm sẽ có tiền trang trải sinh hoạt phí, và nếu học giỏi điểm cao còn có cơ hội xin được học bổng.
Tại vòng chung kết cuộc thi Hùng biện tiếng Việt và tiếng Nhật lần đầu tiên diễn ra tại Nhật Bản, Hồ An (20 tuổi), sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế Luật Osaka, đã thuyết phục được ban giám khảo gồm Phó tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Trưởng khoa, các giảng viên khoa cao học ngôn ngữ văn hoá Đại học Osaka… để nhận giải nhất cho bài hùng biện xuất sắc của mình.