Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa đoàn tàu Bắc - Nam SE5 và một chiếc xe tải vào đêm 10/3 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, anh Nguyễn Thanh An, thành viên diễn đàn Otofun, đã chia sẻ 3 kinh nghiệm khi qua đường ngang mà theo anh có thể giúp hạn chế nguy cơ tai nạn.
Một là, lái xe cần đi chậm và quan sát hai bên. Tài xế có thể hạ kính để nghe còi tàu hoặc nhìn đèn đầu máy ban đêm.
Hai là không bao giờ đua với tàu. Đôi khi nhìn thấy tàu còn xa nhưng với vận tốc 60 km/h của các đoàn tàu khách thì chỉ cần chậm xử lý vài giây, bạn đã thua tàu và gặp nạn. Cự ly hãm lý thuyết là 800 mét và thực tế dưới 200 mét khiến lái tàu không thể xử lý. Thực tế, nếu thấy tàu chỉ cách xe 100 mét mà bạn vẫn lao qua thì 100% là xảy ra tai nạn.
Vụ tai nạn giữa tàu SE5 và một chiếc xe tải xảy ra vào đêm 10/3 tại xã Hải Lâm (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Điền Quang. |
Kinh nghiệm thứ ba là khi xe bị chết máy trên đường sắt, người lái lập tức phải xuống xe. Áp tai vào đường sắt để xác định hướng có tàu, nhờ người xung quanh hỗ trợ. Đi ngược chỗ sự cố theo hướng tàu đến, càng xa càng tốt, đứng cách đường sắt quay tròn tay, đêm có ánh đèn càng tốt. Đây là tín hiệu nguy cấp bắt tàu dừng của đường sắt.
Bên cạnh các kinh nghiệm kể trên, người tham gia giao thông cũng cần nắm rõ 6 quy định tại điều 25 của Luật giao thông đường bộ để phòng tránh tai nạn khi đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt:
1. Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.
2. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
3. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
4. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.
5. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc trong phạm vi an toàn đường sắt, người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.
6. Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển phương tiện đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.
Trên địa bàn cả nước hiện nay có hàng nghìn đường ngang (đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt) được cấp phép xây dựng, khai thác. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra tại điểm giao nhau này. Nguyên nhân thường do người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của luật giao thông đường sắt, thiếu quan sát và không xử lý kịp thời khi đi qua các đường ngang, đường dân sinh.