Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh nghiệm trường thọ 'vắt qua 3 thế kỷ'

Những người trường thọ đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại diễn ra trong 3 thế kỷ, đạt tuổi thọ trên 120 năm.

Họ là những người đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại diễn ra trong 3 thế kỷ, đạt tuổi thọ trên 120 năm, vượt ngưỡng cực đại mà giới khoa học dự đoán con người có thể đạt được trong nửa đầu thế kỷ 21.

Họ là ai ?

Cụ ông thọ 126 tuổi nhờ… vitamin:

Với kỷ lục 126 tuổi, cụ ông Jose Aguinelo dos Santos, người Brazil, được xem là “hiện tượng” cao niên nhất thế giới còn sống sau khi nhận được giấy chứng nhận khai sinh hồi trung tuần tháng 7/2014. Cụ Santos sinh ngày 7/7/1888, tại một khu nô lệ tập trung ở thị trấn Pedra Branca, bang Ceara, trong một gia đình nô lệ gốc Phi. Mặc dù cao niên nhưng cả cuộc đời cụ Santos chưa hề kết hôn. Mỗi ngày cụ ăn 4 bữa, hút hết 1 bao thuốc và rất ghét tắm gội song lại không quên cơm và đậu. Đặc biệt, cụ Santos sống rất vô tư, thích bông đùa, hát ca. Mới đây, khi trả lời báo chí, cụ Santos hóm hỉnh nói “Tôi chẳng có bí quyết gì cả, mọi thứ đều do các cụ truyền cho”. Theo các bác sĩ Brazil, cụ Santos hoàn toàn khỏe mạnh và sáng suốt, không hề mắc bệnh mỡ máu cao (cholesterol), không béo phì cũng như cao huyết cáp, cụ chỉ uống duy nhất vitamin và thuốc tạo cảm giác ăn ngon miệng.

Cụ ông Jose Aguinelo dos Santos.

Cụ bà thọ trên 122 tuổi là nhờ rượu vang và chocolate:

Đó là cụ Jeanne Louise Calment ở Arles, Pháp (21/2/1875-4/8/1997), thọ tới 122 năm + 164 ngày. Được công nhận là người có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử có đầy đủ bằng chứng, thậm chí còn sống thọ hơn cả con gái và cháu trai tới vài thập kỷ. Bí quyết trường thọ của cụ Calment là nhờ ăn uống, nhất là dầu ô liu, kể cả ăn uống lẫn dùng để xoa bóp. Ngoài ra, cụ còn có thói quen uống rượu vang đỏ và ăn chocolate (1kg/tuần). Đây là những chất có lợi cho tim mạch. Ngược lại, cụ Calment rất hiếm khi dùng thịt xông khói, kem và thịt gà rán nướng trực tiếp trên than, lửa hồng.

Cụ Jeanne Louise Calment.

Cụ ông thọ trên 120 tuổi nhờ... rượu shochu:

Kỷ lục này thuộc về cụ ông Shigechiyo Izumi (29/6/1865-21/2/1986) người Nhật, chính xác 120 năm + 237 ngày. Cụ Izumi là người lao động chuyên cần, bắt đầu làm việc từ năm 1872 khi mới 6 tuổi cho đến hết một thế kỷ, chỉ dừng lại khi cụ bước vào tuổi 105 tuổi, chứng kiến sự trị vì của 71 đời thủ tướng Nhật, qua đời vì bệnh viêm phổi. Bí quyết trường thọ của cụ Izumi là dùng rượu shochu, đồ uống truyền thống của người Nhật được chưng từ lúa mạch hay khoai lang. Rượu shochu giàu urokinase, một loại enzyme chống đông máu cực tốt, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch và đột qụy. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, rượu shochu là đồ uống chứa hàm lượng urokinase cao, nhiều hơn các loại rượu khác, kể cả sake. Trong khi đó rượu shochu lại có hàm lượng calo thấp và rất ít phụ gia độc hại nên hầu như không tạo ra tác dụng phụ tới sức khỏe của con người.

Cụ bà thọ gần 120 tuổi nhờ... chocolate và khoai tây chiên:

Đó là cụ bà người bang Pennsylvania, Mỹ, Sarah Knauss (24/9/1880-30/12/1999), thọ 119 năm + 97 ngày. Cụ Knauss được coi là người thọ nhất nước Mỹ xưa và nay với đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Theo con gái cụ Knauss, người thọ 101 tuổi thì mẹ bà làm nghề quản lý văn phòng bảo hiểm, sống rất giản dị và có phần đạm bạc. Sở thích khâu vá, xem golf trên truyền hình, nghiện chocolate và khoai tây chiên. Các bác sĩ cho biết, sức khỏe của cụ Sarah Knauss rất tốt, không hề có dấu hiệu ốm đau hay bệnh tật. Nếu sống thêm 33 tiếng đồng hồ nữa thì cụ Sarah Knauss sẽ đạt thêm kỷ lục người phụ nữ sống vắt qua 3 thế kỷ.

Cực hạn tuổi thọ con người?

Theo tờ Daily Mail của Anh, tiến sĩ Pankaj Kapahi ở Viện nghiên Lão khoa Buck Institute (BIA) California, Mỹ, mới đây đã chủ trì một nghiên cứu về tuổi thọ, kết quả vừa công bố đầu năm 2014. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành chỉnh sửa hai đường di truyền ở loài giun Caenorhabditis elegans (C. elegans) trong phòng thí nghiệm nên tuổi thọ của chúng có thể kéo dài tới 5 lần. Nếu áp dụng cho con người thông qua quá trình tương tác di truyền sẽ mang lại hiệu quả tương tự, làm chậm quá trình lão hóa và cuối cùng kéo dài thêm tuổi thọ.

Loài giun Caenorhabditis elegans.

Giun C. elegans là động vật đầu tiên có hệ gen được con người giải mã đầy đủ phục vụ cho nghiên cứu lão hóa và tuổi thọ. Nghiên cứu trên của BIA vừa được công bố trên tạp chí Cell Reports. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phong bế các phần tử quan trọng ảnh hưởng đến tính năng của insulin và một đường tín hiệu dinh dưỡng, protein TOR (Target of Rapamycin). Đột biến duy nhất trong đường tín hiệu TOR đã được khoa học biết đến có khả năng kéo dài tuổi thọ cho giun C. elegans tới 30%, còn các đột biến mang tín hiệu insulin lại có thể làm tăng gấp đôi tuổi thọ cho loài côn trùng này. Và như vậy, nếu 2 tính năng này được kết hợp với nhau tuổi thọ loài côn trùng này có thể kéo dài tới 130%, thậm chí còn lớn hơn nữa. TOR còn là một loại thuốc chống ung thư. Năm 2009, ba nhóm nghiên cứu độc lập ở Mỹ, đã công bố nghiên cứu Rapamycin trong việc kéo dài tuổi thọ cho loài chuột trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học có thể dùng chuột được chuyển gen có tín hiệu insulin được triệt tiêu, sau đó sử dụng thuốc rapamycin để điều trị mà người ta tin rằng có thể phong bế con đường tín hiệu TOR nói trên.

Một nhóm chuyên gia di truyền ở ĐH Harvard, Mỹ mới đây tìm thấy một hợp chất có thể làm đảo ngược tiến trình lão hóa tế bào. Họ chích cho chuột chất NAD, nhằm kích thích mitochondrial, ty lạp thể này được ví như nhà máy năng lượng cho tế bào, giúp tạo ra chất thải ít độc hơn. Chỉ sau một tuần, các tế bào của chuột già trẻ lại như chuột mới 6 tháng tuổi, nhanh đến mức không ngờ, giống như trong chuyện cổ tích, tương tự người 60 trẻ lại đến 20 tuổi.

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/kinh-nghiem-truong-tho-vat-qua-3-the-ky-2014121314215979.htm

Theo Khắc Hùng/Báo Sức khỏe Đời sống

Bạn có thể quan tâm