Một dây chuyền sản xuất đồ điện tử tại tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Ảnh: China News Service. |
Sau khi cho thấy dấu hiệu hồi phục trong quý đầu tiên của năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc đã đánh mất động lực tăng trưởng trong quý thứ 2.
Cục Số liệu Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 15/6 cho biết sản lượng công nghiệp của nước này đã tăng 3,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn hơn mức tăng trưởng 5,6% mà quốc gia Đông Á này đạt được trong tháng 4.
Con số được NBS công bố cũng thấp hơn mức 3,6% được các nhà phân tích dự báo trong một cuộc khảo sát của Reuters.
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là xuất phát từ nhu cầu hàng hóa trong nước và xuất khẩu của Trung Quốc đang sụt giảm.
Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc - một chỉ số quan trọng nhằm đánh giá niềm tin của người tiêu dùng - đã tăng 12,7% trong tháng 5, thấp hơn mức 13,6% được dự báo trước đó. Tốc độ tăng trưởng này cũng thấp hơn đáng kể mức 18,4% mà Trung Quốc đạt được trong tháng 4.
"Các số liệu hiện tại đều cho thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang yếu đi", Zhiwei Zhang, Chủ tịch công ty tài chính Pinpoint Asset Management cho biết.
Các số liệu như hoạt động của các nhà máy, trao đổi thương mại, tăng trưởng tín dụng và buôn bán bất động sản đều cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang có dấu hiệu yếu đi. Sản lượng thép nguyên khối theo tháng và theo năm đều giảm trong tháng 5.
Các con số trên củng cố nhận định rằng Trung Quốc cần phải có các biện pháp kích thích nền kinh tế do đang đối mặt với các rủi ro như tình trạng giảm phát, nợ chính phủ địa phương ngày càng lớn, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao kỷ lục và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trên toàn cầu.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 15/6 đã tuyên bố cắt giảm lãi suất cho các khoản vay trung hạn một năm, mở đường cho việc cắt giảm lãi suất vay cơ bản vào tuần tới. Các ngân hàng lớn nhất của nước này trong thời gian gần đây cũng hạ thấp lãi suất tiền gửi nhằm khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn.
Bruce Pang, chuyên gia kinh tế của tập đoàn tài chính và bất động sản Jones Lang LaSalle, nhận định việc đưa ra các gói kích thích và nới lỏng chính sách là bước đầu tiên nhằm khôi phục nền kinh tế của Trung Quốc, tuy nhiên cảnh báo quá trình này có thể "cần từ 2 đến 3 năm để phát huy tác dụng".
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.