Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Kính viễn vọng 10 tỷ USD chụp được ảnh thiên hà xa chưa từng thấy

Độ sáng bất ngờ của JADES-GS-z14-0 cho thấy kính viễn vọng có thể chụp được hình ảnh của các thiên hà ở xa hơn nữa.

Thiên hà JADES-GS-z14-0 (hiển thị trong phần kéo), được xác định là có độ lệch đỏ 14,32 (+0,08/-0,20), khiến nó trở thành thiên hà giữ kỷ lục hiện tại về thiên hà xa nhất được biết đến. Ảnh: Nasa/ESA/CSA/PA.

Kính viễn vọng không gian James Webb vừa chụp được ảnh thiên hà xa nhất từng quan sát được từ trước đến nay, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết hôm 30/5.

Thiên hà này, được gọi JADES-GS-z14-0, là một hệ sao sáng đặc biệt, tồn tại mới chỉ 290 triệu năm sau Vụ nổ lớn (Big Bang), vào thời kỳ bình minh của vũ trụ.

NASA cho biết JADES-GS-z14-0 phá kỷ lục về thiên hà lâu đời nhất được biết đến. Kỷ lục này trước đó thuộc về thiên hà JADES-GS-z13-0 tồn tại 320 triệu năm sau Vụ nổ lớn, theo Guardian.

Thiên hà mới được quan sát sáng hơn nhiều so với dự đoán, cho thấy thế hệ sao đầu tiên sáng hơn hoặc được hình thành nhanh hơn nhiều so với các lý thuyết vũ trụ thông thường đã được dự đoán.

Tiến sĩ Francesco D'Eugenio, thuộc Đại học Cambridge, một trong những tác giả của khám phá này, cho biết: “Vũ trụ ở những giai đoạn đầu này khác với ngày nay. Các thiên hà ban đầu - đây là thiên hà xa nhất được tìm thấy nhưng cũng có những thiên hà khác - dường như sáng hơn mong đợi từ các mô hình”.

Được triển khai từ tháng 7/2022, kính viễn vọng không gian James Webb trị giá 10 tỷ USD có khả năng nhìn xa hơn trong vũ trụ so với bất kỳ kính viễn vọng nào trước đây.

Do sự giãn nở của vũ trụ, ánh sáng từ các thiên hà xa xôi trải dài đến bước sóng dài hơn khi nó truyền đi, một hiệu ứng được gọi là dịch chuyển đỏ. Ở những thiên hà này, hiệu ứng đó cực kỳ lớn, kéo dài theo hệ số 15 và thậm chí chuyển cả ánh sáng cực tím của các thiên hà sang bước sóng hồng ngoại của quang phổ ánh sáng mà chỉ có kính viễn vọng không gian James Webb mới có khả năng nhìn thấy nó.

Những quan sát cực kỳ xa xôi này tiết lộ vũ trụ ở trạng thái sơ khai và đang làm thay đổi hiểu biết của các nhà khoa học về thời bình minh của vũ trụ. Một chủ đề mới nổi là các thiên hà và lỗ đen dường như đã phát triển nhanh hơn nhiều so với dự kiến.

Tiến sĩ Stefano Carniani thuộc Đại học Scuola Normale Superiore tại Italy, tác giả chính của bài báo về khám phá này cho hay: “JADES-GS-z14-0 giờ đây trở thành nguyên mẫu của hiện tượng này. Thật đáng kinh ngạc khi vũ trụ có thể tạo ra một thiên hà như vậy chỉ trong 300 triệu năm”.

Điều này gợi ý rằng hoặc những ngôi sao đầu tiên sáng hơn nhiều so với những ngôi sao được thấy ngày nay hoặc thiên hà đó có khối lượng lớn hơn nhiều. “Chúng tôi không chắc chắn giả thuyết nào đúng hơn”, tiến sĩ D’Eugenio nói.

Độ sáng bất ngờ của những thiên hà sơ khai này có nghĩa là kính thiên văn có thể thực hiện những quan sát ở khoảng cách xa hơn nữa.

Giáo sư Kevin Hainline thuộc Đại học Arizona nói: “Nguồn sáng đến mức đáng kinh ngạc, ngoài dự kiến đối với một thiên hà xa như vậy và rất gần một thiên hà khác, đến mức cả hai dường như là một phần của một vật thể lớn hơn”.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Hạnh Di

Bạn có thể quan tâm