Kofi Annan - vị tổng thư ký LHQ một đời tận tâm vì hòa bình thế giới
Thứ bảy, 18/8/2018 20:16 (GMT+7)
20:16 18/8/2018
Ngày 18/8, thế giới mất đi cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan. Với tài ngoại giao tài tình và lòng trắc ẩn chân thành, ông đã dành cả đời vì hòa bình thế giới.
Kofi Atta Annan sinh ra tại thành phố Kumasi, Ghana, vào ngày 8/4/1938. Từ nhỏ, Annan đã có cơ hội tiếp cận với những nhà ngoại giao giỏi vì bố mẹ ông đều xuất thân từ các bộ tộc lớn. Bố của ông là trí thức. Nhờ vậy, Annan cũng sớm làm quen với một cuộc sống kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Ảnh: MyNewsGH.com.
Năm 20 tuổi, ông giành học bổng tại Đại học Macalester ở Minnesota, Mỹ, trước khi tới Thụy Sĩ lấy bằng thạc sĩ kinh tế. Từ thời sinh viên, Annan đã luôn thể hiện sự khéo léo trong thuật ngoại giao. Năm 1962, ông bắt đầu làm nhân viên kế toán
tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sau này, ông chuyển công tác tới New York. Tuy nhiên, Annan luôn nói sẽ quay về quê hương dù Ghana thập kỷ 70 chìm trong bất ổn chính trị.
Năm 1974, ông rời Liên Hợp Quốc, về nước làm giám đốc một công ty phát triển du lịch. Ảnh: MyNewsGH.com.
Annan trở lại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York vào năm 1983, làm việc ở vị trí phụ tá tổng thư ký, chuyên trách quản lý nhân lực và phối hợp an ninh. Trong ảnh, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lúc đó là Boutros Boutros-Ghali gặp ông Annan tại New York năm 1993. Ảnh: AP.
Năm 1997, Annan trở thành tổng thư ký Liên Hợp Quốc da màu đầu tiên. Lúc đó, tờ Sunday Times cho biết ông không tổ chức các chiến dịch vận động tranh cử. “Điều gì đến sẽ đến”, ông nói. Trong ảnh là Annan và vợ thứ 2, Nane Lagergren, luật sư người Thụy Điển. Ông đi bước nữa với bà vào năm 1985, sau khi ly hôn và có 2 con với bà Titi Alakija. Ông Annan và bà Lagergren có một người con gái. Ảnh: AFP.
Mọi ánh mắt đều đổ dồn về Tổng thư ký Annan trong cuộc thương thuyết với Tổng thống Iraq Saddam Hussein năm 1998. Vào thời điểm đó, sự hiện diện của Iraq là mối đe dọa lớn đến hòa bình thế giới khi nước này vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an, từ chối cho phép các thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc vào nước. Cuộc đàm phán trực tiếp giữa Annan và Hussein đã giúp thế giới tránh được chiến tranh. Tại họp báo ở Iraq, ông Annan nói: “Bạn có thể làm nhiều thứ nhờ ngoại giao, nhưng đương nhiên bạn có thể hoàn thành nhiều hơn nữa với thuật ngoại giao trên cơ sở công bằng và tác động”. Ảnh: AP.
Năm 2001, ông tái đắc cử tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ thứ 2. Cùng năm này, ông và Liên Hợp Quốc được trao giải Nobel Hòa Bình. Ban tổ chức vinh danh vị tổng thư ký đã mang tới sức sống cho một Liên Hợp Quốc gìn giữ hòa bình, đấu tranh vì quyền con người, dũng cảm đương đầu thách thức của chủ nghĩa khủng bố và đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, trong bài phát biểu nhận giải, ông khiêm tốn nói: “Giải thưởng không chỉ thuộc về tôi. Tôi không đứng đây một mình. Đại diện cho mọi đồng nghiệp ở Liên Hợp Quốc, ở mọi nơi trên thế giới, những người cống hiến và mạo hiểm cuộc sống bản thân vì hòa bình, tôi cảm ơn Ủy ban Nobel vì vinh dự to lớn này”. Ảnh: Ủy ban Nobel.
10 năm trên cương vị người đứng đầu Liên Hợp Quốc, ông Annan được nhiều người nhận định là tổng thư ký giỏi nhất lịch sử. Richard Holbrooke, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, khẳng định: “Kofi Annan là tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử Liên Hợp Quốc”. Ảnh: AFP.
Năm 2006, ông rời vị trí tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, công cuộc hoạt động vì quyền con người không dừng lại ở đó. Ông tiếp tục hỗ trợ đàm phán chấm dứt bạo lực ở Kenya năm 2007, đồng thời hoạt động với tư cách chủ tịch Quỹ Kofi Annan và nhóm The Elders do nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela sáng lập. Trong ảnh, nhà lãnh đạo Mandela gặp mặt ông Annan và nhóm The Elders. Ảnh: AP.
Năm 2012, ông được chỉ định làm đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab, tới Damascus gặp Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Lúc đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã nhận định Annan "xứng đáng được mọi người ngưỡng mộ vì cách ông ấy quên mình để thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất với kỹ năng và uy tín tuyệt vời". Ảnh: AP.
Ngày 18/8, cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Annan qua đời ở tuổi 80 sau một thời gian điều trị cơn bạo bệnh. Ông để lại cho thế giới hình ảnh một chính khách cống hiến cả cuộc sống để đấu tranh cho một thế giới hòa bình và công bằng. Ảnh: Reuters.
Ông Kofi Annan đảm nhiệm vị trí tổng thư ký Liên Hợp Quốc từ năm 1997 đến 2006, từng được nhận giải Nobel Hòa bình năm 2001. Ông mất tại Thụy Sĩ khi đang chữa bệnh.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc lên án chính sách chống nhập cư trái phép của Mỹ đã chia cắt trẻ em khỏi gia đình, xem biện pháp này "không khác gì tra tấn".
Nghệ thuật ngoại giao có thể xuất hiện với muôn hình vạn trạng, song cách thức ngoại giao trong bồn tắm hơi của chính phủ Phần Lan có lẽ là độc nhất vô nhị.