Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

KOL bị chỉ trích vì cố ý làm da tối màu, giả nghèo trên mạng

Hành động nhuộm đen làn da được gọi là "blackfishing", thường được người nổi tiếng tận dụng để tạo ra sự khác biệt, độc đáo cho bản thân.

Mohan xuất hiện trên đường phố với làn da tối màu hơn thường thấy.

Ansha Mohan, influencer ở Ấn Độ, phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ dân mạng khi cố ý trang điểm làn da xỉn màu và đóng vai người bán hàng rong trong một loạt video đăng tải trên Instagram.

Cụ thể, đoạn clip được chia sẻ ngày 19/10 có chú thích "Không ai trở nên nghèo khi cho đi", ghi lại khoảnh khắc Mohan đang chào bán hoa hồng trên phố thì bị một cặp vợ chồng gạt bỏ.

Ở một cảnh khác khi giỏ hoa bị rơi, cô được những người đi đường giúp đỡ, theo Insider.

Nhiều bình luận bên dưới chỉ trích nữ KOL có 325.000 follower đã lợi dụng chủ nghĩa phân biệt đối xử dựa trên màu da và hành động này là khiếm nhã và xúc phạm.

Một số người khác còn cáo buộc cô giả vờ nghèo khổ để câu view, kiếm lợi.

Bất chấp những bình luận tiêu cực, Mohan vẫn tiếp tục đăng những hình ảnh, video từ buổi quay lên Instagram kèm theo nội dung thể hiện người da đen cũng có sức quyến rũ riêng.

Trái ngược với phản ứng trên, không ít người hâm mộ đã bảo vệ hành động của cô là tốt, nhằm mục đích truyền bá nhận thức về những người bị bóc lột kinh tế và cho thấy rằng làn da ngăm đen cũng rất đẹp.

Trên Twitter, nhiều người dùng không đồng ý với ý kiến trên và đáp trả lại rằng việc mang lại lợi ích cho nhóm da màu hoặc nạn nhân của định kiến màu da nên đến từ những nỗ lực thiết thực hơn là đóng giả người bán hoa để kiếm sống.

co y lam da den anh 1

Nhiều người nổi tiếng cũng bị chỉ trích vì cố tình nhuộm đen da. Ảnh: Metro.

Mohan không phải là người nổi tiếng duy nhất từng vướng vào nghi vấn kỳ thị chủng tộc. Trước đó, Kylie Jenner, Kim Kardashian, Iggy Azalea, Rita Ora cũng bị chỉ trích tương tự.

Hành động này được gọi là blackfishing - cố ý chỉnh sửa những đặc điểm ngoại hình (nhuộm da, trang điểm, đổi màu tóc, phẫu thuật thẩm mỹ) để trông giống người da đen.

Với trường hợp của Kylie Jenner, cô gây phẫn nộ khi make up gương mặt tối hơn so với những vùng da khác trên cơ thể trong một bức ảnh thời trang đăng trên trang cá nhân.

Nhiều người cho rằng Kylie có nét giống với Beyoncé trong diện mạo này. Trong khi đó, số khác lại không thích việc cô làm da mình trông sậm hơn, bắt chước trào lưu "black face" châm biếm người da đen trong quá khứ.

Kim Kardashian, chị của Kylie, cũng từng phạm phải sai lầm y hệt em gái vào năm 2017.

"Bao giờ thì cả gia đình Kardashian mới hết hóa trang thành phụ nữ da đen? Bạn thấy việc làm này khiến bản thân cảm thấy vui hơn phải không?", tài khoản Iman Williams bày tỏ sự bức xúc.

Các chuyên gia cho biết những nghệ sĩ giải trí hoặc người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thường lợi dụng vẻ đẹp lai, không rõ chủng tộc để thể hiện sự sành điệu, độc đáo. Điều đó có thể giúp họ đạt được hiệu ứng truyền thông, kiếm tiền và thu lợi nhuận.

Leslie Bow, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học Wisconsin, mô tả blackfishing là “một lễ hội hóa trang hoạt động như hình thức tôn sùng chủng tộc”.

Tác hại của trào lưu thử lòng chung thủy

Việc nhờ người lạ thử lòng "nửa kia" không phải là cách lành mạnh để giải quyết nỗi lo về sự lừa dối. Thậm chí, điều này còn khiến mối quan hệ tan vỡ và đánh mất lòng tin của nhau.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm