Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

KOL bị chỉ trích vì so sánh phụ nữ ở cữ như 'một xác ướp'

Nữ KOL người Canada gốc Trung Quốc đã thực hiện các quy tắc ở cữ nghiêm ngặt một tháng: không khóc, không gội đầu, dùng nước gừng để tắm, không đi chân trần, không ăn đồ lạnh.

"Tôi thấy mình như một xác ướp vậy", Taylor Richard, người mẫu kiêm vlogger người Canada gốc Hong Kong (Trung Quốc), nói khi nhìn bụng của mình được bảo mẫu quấn chặt bằng một tấm vải dài trong thời gian ở cữ sau sinh.

Tấm vải này được gọi là bengkung, được mang từ Malaysia tới Hong Kong và thường quấn quanh bụng một người mẹ mới sinh để hỗ trợ quá trình phục hồi sức khỏe.

Taylor đã mang nó 6-8 tiếng mỗi ngày kể từ sau khi hạ sinh con trai đầu lòng. Đó là một trong những thủ tục kiêng cữ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc mà nhiều bà mẹ hiện đại ở Hong Kong như cô vẫn tuân thủ.

truyen thong o cu anh 1

Taylor quấn chặt bụng để phục hồi sau sinh.

"Tôi và chồng đều không có gia đình sống ở Hong Kong và đây là đứa con đầu lòng của chúng tôi", Taylor nói, giải thích thêm rằng gia đình cô đang sống tại Canada, và hạn chế chống Covid-19 nghiêm ngặt khiến việc đi lại quốc tế khó khăn.

Thay vào đó, Taylor được bảo mẫu là Carol Chan đến sống cùng trong một tháng đầu sau sinh và hướng dẫn cô cách kiêng cữ.

"Có một người phụ nữ giàu kinh nghiệm bên cạnh giúp tôi được hồi phục, cô ấy dạy tôi cách chăm chăm sóc em bé, thật sự tuyệt vời. Tôi cũng rất tò mò về các khía cạnh truyền thống và văn hóa, muốn tự mình tìm hiểu và trải nghiệm mọi thứ", Taylor nói.

Truyền thống gây tranh cãi

Về bản chất, việc ở cữ trong văn hóa Trung Quốc là để bổ sung dưỡng chất cho người mẹ sau khi sinh con. Được dịch từ tiếng Trung, "sitting the moon/month" là một tháng mà người mẹ mới sinh chỉ cần "ngồi yên", nghỉ ngơi và hồi phục.

"Sinh con làm giảm thể lực của phụ nữ, khiến họ rơi vào tình trạng thiếu máu và thiếu khí sau chuyển dạ. Nhưng họ có thể lấy lại sinh khí ban đầu nhờ thời gian ở cữ", Chan nói.

truyen thong o cu anh 2

Người mẹ trẻ thuê bảo mẫu chăm sóc mình suốt tháng ở cữ.

Ở cữ là quy trình nghiêm ngặt: không công việc, không làm việc nhà, không gội đầu, dùng nước gừng để tắm, không đi chân trần, không ăn đồ lạnh, không sử dụng điều hòa hoặc quạt (thực sự là cuộc đấu tranh khó chịu trong mùa hè ở Hong Kong) và không đi ra ngoài.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, mắt được kết nối với gan và sản xuất sữa mẹ, vì vậy có những quy tắc đặc biệt liên quan đến mắt: không khóc, không đọc sách và không xem điện thoại hay các thiết bị công nghệ.

Tuy nhiên, truyền thống ở cữ đã gây nên nhiều tranh cãi. Năm 2017, một người mẹ mới sinh ở tỉnh Sơn Đông đã chết vì sốc nhiệt và suy đa tạng vì thực hiện các quy tắc ở cữ - quấn mình trong chăn giữa những tháng hè nóng gay gắt.

Người phụ nữ sốt 40 độ C, được đưa vào viện trong tình trạng mặc áo dài tay, quần dài. Người ta phát hiện cô phải ở trong phòng kín giữa mùa hè và được yêu cầu nằm nghỉ dưới tấm chăn bông dày.

Câu chuyện làm dấy lên cuộc tranh luận về việc có nên giữ tục ở cữ nữa hay không.

Nới lỏng quy tắc

Thực tế, quy tắc ở cữ đã được nới lỏng nhiều để phù hợp với lối sống hiện đại.

"Ngày nay, chúng tôi hiếm khi tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt đó", Chan nói. "Làm như vậy là không thực tế. Ví dụ, thời tiết nóng đến 40 độ C, tắt máy lạnh đi là không hợp lý".

Taylor nói cô đã khóc khá nhiều sau khi sinh. Cô cũng thỉnh thoảng lén lút lướt điện thoại hoặc chỉnh sửa video trong phòng riêng, vì điều đó là không được phép. Tuy nhiên cô biết là Chan hiểu việc mình đang làm và mọi chuyện sẽ ổn.

Thức ăn đóng một vai trò quan trọng trong nhịp sống hàng ngày của người Trung Quốc. Các loại thảo mộc và vị thuốc được lựa chọn dựa trên đặc tính khác nhau của chúng, tất cả nhằm mục đích tăng nguồn sữa cho người mẹ, lưu thông máu, giảm đau hoặc giảm tích nước.

"Tôi thấy rất khó khăn khi uống các loại trà và súp. Phải uống quá nhiều nước sau khi ăn no", Taylor nói.

Sang faa tong là một trong những thức uống giảm cân phổ biến nhất, được làm từ hỗn hợp các loại rau củ bao gồm cả nhân sâm. Nhưng nó không dành cho tất cả đối tượng.

"Nó là thứ nước tồi tệ nhất mà tôi từng uống, rất đắng! Tôi đã uống hết rồi", Taylor bày tỏ.

Massage, học cách cho con bú và ngủ trưa theo lịch trình là những quy tắc khi ở cữ.

"Có quá nhiều việc phải làm. Tôi cho con ăn 2 giờ một lần, còn phải ăn nhiều loại đồ ăn, trà và súp, thực hiện nhiều phương pháp, dành thời gian gắn bó chất lượng với trẻ sơ sinh và học mọi thứ có thể về chuyện làm mẹ. Tôi như bị giam lỏng trong nhà của mình nhưng không buồn chán chút nào, vì Carol giữ cho tôi kín lịch trình".

Dù vậy, khi chia sẻ quá trình ở cữ với người theo dõi trên mạng, Carol vẫn nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

"Không khóc dường như là điều không thể", một người xem bình luận. Nhiều người khác nói rằng ở cữ là quá trình đau đớn và không phải phương pháp tốt.

Song Taylor cho rằng với nhiều bà mẹ, ở cữ là một hệ thống hỗ trợ trong khi cơ thể phục hồi sau quá trình mang thai.

"Tôi nghĩ chắc chắn cần có nhiều sự hỗ trợ hơn cho các bà mẹ mới sinh ở phương Tây. Ở Canada, các bà mẹ mới sinh thường được đưa về nhà ngay. Người Trung Quốc đã dành rất nhiều nỗ lực và nguồn lực và nguồn lực cho thời kỳ hậu sản, và đây là điều nên làm".

Cầu vượt cung

Ở Hong Kong, các gia đình thường thuê một người làm bảo mẫu để người mẹ được nghỉ ngơi, thuê theo giờ hoặc mướn người chăm sóc 24/7.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, nhu cầu tăng cao vượt quá số bảo mẫu có sẵn đã đẩy giá lên.

"Nhiều bà mẹ không muốn bị nhiễm virus nên họ chọn thuê bảo mẫu 24 giờ, thay vì thuê bảo mẫu 8 tiếng", Chan nói.

truyen thong o cu anh 5

Giá dịch vụ bảo mẫu trong tháng ở cữ ngày càng cao song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Thuê một nhân viên ít kinh nghiệm hơn, người sẽ làm việc 8 giờ/ngày có chi phí trung bình 18.000-20.000 đôla Hong Kong (2.300-2.500 USD) một tháng. Chi phí chăm sóc 24 giờ cao gấp đôi. Một bảo mẫu có kinh nghiệm có thể tính phí lên đến 80.000 đôla Hong Kong/tháng cho dịch vụ chăm sóc suốt ngày đêm.

Nhiều phụ nữ thậm chí đặt lịch với bảo mẫu ngay khi biết mình có thai. Karen Lai là một trong những người mẹ như vậy. Cô sinh con đầu lòng vào tháng 7 bằng phương pháp sinh mổ, và quyết định dành 2 tháng ở cữ, nghỉ ngơi nhiều hơn trong tháng đầu tiên và tập trung vào chế độ ăn uống truyền thống trong tháng thứ hai.

"Mọi người đều ở cữ, đó là truyền thống của người Trung Quốc. Điểm khác biệt duy nhất là họ có thuê bảo mẫu hay không. Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ về việc không làm điều đó. Ngay khi biết mình sinh con, tôi đã đi tìm bảo mẫu", cô nói.

Đổ hàng trăm chai nước xuống sông giữa nắng nóng kỷ lục tại Trung Quốc

Video quay lại cảnh nhóm người xả nước khoáng xuống sông cầu may khi nắng nóng vẫn kéo dài tại Quảng Đông (Trung Quốc) khiến nhiều dân mạng bức xúc.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm