Không khó nhận ra một xu hướng gần đây ở Kpop là các ca sĩ độc lập ngày càng ít trong khi nhóm nhạc đông người xuất hiện ồ ạt với số lượng khó kiểm soát.
Chênh lệch số lượng giữa ca sĩ solo và nhóm nhạc
Mỗi năm Kpop đón nhận hàng chục nhóm nhạc mới ra mắt. Không có con số thống kê cụ thể nhưng theo ước tính trong vòng 10 năm trở lại đây có khoảng hơn 300 nhóm nhạc ra mắt.
Tuy nhiên, các ca sĩ solo trong mấy năm trở lại đây lại không có bao nhiêu. Một số ca sĩ ra mắt trong vòng 10 năm qua chỉ đếm được trên đầu ngón tay như IU, Ailee, ZionT, Jung Joon Young, Roy Kim…
SM Entertainment – công ty giải trí lớn bậc nhất Hàn Quốc trong vòng 11 năm qua chưa cho ra mắt một nghệ sĩ solo nào kể từ sau Zhang Li Yin vào năm 2006. Trong lịch sử 20 năm thành lập của mình, SM chỉ cho ra mắt 2 ca sĩ solo là BoA và Zhang Li Yin. Các ca sĩ khác đều là thành viên các nhóm nhạc tách ra solo.
BoA là nữ nghệ sĩ solo đầu tiên của SM. Tuy nhiên hiện nay cô hầu như đã rút lui khỏi các hoạt động âm nhạc. |
JYP và YG có số lượng nghệ sĩ độc lập cao hơn SM nhưng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Park Ji Yoon, Gummy, Seven, Lim Jung Hee, G.Soul…
Ngày nay các công ty quản lý có xu hướng để các giọng ca chính của nhóm nhạc thần tượng phát hành album thay vì cho ra mắt một ca sĩ solo từ đầu. Đây là cách làm an toàn bởi các thành viên này đã có sự hậu thuẫn sẵn có khi hoạt động trong nhóm nhạc.
Trong số hàng chục nghệ sĩ ra mắt trong năm 2017, chỉ có 3 ca sĩ solo mới là Chungha, Kim Samuel và Jung Se Woon. Họ có thể “đơn thương độc mã” ra trận là nhờ nền tảng danh tiếng cùng lượng người hâm mộ có được từ show truyền hình “sản xuất ngôi sao” Produce 101.
Thất thế trước sự bành trướng của đế chế thần tượng
Từng có thời gian ca sĩ solo chiếm ưu thế tại làng nhạc Hàn. Tuy nhiên lớp ca sĩ này đã lớn tuổi và giảm tần suất ra sản phẩm cũng như xuất hiện trước công chúng. Đối tượng fan hâm mộ của những ca sĩ này già hóa đi theo lứa tuổi thần tượng của mình và không phù hợp với sự xoay chuyển các xu hướng trong làng giải trí.
Những tên tuổi như Lim Chang Jung, Park Jin Young, Park Ji Yoon, Lim Jung Hee… hiện nay hiếm khi phát hành nhạc. Và mỗi lần họ ra mắt sản phẩm đều không đạt hiệu ứng mong muốn.
Trong khi đó những tên tuổi trẻ hơn như IU, Ailee, ZionT… không nhiều người thu được thành quả và đạt được độ phủ sóng công chúng cao. IU là ca sĩ solo hiếm hoi đạt được thành tích tốt và luôn duy trì vị trí ca sĩ hàng đầu trong suốt 9 năm qua.
IU là ca sĩ solo hiếm hoi vẫn duy trì hoạt động thường xuyên sau 9 năm ra mắt. |
Một giám đốc công ty giải trí nhỏ đã từng phát biểu: “Nhóm nhạc thần tượng là điều bắt buộc nếu muốn đi tiếp được trong ngành giải trí". Quá trình phát triển của làn sóng Kpop trong 10 năm qua đã cho thấy nhận định này hoàn toàn đúng.
Trong vòng 10 năm, các ca sĩ đơn lần lượt giải nghệ hoặc tạm ngừng hoạt động. Các công ty giải trí đều lần lượt cho ra mắt các nhóm nhạc thần tượng với số lượng thành viên dao động từ 4-13 người.
Lợi điểm đầu tiên của nhóm nhạc so với ca sĩ solo đó là thu hút công chúng. Một nhóm nhạc đông người có thể thu hút được nhiều đối tượng khán giả khác nhau, các thành viên sẽ chia nhau đảm nhiệm các hình tượng khác nhau phù hợp với sở thích đa dạng của công chúng.
Quy mô fandom cũng quyết định khả năng tiêu thu đĩa nhạc của nghệ sĩ. Bản chất của fandom các nhóm nhạc là sự tập hợp fandom riêng lẻ của các thành viên. Số lượng thành viên trong nhóm càng đông, fandom càng có khả năng phát triển lớn mạng.
Vì lý do trên, số lượng thành viên trong các nhóm cũng giúp tăng doanh số bán đĩa. Đây là nguồn thu quan trọng và đóng vai trò quyết định đến vị thế của các ca sĩ thần tượng trong làng nhạc.
Trên thực tế, vì thua thiệt về số lượng người hâm mộ nên không có nghệ sĩ solo nào đạt được doanh số đĩa cân bằng với các nhóm nhạc. Một số nghệ sĩ đơn có thành tích nhạc số tốt như IU, ZionT thường chỉ tập trung phát hành sản phẩm ở mảng này thay vì bán đĩa cứng.
EXO là minh chứng cho sự thành công và ưu điểm của một nhóm nhạc đông người so với ca sĩ đơn. |
Xu hướng những năm gần đây là việc các giọng ca của nhóm nhạc thần tượng cho ra mắt album cá nhân trong thời gian không hoạt động cùng nhóm. Cách làm này được nhiều công ty áp dụng vì với nổi tiếng có sẵn của nhóm nhạc, công chúng sẽ lập tức chú ý khi có một thành viên công bố phát hành album riêng.
Trong khi đó một ca sĩ mới sẽ vấp phải nhiều vấn đề khó khăn trong giai đoạn chưa nổi tiếng, nhất là việc làm thế nào để công chúng chú ý mình.
Có một thực tế tại Hàn Quốc là số lượng các bạn trẻ đang thực tập để ra mắt dưới tư cách thần tượng đang ở mức đáng báo động. Với số lượng thực tập sinh quá lớn như vậy, cho ra mắt nhóm nhạc nhiều thành viên là giải pháp tối ưu.
Tuy nhiên các nhóm nhạc thường có thời gian hoạt động trên dưới 10 năm do các hạn chế về hợp đồng và hình ảnh. Vì vậy ca sĩ solo thường có "tuổi đời" lâu dài hơn mô hình nhóm nhạc, điều này về lâu dài là một ưu điểm của các nghệ sĩ này.
Việc ca sĩ solo trở nên yếu thế trước sự bùng nổ các nhóm nhạc là hệ quả tất yếu của văn hóa fandom và hình thức kinh doanh âm nhạc tại Hàn Quốc. Nhiều ca sĩ vẫn đang chật vật tìm cách ghi dấu ấn tại thị trường giải trí mà nhóm nhạc luôn chiếm thế thượng phong.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng làn sóng nhóm nhạc thần tượng Kpop có xu hướng đi xuống. Liệu có cơ hội nào để các ca sĩ solo trở lại làm chủ thị trường âm nhạc như những năm 1990 hay không, đây vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.