Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kpop đang bị hủy hoại

Giới chuyên gia nhận định âm nhạc Hàn Quốc đang vướng vào nhiều rắc rối đạo nhạc và mất đi màu sắc riêng. Nghệ sĩ Kpop tự hủy hoại để chạy theo Billboard.

BTS đã chính thức đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 tuần thứ 7 liên tiếp với đĩa đơn Butter. Theo MRC Data, với 29,1 triệu lượt phát trên sóng radio, 10,8 triệu lượt phát trực tuyến tại Mỹ và 108.800 bản được bán ra trong tuần đầu tiên của tháng 7, Butter tiếp tục giữ vị trí quán quân. Hiện tại, Butter có tổng cộng một triệu bản bán ra tại Mỹ, trở thành bài hát đầu tiên làm được điều này trong năm nay.

Kpop mat chat anh 1

Trong khi thành công của BTS khiến người hâm mộ tự hào, một số chuyên gia âm nhạc trong nước cho rằng nhóm nhạc 7 thành viên nói riêng và Kpop nói chung đang mất đi màu sắc riêng trước sự hấp dẫn của Billboard.

Từ sự “mất chất” của BTS

BTS đang là cái tên uy tín ở không chỉ thị trường nội địa mà cả quốc tế, đặc biệt tại Mỹ. Mỗi lần nhóm ra mắt bài hát mới đều nhanh chóng vươn lên vị trí số một của Melon (bảng xếp hạng có thị phần lớn nhất Hàn Quốc) và Billboard Hot 100.

Trước khi đứng đầu Billboard Hot 100 tuần thứ 7 liên tiếp, BTS đã phá vỡ nhiều kỷ lục của bảng xếp hạng Mỹ. Họ không chỉ phá kỷ lục cá nhân khi Butter là bài hát giữ vị trí số 1 lâu nhất, BTS còn là nghệ sĩ châu Á đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng nổi tiếng này.

Ngày 9/7, nhóm nhạc toàn cầu phát hành ca khúc tiếng Anh mới mang tên Permission to Dance. bài hát nhanh chóng nổi tiếng với lượt nghe, xem lớn.

Trên trang cá nhân, nhà phê bình âm nhạc Jung Min Jae nhận định bài hát có giai điệu tươi sáng, ca từ quen thuộc với công chúng nói tiếng Anh và Mỹ.

Tuy nhiên, Jung Min Jae đánh giá BTS đang an toàn khi áp dụng một công thức cho 3 bài hát gần nhất là Permission to Dance, Butter Dynamite.

Permission to Dance tương tự như các bài hát trước. Thật mệt mỏi khi nghe 3 bài hát được sáng tác theo cùng một 'công thức thành công' trong một năm. Nhưng bài này là hay nhất trong 3 bài. Nó dễ nghe hơn và giai điệu khá quyến rũ", Jung Min Jae bày tỏ.

Kpop mat chat anh 2

BTS gây tranh luận với bài hát mới.

Nhà phê bình tiếp tục: “Tôi mong đợi đây là ca khúc đặc biệt. Tôi muốn nhìn thấy sự khác biệt so với ca khúc trước, tôi muốn thấy lại sự mạnh mẽ và táo bạo họ đã thể hiện. Họ đã thành công trên bảng xếp hạng Billboard rồi".

Người hâm mộ chỉ trích quan điểm của nhà phê bình âm nhạc nhưng cũng có khán giả đồng tình với ông, rằng BTS bắt đầu an toàn và “mất chất” kể từ khi họ thành công trên bảng xếp hạng Billboard.

“Tôi hiểu những gì nhà phê bình âm nhạc đang nói. Tôi cảm thấy âm nhạc của họ đã thay đổi", "Các bài tiếng Anh rất hay nhưng tiếc là sau khi được công chúng chú ý với DNA, họ đã đánh mất màu sắc riêng", khán giả đồng tình với chuyên gia âm nhạc.

Kpop chạy theo Billboard

Ngày 13/7, tờ Dailian có bài viết với tiêu đề “Sáng tác dành cho Billboard. Thực trạng ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đang hô vang 'Kpop toàn cầu'”. Cụ thể, bài viết chỉ ra sau thành công của BTS, âm nhạc Hàn Quốc đang chạy theo phong cách Âu Mỹ để “chiều” khán giả quốc tế và leo lên bảng xếp hạng Billboard.

Theo Dailian, Kpop đã bắt đầu tập hợp người hâm mộ toàn cầu như một ngành công nghiệp độc lập. Tâm điểm là hoạt động của nhóm nhạc BTS. Sự toàn cầu hóa của thị trường Kpop hẳn là một cú sốc gây bất ngờ đối với Mỹ, trung tâm của thị trường âm nhạc thế giới.

Tiếp nối BTS, nhiều nhóm nhạc thần tượng như BlackPink, Seventeen, TWICE, TXT lọt vào bảng xếp hạng Billboard. Đồng thời Billboard bước sang một giai đoạn mới. Các công ty quản lý thần tượng cũng phát hành bài hát nhắm đến thị trường toàn cầu ngay từ đầu. Lúc này, người nghe trong nước không còn coi âm nhạc thần tượng chỉ là một nền văn hóa được thúc đẩy bởi một fandom (các cộng đồng fan).

Kpop mat chat anh 3

Taeyeon bị tố sao chép Doja Cat.

Tuy nhiên, Dailian khẳng định chính việc toàn cầu hóa Kpop, đặc biệt là hướng tới Billboard đã dẫn tới một số mặt trái. Tranh cãi gần đây về vấn đề đạo nhạc hay sử dụng tài liệu tham khảo trong một số ca sĩ thần tượng đã cho thấy hạn chế trong việc sản xuất nội dung của Kpop.

Cuộc tranh luận nổ ra trên mạng về bài hát mới của Taeyeon mang tên Weekend, được phát hành vào ngày 6/7. Công chúng chỉ ra bài hát rất giống các ca khúc của Doja Cat, như thể nó là sự kết hợp giữa Kiss Me MoreSay So. Không chỉ cách hát của Taeyeon mà cả phong cách âm nhạc, đặc biệt hình ảnh nghệ thuật trong MV cũng giống ca sĩ, rapper người Mỹ.

“Tất cả mọi thứ ở Weekend, từ giai điệu guitar mượt mà, đến nhịp disco và giọng hát đều giống Say SoKiss Me More của Doja Cat. Thiết kế phông chữ của Weekend và tông màu hồng cũng vậy. Khi Taeyeon chuyển từ phần điệp khúc đầu tiên sang phần rap, hình mẫu của cô ấy càng hiện ra rõ ràng. Đối với tôi, có vẻ bài hát cố gắng đề cập đến Doja Cat theo nhiều cách khác nhau, vì vậy tôi không hài lòng", nhà phê bình âm nhạc Jung Min Jae nói.

Một chuyên gia âm nhạc bình luận thêm vấn đề này: "Rất khó để nói bài hát này đạo nhạc hay không. Tất nhiên, bạn có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ bài hát nào, chẳng hạn phong cách âm nhạc, cách hát và hình ảnh nghệ thuật. Nhưng lần này, có quá nhiều điểm tương đồng”.

Người này cũng chỉ ra một số tranh cãi khác giữa việc đạo nhạc và bị ảnh hưởng phong cách trong ngành công nghiệp âm nhạc nước nhà. Trước đó, với nhóm nhạc nữ StayC, nhiều nghi vấn cho rằng một số cảnh trong MV So Bad giống Midnight Sky của ca sĩ nhạc pop người Mỹ Miley Cyrus.

Nhóm nhạc aespa, cùng công ty quản lý với Taeyeon, cũng nhận nhiều lời chỉ trích vì MV đầu tay Black Mamba có cảnh quay giống với tác phẩm của nghệ sĩ người Đức Timo Helgert.

Kpop mat chat anh 4

Công chúng so sánh MV của StayC với Miley Cyrus.

Tờ Dailian chỉ ra tham chiếu có thể được hiểu theo nghĩa đen là tài liệu tham khảo. Khi áp dụng cho âm nhạc, nó được sử dụng trong phạm vi “bài hát được tham khảo để sáng tác”. Trên thực tế, nhiều nhà soạn nhạc xem tham chiếu như một kỹ thuật phối khí. Nếu sử dụng đúng cách, nó được công nhận là sáng tạo mới, nhưng nếu quá mức, không khỏi tranh cãi về việc đạo nhạc.

Ví dụ, Park Jin Young đã sáng tác Honey dựa trên Billy Jean của Michael Jackson như một tài liệu tham khảo và không ai coi đây là đạo nhạc. Tuy nhiên, Getcha của Lee Hyori vì quá giống với Two Things của Britney Spears nên bị buộc tội đạo nhạc.

Các chuyên gia âm nhạc cho rằng những tranh luận trên đã cho thấy thực trạng của thị trường Kpop hiện tại.

Nhà soạn nhạc nổi tiếng A nói với Dailian: “Sự khác biệt giữa đạo nhạc và sử dụng tài liệu tham khảo là liệu nó có quá mức hay không”.

Anh nhấn mạnh: “Nhiều ca sĩ Kpop vẫn bị ảnh hưởng bởi Billboard. Nó chứng minh nhiều nhạc sĩ, nhà sản xuất không thể sản xuất nội dung của riêng mình và tránh các tranh chấp phát sinh khi tham chiếu âm nhạc nước ngoài”.

Một nhạc sĩ khác cho biết: “Gần đây tôi nhận được yêu cầu sáng tác từ một công ty quản lý thần tượng. Họ yêu cầu tôi chọn một bài hát trên Billboard và sáng tác giống ca khúc đó. Tất nhiên, tôi từ chối, nhưng thật buồn khi nhận được những yêu cầu như vậy”.

Anh chỉ ra: "Trong tình hình Kpop đang hướng đến toàn cầu hóa và nhận thức về âm nhạc Hàn Quốc đang thay đổi ở nước ngoài, bản thân yêu cầu này là hành động hủy hoại Kpop".

Cỗ máy nhảy Momo của Kpop

Momo đảm nhận vai trò nhảy chính của TWICE. Nữ ca sĩ kiếm được khoảng 70.000 đến 115.000 USD mỗi tháng.

Minh Hạo

Bạn có thể quan tâm