Nghệ sĩ Kpop đang mở rộng vai trò, từ người cung cấp nội dung giải trí đến xã hội, đặc biệt sau khi BTS được đề cử giải Grammy vào tháng 11/2020. Các chủ đề thảo luận của giới thần tượng đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng, phân biệt chủng tộc và quyền động vật...
Lee Gyu Tag - trợ lý giáo sư nhân chủng học văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc - nhận định một thời gian dài, nghệ sĩ Kpop bị ép sống theo khuôn phép, luôn an toàn và không được bày tỏ quan điểm cá nhân. Nhưng gần đây, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi. Ca sĩ, nhạc sĩ quan tâm đến các vấn đề xã hội và thẳng thắn bày tỏ ý kiến riêng.
Thần tượng Kpop thể hiện tiếng nói mạnh mẽ trước những vấn đề nhạy cảm
Những vấn đề xã hội từng được xem là nhạy cảm mà giới thần tượng ít khi can thiệp hay lên tiếng. Tuy nhiên, sự hiện diện của nghệ sĩ Kpop trong các vấn đề liên quan đến xã hội trở nên rõ ràng hơn vào mùa hè năm 2020. Khi đó, BTS đăng "Chúng tôi chống lại sự phân biệt chủng tộc" trên tài khoản Twitter chính thức với hashtag #BlackLivesMatter và quyên góp 1,2 tỷ won (1 triệu USD) cho tổ chức Black Lives Matter Global Network Foundation, Inc.
Các thành viên BTS thường lên tiếng về các vấn đề xã hội. |
Mỗi thành viên của nhóm gắn liền với các hình thức hoạt động khác nhau. Trong tập phát sóng ngày 12/1 của Run BTS, J-Hope đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giãn cách xã hội giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát. Nam rapper đề nghị từng thành viên tự quay phim riêng lẻ thay vì tập hợp thành một nhóm.
Đoạn clip sau đó được Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ trên Twitter. Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố J-Hope đã có "ý tưởng tuyệt vời" để thúc đẩy các hoạt động cá nhân.
Cộng đồng fan của BTS cũng có nhiều hoạt động cộng đồng đáng chú ý. Fan của RM tạo ra một khu rừng ở công viên sông Hàn vào năm 2019 và đặt theo tên của thần tượng. Những người hâm mộ V ở Mỹ quyên góp cho hơn 90 tổ chức từ thiện và các hoạt động hỗ trợ trẻ em kém may mắn, bảo vệ động vật biển hay phòng chống tự tử nhân dịp sinh nhật gần đây của nam ca sĩ.
BTS không phải nhóm nhạc Kpop duy nhất có các thành viên và người hâm mộ công khai ủng hộ các hoạt động vì cộng đồng.
BlackPink kêu gọi người hâm mộ bảo vệ môi trường. |
Cuối 2020, BlackPink đăng một video trên kênh chính thức kêu gọi mọi người hành động vì khí hậu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Anh. Video có hơn 2 triệu lượt xem tính đến ngày 18/1.
Nhóm nhạc 6 thành viên Monsta X được bổ nhiệm làm đại sứ danh dự cho Hội nghị quốc tế chống tham nhũng lần thứ 19.
Sự bùng nổ của Kpop trên mọi phương diện
Lee Gyu Tag nói rằng các nghệ sĩ Kpop hiện giờ hầu hết thuộc thế hệ Z (bao gồm những người sinh từ năm 1997-2012). Họ cá tính, dám nói lên quan điểm và sống có ích hơn với cộng đồng.
"Đây không phải là lần đầu tiên các thần tượng phát biểu về các vấn đề xã hội. Thần tượng thế hệ đầu tiên HOT chỉ trích nạn bắt nạt học đường vào những năm 1990 trong các bài hát của họ và những hoạt động tương tự. Nhưng góc độ chỉ trích xã hội gần như không có trong ngành âm nhạc cho đến khi các thần tượng bắt đầu nhận thức rõ ràng và mạnh mẽ bày tỏ ý kiến hơn. Hiện tại, tiếng nói của họ trải dài trên nhiều lĩnh vực bao gồm biến đổi khí hậu, các vấn đề thiểu số xã hội và phân biệt chủng tộc", Lee Gyu Tag nhận định.
“Mặc dù sức hút thương mại và nhu cầu bắt kịp người hâm mộ quốc tế có thể là một phần lý do để giới thần tượng ngày càng quan tâm đến những vấn đề xã hội. Thế nhưng họ cũng là thế hệ đang ở độ tuổi thanh thiếu niên, là một phần của giới trẻ. Vì vậy, họ cũng có khả năng quan tâm đến những vấn đề toàn cầu”, ông nói thêm.
Ca khúc của TWICE trong đợt bầu cử tổng thống Mỹ. |
“Ngay cả khi các ngôi sao không công khai lập trường của họ về một vấn đề xã hội, Kpop dường như đã được sử dụng như một công cụ văn hóa phổ biến cho các hoạt động. Đặc điểm cố hữu của Kpop là âm nhạc không phải bằng tiếng Anh, do đó tính không chính thống đóng một vai trò rất lớn ở đây”.
“Đối với khán giả thế hệ trẻ và thế hệ Z, ngay cả khi các bài hát không đề cập rõ ràng đến các vấn đề xã hội trong lời bài hát, Kpop cũng được coi như một dạng tiểu văn hóa và thậm chí là phản văn hóa. Kpop có thể được sử dụng như một công cụ để chỉ trích văn hóa chính thống và phong tục được thế hệ cũ đề cao”, Lee nói.
Theo ông, việc Kpop bùng nổ trên mạng xã hội và sự yêu thích cuồng nhiệt của khán giả chính là lý do giúp giới thần tượng trở thành nhân vật đại diện cho lợi ích xã hội của người hâm mộ.
"Thay vì đứng về phía cực đoan, chẳng hạn nghệ sĩ Kpop bị cấm phát biểu về các vấn đề xã hội, tôi nghĩ tốt hơn nên tạo ra một môi trường tự do, khuyến khích các nghệ sĩ bày tỏ suy nghĩ của họ về các vấn đề mà họ quan tâm", Lee nhận định.
Giới thần tượng dần được tự do khi thể hiện tiếng nói của mình. |
"Tôi nghĩ cả thần tượng và người hâm mộ đã thực hiện một số dự án thực sự tốt, đặc biệt là vì họ có sự hiện diện trên cộng đồng trực tuyến rất mạnh mẽ, dễ dàng tiếp cận với nhiều người", Juliana White, một sinh viên tốt nghiệp ở Florida và là người hâm mộ BTS kể từ khi nhóm ra mắt, nói với The Korea Times.
Kang Woo Sung, tác giả của cuốn Từ điển Kpop và Từ điển văn hóa Hàn Quốc đưa ra quan điểm tương tự.
"Trước đây, nội dung văn hóa đại chúng được tạo ra bởi các công ty giải trí và người hâm mộ sử dụng một cách thụ động. Nhưng sau đó nó đã trở thành một quá trình đa phương, nơi người hâm mộ có thể tương tác với công ty và nghệ sĩ thông qua các kênh truyền thông mới, cung cấp đầu vào và phản hồi trong giai đoạn sản xuất. Do đó, vai trò của người hâm mộ đã phát triển từ tiêu dùng thụ động sang chủ động tham gia", Kang nói.