Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kpop đánh mất sức hút

Chuyên gia nhận định sự đa dạng hóa, cá nhân hóa trong nội dung giải trí và thị hiếu công chúng là điều gây nên tranh cãi về sức hút của Kpop với khán giả ngày nay.

Trong những năm gần đây, thần tượng Kpop liên tục đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế. Họ bán ra hàng triệu bản album. MV họ phát hành thu hút tới hàng tỷ lượt xem trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo Korea JoongAng Daily, nhiều khán giả Hàn Quốc thú nhận rằng họ chưa thực sự nghe nhạc, hay thậm chí không biết mặt, biết tên của những ngôi sao Kpop đang "làm mưa làm gió" này.

Tại sao lại có chênh lệch lớn giữa độ nhận diện ngoài đời thực của ngôi sao với công chúng và thành tích ghi nhận trên bảng xếp hạng?

Chia sẻ với Korea JoongAng Daily, nhà phê bình nhạc pop Jung Min Jae giải thích rằng đó là vì "các tiêu chuẩn lỗi thời không thể lên tiếng thay cho khán giả", đặc biệt khi xã hội ngày càng phân hóa và cá nhân hóa.

suc hut cua kpop voi khan gia han anh 1

Công chúng Hàn Quốc thừa nhận họ chưa từng nghe nhạc của nhiều thần tượng Kpop đang "càn quét" bảng xếp hạng.

"BTS không được yêu thích rộng rãi tới vậy"?

Jung nhận xét: "Hiện nay, cụm từ 'được công chúng yêu thích' hầu như không còn ý nghĩa gì. Điều này từng mang ý nghĩa lớn trong thời đại truyền thông đại chúng, khi hầu hết ngôi sao nhạc pop xuất hiện trên cùng show truyền hình và mọi người đều xem chương trình giống nhau".

Tuy nhiên, trong thời đại bây giờ, văn hóa đại chúng và thị hiếu công chúng ngày càng có sự phân hóa rõ rệt.

Nhóm nhạc nam BTS cũng không phải ngoại lệ.

Jung giải thích rằng đối với công chúng Hàn Quốc, BTS "không được yêu thích rộng rãi tới vậy". Mọi người biết họ là ai qua truyền thông báo chí, điển hình như tin tức thông báo họ đứng đầu bảng xếp hạng Billboard. Dù vậy, không ít người Hàn Quốc mới nghe nói đến Butter chứ chưa thực sự lắng nghe ca khúc.

"Ở khía cạnh nào đó, BTS cũng không khác biệt mấy so với nhóm nhạc nam khác", Jung nhận xét.

Trả lời phỏng vấn Korea JoongAng Daily, nhà phê bình Jung cho biết doanh số bán album, lượt xem MV, nghe nhạc trực tuyến không hoàn toàn phản ánh việc bài hát của thần tượng Kpop có phổ biến, được công chúng lắng nghe rộng rãi không.

"Có bao nhiêu người mua CD để thực sự nghe nhạc? Nếu xem xét khía cạnh này, sẽ không hợp lý lắm khi nhóm nhạc nam bán được hai, ba triệu đĩa. Phần lớn doanh thu đến từ việc người hâm mộ mua album với số lượng lớn", Jung nói.

Tuy nhiên, không thể khẳng định rằng những con số trên bảng xếp hạng không phản ánh đúng thực tế. Đây thực chất là chủ đề ngày càng "mờ mịt và khó giải đáp".

Jung giải thích: "Thực tế mọi người nói đến ở đây là gì? Giả sử một ca sĩ có 10 người hâm mộ, mỗi người hâm mộ mua 100 album. Điều này không có nghĩa đã có 1.000 người mua album, nhưng chẳng phải 10 người hâm mộ trung thành kia vẫn là một phần của công chúng sao? Việc ca sĩ có cộng đồng fan vững chắc vẫn mang ý nghĩa lớn, và đó là thực tế quan trọng trong Kpop ngày nay".

Thay vì thành tích trên bảng xếp hạng, công cụ hữu ích, chính xác hơn để đánh giá độ phổ biến của ngôi sao Kpop với công chúng là "mức độ thảo luận".

Ngày nay, một bài hát được coi như hit nếu khán giả bàn tán rộng rãi về nó. Ví dụ nổi bật trong thời gian gần đây là bài hát Next Level của nhóm nhạc nữ aespa.

Mới đầu, Next Level thu hút sự chú ý từ công chúng với loạt ý kiến trái chiều như "bạn đã thấy lời bài hát và cấu trúc kỳ lạ của ca khúc này chưa?". Về sau, ca khúc trở thành meme nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ giai điệu "gây nghiện", vũ đạo, phong cách độc đáo. Video, hình ảnh nói về ca khúc nhận hàng triệu lượt tương tác.

Next Level phổ biến tới mức vào tháng 3, trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, vũ đạo bài hát được sử dụng làm hình ảnh minh họa lúc đài truyền hình phát sóng khung cảnh kiểm phiếu.

Thị hiếu khán giả ngày càng đa dạng, cá nhân hóa

Jung cho biết không ít khán giả Hàn Quốc than thở rằng Kpop đã đánh mất "sức hút đối với công chúng".

Họ gọi văn hóa ủng hộ thần tượng, sự cạnh tranh gay gắt trong thành tích, doanh số tại ngành công nghiệp là "giải đấu riêng của Kpop". Họ cho rằng nhiều ca khúc chỉ đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng vì người hâm mộ nghe đi nghe lại bài hát để "lấy thành tích", chứ không phải vì công chúng thực sự yêu thích ca khúc.

Nhưng theo Jung, trong thời đại sở thích và thị hiếu ngày càng đa dạng, bản thân cụm từ "được công chúng yêu thích" cũng cần cập nhật để phù hợp với bối cảnh hiện tại.

"Được công chúng yêu thích" từng mang ý nghĩa rất lớn trong thời đại truyền thông đại chúng, khi hầu hết ngôi sao đều xuất hiện trên cùng một hoặc một vài show truyền hình, và đó là những show người dân cả nước theo dõi.

Tuy nhiên, về sau, nội dung giải trí ngày càng trở nên đa dạng, cá nhân hóa nhằm phục vụ thị hiếu khán giả. Nhóm nhạc thần tượng giờ có nền tảng riêng để sản xuất và phân phối show giải trí về họ. Hầu hết khán giả không thể theo kịp tất cả nội dung, thông tin đăng tải trên mạng xã hội. Công chúng có những sở thích rất khác biệt.

Jung phân tích: "Trước khi Kpop, như chúng ta biết ngày nay, nổi lên vào những năm 1990, thế hệ trẻ và cha mẹ thường nghe nhạc của cùng một ca sĩ. Hiện tại, tôi nghe nói nhóm nhạc nam NCT rất nổi tiếng trong giới thanh thiếu niên, nhưng hầu hết khán giả ở độ tuổi 20 trở lên không biết thành viên hoặc bài hát nào của NCT. Điều này có nghĩa thực ra nhóm không được yêu thích? Không. Nó cho thấy rằng nội dung giải trí ngày nay đã được cá nhân hóa".

Tại Kpop, sự khác biệt trong thị hiếu công chúng và "sức mạnh của người hâm mộ" đối với nhóm nam là điều rất dễ nhận thấy. Khán giả Hàn Quốc chỉ ra rằng có nhiều nhóm nhạc nam bán ra hàng trăm nghìn, hàng triệu bản album, tuy nhiên, công chúng trong nước không thực sự biết đến và lắng nghe bài hát họ phát hành.

Trong mắt khán giả, ca khúc đến từ nhóm nữ có xu hướng "cuốn hút và dễ nghe" hơn so với nhóm nam. Ngược lại, sản phẩm âm nhạc của thần tượng nam hay bị chỉ trích là "khó nghe, khó hiểu".

Tuy nhiên, cho đến đầu những năm 2010, nhóm nhạc nam như SHINee, Big Bang hay Infinite vẫn thường xuyên tạo ra bản hit được nhiều người biết đến.

Nhà phê bình Jung cho rằng mọi thứ bắt đầu thay đổi từ giữa những năm 2010. Khi ấy, phong cách âm nhạc của nhóm nam, điển hình như EXO và BTS, dần trở nên táo bạo hơn. Kết quả, không ít bài hát họ cho ra mắt bị đánh giá là "quá phức tạp, quá kén" để thu hút công chúng rộng rãi.

Thần tượng nam bắt đầu theo đuổi những concept mới mẻ, độc lạ. Họ đầu tư vào màn trình diễn đem đến cảm giác choáng ngợp về mặt thị giác, điển hình như kalgunmu (vũ đạo đồng đều, phức tạp).

Để Kpop không trở nên quá tách biệt, xa rời với công chúng, người hâm mộ cần tránh thúc đẩy "sự cạnh tranh quá gay gắt" như so sánh, "kèn cựa" thành tích trên bảng xếp hạng của nghệ sĩ.

Ví dụ, người hâm mộ thường mua album số lượng lớn để ủng hộ ca sĩ họ yêu thích. Doanh số bán hàng trong tuần đầu tiên sau khi album ra mắt - còn gọi là "doanh số album tuần đầu" hay "chodong", thuật ngữ xuất phát từ giới thần tượng Nhật Bản - hay được coi như thang đo đánh giá độ nổi tiếng của nghệ sĩ và lòng trung thành của fan.

Do vậy, fandom (cộng đồng người hâm mộ nghệ sĩ) có khuynh hướng cạnh tranh gay gắt để lập kỷ lục mới về doanh số album cho thần tượng. Sự "ám ảnh" với con số này khiến người hâm mộ tập trung nhiều hơn vào khía cạnh thương mại của album, thay vì chất lượng âm nhạc thực sự.

Dù vậy, theo nhà phê bình Jung, hiện tại, tình trạng này đã "đi xa đến mức không thể quay đầu", trừ khi có sự thay đổi rộng rãi, mang tính hệ thống xảy ra.

"Cá nhân một công ty, hoặc một nhóm nhạc Kpop không có khả năng tự mình ngăn cản việc này", Jung nhận định.

Thần tượng Kpop đại trà và không giỏi?

Bằng cách tham gia cuộc thi tài năng, sáng tác nhạc và phát hành ca khúc solo, thần tượng Kpop dần vượt qua rào cản định kiến trong âm nhạc.

Kpop không cho nghệ sĩ thời gian để trưởng thành

Chuyên gia nhận xét công ty giải trí quản lý thần tượng bằng "hệ thống kiểu quân đội". Họ bị giám sát nghiêm ngặt và phải làm việc với lịch trình dày đặc.

Sự mệt mỏi của BTS

Giới truyền thông Hàn Quốc cho rằng BTS tập trung phát triển sự nghiệp cá nhân để nhóm có thể đi đường dài. Ngoài ra, nhập ngũ cũng là yếu tố được cân nhắc.

Thúy Hà

Bạn có thể quan tâm