Thông tin La Thăng tan rã có lẽ đến giờ vẫn gợi không ít cảm giác tiếc nuối trong lòng người hâm mộ. Tiếc cho những cố gắng cũng như chặng đường đã qua của La Thăng một, fan yêu nhạc còn tiếc 10 khi nghĩ tới tương lai không còn mấy nhóm nhạc của Vpop.
Vpop vốn đã hẻo nhóm nhạc giờ đây lại càng trở nên khan hiếm khi ngay cả La Thăng – nhóm nhạc đang tạo được dấu ấn tốt và tưởng chừng có cơ hội “sống sót” nhất cuối cùng cũng tan rã.
Nhiều fan bình luận trước sự việc La Thăng tan rã: “Vpop dường như không phải đất lành cho mô hình nhóm nhạc”.
Nhóm nhạc chật vật bon chen
Thời điểm hiện tại có thể xem là hoàng kim của La Thăng bởi trước đó nhóm gặp rất nhiều khó khăn với không ít lần thay đổi đội hình.
La Thăng ra mắt khán giả vào năm 2002 với 3 thành viên bao gồm Liêu Anh Tuấn, Minh Tuấn và Việt Hải. Ở thời điểm đó, La Thăng khá mờ nhạt và không đủ sức cạnh tranh với nhóm nhạc 1088 đang ở thời kỳ đỉnh cao.
La Thăng hoạt động khá mờ nhạt trong vòng 6 năm cho đến khi Liêu Anh Tuấn rời nhóm, thế vào đó là Trịnh Thăng Bình. Chẳng bao lâu sau đó, Chí Thiện gia nhập nhóm rồi La Thăng nhanh chóng tan rã.
Thành viên đời đầu Minh Tuấn quyết định giữ nguyên tên nhóm và tạo nên phiên bản mới với 5 thành viên, trẻ trung hơn. Thế nhưng sự “thay máu” cũng không giúp La Thăng nhận được sự chú ý.
La Thăng hoạt động không hiệu quả trong một thời gian dài dẫn đến quyết quả tất yếu là 3 thành viên rời nhóm để lại Huy Nam và Huy Khánh.
La Thăng tan rã khi đang trên đà khởi sắc khiến nhiều người tiếc nuối. |
Và khi chỉ còn 2 thành viên, La Thăng mới có những tín hiệu tích cực đầu tiên. Thế nhưng, giữa lúc thành công nhất, La Thăng tuyên bố tan rã, Huy Nam tiếp tục sự nghiệp solo.
Cũng chọn cách hoạt động “lay lắt” như La Thăng khi liên tục thay đổi thành viên nhằm duy trì nhóm, Mắt Ngọc giờ chỉ còn Thúy Nga là thành viên ban đầu. Trong khi đó, Mây Trắng giờ đây cũng chỉ còn một thành viên nguyên chất Ngọc Châu.
Cả La Thăng, Mắt Ngọc và Mây Trắng đều được xem như nhóm nhạc hoạt động lâu đời nhất Vpop. Thế nhưng, “có tiếng mà không có miếng”, trong suốt thời gian đó, cả 3 không gặt hái được nhiều thành công như mong đợi.
Thậm chí, giờ đây, chẳng mấy khán giả trẻ còn quan tâm tới Mây Trắng hay Mắt Ngọc bởi đội hình ban đầu của cả 2 nhóm “nay còn đâu”.
Khi không đủ sức cạnh tranh ở thị trường nhạc Việt, mỗi nhóm nhạc đều phải có hướng đi cho riêng mình, La Thăng, Mây Trắng, Mắt Ngọc chọn cách liên tục thay đổi thành viên, trong khi nhiều nhóm khác lại quyết định tan rã.
V.Music ra mắt cùng thời điểm và được coi là đối thủ của nhóm nhạc đình đám nhất Vpop hiện nay - 365. Ra mắt cùng thời điểm, 365 là “gà cưng” của Ngô Thanh Vân, còn V.Music cũng được Hồ Ngọc Hà đỡ đầu.
Khi đó nhiều người kỳ vọng, V.Music sẽ cùng 365 làm nên “kỷ nguyên” mới cho các nhóm nhạc Việt. Thế nhưng, “đường dài mới biết ngựa hay”, chỉ mình 365 đủ sức đi đến cột mốc ngày hôm nay, còn V.Music nhanh chóng “đứt gánh” sau nhiều dự án không tạo được tiếng vang.
365 là một trong những nhóm nhạc hiếm hoi trụ lại được đến giờ này. |
Thê thảm hơn cả V.Music, X5 còn thay đổi đội hình rồi tan rã ngay sau sản phẩm âm nhạc đầu tay, dù trước đó X5 cũng rất đáng kỳ vọng với tài năng, ngoại hình đẹp và phong cách mới mẻ.
Số nhóm nhạc hiện đang hoạt động ở Vpop chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng số nhóm hoạt động đã ít, số tên tuổi thành công lại càng ít hơn. Nếu nói là đã có chỗ đứng vững chắc và lượng fan lớn trong số các nhóm nhạc thì có lẽ chỉ 365 và The Men làm được.
Vì sao nhóm nhạc Việt cứ ra mắt rồi nhanh chóng tan rã?
Nhìn lại thị trường nhạc Việt rồi “ngó” sang nước bạn, đặc biệt là Hàn Quốc mà lại càng thấy buồn cho “bức tranh” nhóm nhạc. Thực tế, khó có thể trách nhóm nhạc Việt kém cỏi, không đủ sức cạnh tranh mà bản thân Vpop không có đủ yếu tố để giúp mô hình này phát triển.
Sự thống trị của làng nhạc Hàn
Dù hình thức nhóm nhạc đã có từ rất lâu không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới nhưng chính sự ra mắt và phát triển thành công rực rỡ của quá nhiều nhóm nhạc, Kpop đã gần như gắn liền với mô hình này.
Là một trong số những nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Kpop, Việt Nam sở hữu lượng fan đông đảo hâm mộ cuồng nhiệt các nhóm nhạc đến từ xứ sở kim chi.
Những hình ảnh như hôn ghế, khóc lóc khi được đón thần tượng hay bỏ tiền triệu để đi xem show Kpop… giờ đây đã trở nên quá quen thuộc với cộng đồng fan Việt.
Chính tình cảm đôi lúc vượt quá mức bình thường đó đã khiến một bộ phận fan Việt tôn thờ thần tượng và đặt các nhóm nhạc Hàn lên mức thần thánh và không gì có thể sánh nổi thần tượng của mình.
Sự hâm mộ quá mức đó cũng đặt các nhóm nhạc Việt vào một thế khó: hễ ra mắt là bị so sánh, thậm chí tố sao chép Kpop.
Ngày 365 mới ra mắt, nhóm đã bị chỉ trích thậm tệ là sao chép Big Bang, nhất là khi nhóm có đội hình 5 thành viên và tung ra MV Get on The Floor với phong cách quái, cá tính.
Mới đây nhất, Lime cũng nhận không ít gạch đá với lý do tương tự 365. Tranh cãi lớn tới mức trưởng nhóm Liz phải lên tiếng giãi bày: “Mình thấy mọi người nói vậy không phải. Công ty của bọn mình là công ty Hàn Quốc và MV Đừng vội cũng được thực hiện tại Hàn nên tất nhiên nó có khuynh hướng giống Kpop một chút, bởi vậy, các bạn sẽ có sự so sánh bọn mình với các nhóm nhạc Hàn”.
Thiếu các công ty quản lý chuyên nghiệp
Như đã nói ở trên, Vpop ngược lại hoàn toàn so với Kpop, trong khi Kpop có hàng trăm nhóm nhạc, thì Vpop chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự chênh lệch này xuất phát từ cách thức hoạt động của 2 làng nhạc.
Ở Kpop, các ca sĩ dù solo hay trong nhóm nhạc đều phải hoạt động dưới một công ty quản lý. Và bản thân các công ty của Hàn Quốc cũng rất chuyên nghiệp với đủ các bộ phận bao gồm: nhạc sĩ, nhà sản xuất, stylist, quản lý…
Thành công của SNSD nằm phần lớn ở sự quản lý chuyên nghiệp của SM Entertainment. |
Và trong các công ty, thành viên nhóm nhạc cũng được đào tạo bài bản về mọi mặt đồng thời bị kiểm soát về lịch trình, hoạt động cá nhân… Bởi vậy, khi đã trong một nhóm, không thành viên nào có thể đẩy mạnh cái tôi cá nhân mà phải đặt mục đích chung của cả nhóm lên đầu tiên.
Trong khi đó, Vpop thiếu trầm trọng những công ty quản lý chuyên nghiệp. Hầu hết ca sĩ, kể cả một số nhóm nhạc chỉ có quản lý thay vì hoạt động theo sự định hướng, sắp xếp của công ty.
Những nhóm nhạc hiếm hoi còn sót lại và được chú ý ở Vpop hiện nay là 365 hay Lime thực tế đều có công ty đỡ đầu.
365 đi đến ngày hôm nay một phần rất lớn nhờ vào công ty giải trí VAA của Ngô Thanh Vân. Công ty này chuyên nghiệp trong mọi khâu, thậm chí không kém gì công ty Hàn Quốc.
Tương tự, Lime cũng rất tự tin rằng mình sẽ không tan rã giống nhiều nhóm nhạc ở Vpop bởi nhóm được quản lý bởi một công ty giải trí Hàn Quốc.
“Công ty quản lý của nhóm là Hàn Quốc, họ khá nghiêm khắc và kiểm soát các thành viên khá chặt. Bởi vậy, rất khó để ai đó có tinh thần cá nhân, thay vào tinh thần nhóm phải luôn được đặt lên hàng đầu đó.
Hơn nữa, khi có công ty quản lý, cách làm việc của nhóm cũng sẽ không bị riêng rẽ. Bởi vậy, mình nghĩ nhóm sẽ không thể tan rã như mọi người nói”, trưởng nhóm Lime tự tin chia sẻ.
Thu không bù chi
Một nhóm nhạc sẽ có ít nhất 2 người, như vậy so với ca sĩ solo, nhân lực của nhóm cũng tăng lên ít nhất 2 lần. Đồng nghĩa, số tiền đầu tư cũng vì thế mà tăng lên bởi một nhóm nhạc không thể chỉ có một bộ trang phục, một lần make up… cho mỗi sự kiện hay dự án âm nhạc.
Tiền đầu tư tăng lên nhưng cát xê nhận lại của các nhóm nhạc không vì thế mà được trả cao hơn ca sĩ solo. Thậm chí, các bầu show còn rất e ngại việc mời nhóm nhạc do chi phí ăn ở, đi lại cho cả nhóm… thường tốn kém hơn ca sĩ bình thường.
Ngày La Thăng công bố tan rã, quản lý của nhóm là Minh Tuấn đã thẳng thắn chia sẻ: “Trong mỗi dự án, phải đầu tư về bài vở, nhạc sĩ, trang phục, vũ đạo… và mỗi dự án dao động từ 100 tới 200 triệu tùy mức đầu tư.
Còn về cát xê cho một nhóm nhạc thì không cao hơn ca sĩ solo vì ở thị trường âm nhạc Việt Nam rất khác. Với La Thăng hiện tại, cát xê của nhóm khi hát tại các tỉnh là khoảng 25 – 30 triệu. Còn hát hội chợ, sự kiện ở Sài Gòn thì cao hơn, khoảng 40 triệu”.
Đội hình thiếu hoàn hảo
Thực tế, Kpop đi đầu về khả năng phát triển nhóm nhạc hiện nay. Từ việc đào tạo, quản lý cho tới cách thức quảng bá… làng nhạc Hàn Quốc đều rất chuyên nghiệp.
Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể tới cách đào tạo và xây dựng đội hình cho từng nhóm nhạc.
Có công ty quản lý Hàn Quốc đỡ đầu, Lime được kỳ vọng sẽ trở thành làn gió mới của thị trường nhạc Việt. |
Thành viên trong mỗi nhóm nhạc khi ra mắt đều đảm nhận vai trò riêng. Hát chính sẽ là những người có giọng hát nổi bật nhất, tương tự, dance chính, rap chính sẽ do những thành viên mạnh nhất về lĩnh vực đó đảm nhận.
Không những thế, mỗi nhóm nhạc Hàn còn có gương mặt đại diện là thành viên xinh đẹp, thu hút nhất về phần nhìn. Nhờ việc phân chia rõ vai trò của từng người nên nhóm nhạc Hàn luôn rất hoàn hảo về cả phần nghe lẫn nhìn mỗi khi biểu diễn trên sân khấu.
Quá trình đào tạo cũng là lý do khiến Vpop và Kpop có nhiều sự chênh lệch trong quá trình phát triển các nhóm nhạc. Tất cả các thành viên của SNSD, 2NE1, 2PM, Super Junior, EXO cùng các nhóm nhạc khác tại Hàn Quốc đều phải trải qua khoảng thời gian đào tạo gian khổ kéo dài nhiều năm.
Trong khoảng thời gian này, họ phải luyện tập chăm chỉ từ thanh nhạc, vũ đạo đến các yếu tố nhỏ nhặt khác như thói quen ăn uống, kỹ năng trả lời phỏng vấn, cách diễn xuất trước ống kính…Trong khi đó, ở Vpop, Lime và 365 là nhóm nhạc hiếm hoi đảm bảo về cả tài năng lẫn mặt ngoại hình và thế mạnh của từng thành viên cũng rất đa dạng. Và họ cũng là nhóm hiếm hoi được đào tạo trước khi ra mắt, dù thời gian đó không dài.
Trong nhóm 365, Isaac cuốn hút mọi ánh nhìn nhờ vẻ ngoài điển trai, nam tính. Không những thế, anh chàng còn sở hữu giọng hát nội lực, giàu cảm xúc. Vì thế, Isaac và Jun được tín nhiệm giao cho vai trò hát chính, trong khi Will là rapper, còn ST là dancer.
Việc phân chia vai trò và phát huy thế mạnh của từng cá nhân không chỉ giúp 365 tỏa sáng trên sân khấu mà còn tạo điều kiện cho các thành viên phát triển hoạt động cá nhân. Isaac vừa qua đã gây bão khi tham gia chương trình The Remix, cậu em út ST cũng không kém cạnh với Thử thách cùng bước nhảy…
Ngoài 365, Lime… hầu hết các nhóm nhạc còn lại của Vpop đều khá mờ nhạt về cả tài năng lẫn ngoại hình.
Bản thân V.Music trước khi tan rã đã gặp rất nhiều khó khăn khi trưởng nhóm đồng thời cũng là thành viên chủ chốt Lê Thiên Bảo ra đi, Hồ Đức Lợi thay thế. Sự thay đổi này khiến V.Music không còn giữ được phong độ như ngày nào rồi dẫn đến việc tan rã.
Khâu quảng bá không có hiệu quả
Một lần nữa lại phải nhắc đến Kpop, bởi làng nhạc này có quá nhiều yếu tố giúp các nhóm nhạc phát triển. Đầu tiên chính là bệ đỡ từ các chương trình âm nhạc Hàn Quốc như Music Bank, Music Core, Inkigayo, Show Champion… Thứ 2 là loạt chương trình thực tế, radio, gameshow… trên rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng.
Ngoài ra, các công ty giải trí Hàn Quốc còn khôn khéo quảng bá các nhóm nhạc của mình bằng cách tung nhiều phiên bản MV hay teaser giới thiệu từng thành viên.
Trở lại Vpop, vấn đề quảng bá thực sự còn rất nhiều hạn chế ở nước ta. Không chỉ thiếu những chương trình âm nhạc, nhóm nhạc Việt còn khó đánh lẻ vì hạn chế ở khoản show thực tế, radio…
Cách hữu hiệu nhất để quảng bá hình ảnh chính là các trang mạng xã hội hay YouTube, tuy nhiên, không phải nhóm nhạc Việt nào cũng quan tâm và tận dụng triệt để ưu điểm này.
Kết
Hát nhóm không hề đơn giản, nó không chỉ đòi hỏi các thành viên phải thực hiện đúng vai trò của mình, mà cần phải có sự hiểu ý, phối hợp nhịp nhàng đến từng chi tiết và đặt hoạt động nhóm lên đầu tiên.
Ngoài ra, để duy trì một nhóm nhạc cũng cần kinh phí lớn và sự chuyên nghiệp trong khâu quảng bá, bởi vậy, để tạo nên nhóm nhạc có khả năng tồn tại và thực sự thành công, Vpop còn cần rất nhiều yếu tố và một thời gian dài phát triển.