Không ai có thể phủ nhận Kpop chính là "đế chế" của thần tượng. Sau khi H.O.T tan rã vào đầu năm 2000, tưởng như trào lưu nhóm nhạc thần tượng cũng theo đó mà lụi tàn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của TVXQ năm 2004 một lần nữa đã thổi bùng sức sống của mô hình này và thậm chí là phát triển rực rỡ cho đến tận ngày nay.
Mới đây, cổng âm nhạc lớn nhất Hàn Quốc Melon đã thực hiện một cuộc khảo sát về nhóm nhạc thần tượng từ năm 2005 đến tháng 7/2013 và đưa ra kết quả khiến nhiều người bất ngờ.
Với các nhóm nhạc nam, năm 2005 có 19 nhóm ra mắt, năm 2006 là 10, 2007 cũng 10,... Năm 2013 có 17 nhóm bước vào hoạt động và đưa tổng số nhóm lên 130. Với các nhóm nhạc nữ, năm 2005 có 16 nhóm, 2006 có 4, 11 trong năm 2007,... 10 trong năm 2013 và tổng có 103 nhóm. Ngoài ra, trong 9 năm qua, có 11 nhóm nhạc có cả thành viên nam lẫn nữ. Như vậy, tổng số nhóm nhạc thần tượng ra đời từ năm 2005 là 244 nhóm.
Tuy nhiên, theo các công ty quản lý và nhà sản xuất, con số thực phải nhiều hơn thế. Đại diện một công ty giải trí lớn cho biết nếu tính cả các nhóm nhạc không bao giờ lọt vào bảng xếp hạng hay ít được chú ý hơn thì ít nhất phải có 300 nhóm.
Nhóm nhạc thần tượng ở Kpop được chia làm 2 giai đoạn. Đời đầu với những cái tên như H.O.T, Sechs Skies, S.E.S, Fin.K.L - hoạt động vào cuối thập niên 90 và đầu thập niên 2000. Thế hệ thứ 2 bắt đầu từ năm 2004 đến nay, với sự khởi đầu là TVXQ.
Sau TVXQ là những nhóm nhạc được yêu thích nhất hiện nay như Super Junior, Big Bang, SS501, 2PM. SNSD và Wonder Girls đều chào đời năm 2007 và là "nguyên mẫu" để tạo ra những nhóm nhạc về sau này.
TVXQ - nhóm nhạc được cho là khởi đầu trào lưu thần tượng thế hệ 2. |
Tại sao lại là nhóm nhạc thần tượng?
Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2013 đã có 30 nhóm nhạc thần tượng mới ra đời. Một số nhóm như Spica, Hello Venus, AOA, Bigs, Glam,... và nhóm thành công nhất là EXO.
Người hâm mộ ngày càng khó nhìn thấy nghệ sĩ solo trên các bảng xếp hạng. 7 đến 8 vị trí trong top 10 luôn thuộc về các nhóm nhạc thần tượng. Điều này đã diễn ra liên tục trong suốt 5 năm qua.
Lý do khiến các nhóm nhạc thần tượng phát triển như nấm mọc sau mưa ở Kpop là vì các công ty giải trí không có sự lựa chọn nào khác. Nhóm nhạc thần tượng mang doanh thu về từ khắp nơi trên thế giới. Đây là điều cần thiết bởi doanh thu từ thị trường âm nhạc trong nước đang ngày càng giảm. Không những thế, các nhóm nhạc thần tượng rất dễ thành lập, dễ quảng bá và là vũ khí đem lại lợi nhuận nhanh.
Đại diện Oscar Entertainment - công ty quản lý Bobby Kim - cho biết đang rục rịch ra mắt một nhóm nhạc nam vào năm tới. Mặc dù chưa bao giờ làm việc với dự án thần tượng nhưng anh cho biết: "Ngành công nghiệp âm nhạc đang dần trở thành một thị trường rất khó tồn tại nếu không có nhóm nhạc thần tượng. Đây là một khoản đầu tư lớn nhưng cần thiết".
Để cho ra đời một nhóm nhạc thần tượng, các công ty phải bỏ ra khoảng 400.000 USD. Thậm chí, đây mới chỉ là chi phí của một công ty giải trí quy mô bé và vừa.
Với các công ty lớn, số tiền phải bỏ ra cho một học viên mỗi tháng lên tới hàng trăm ngàn USD. Ở JYP - công ty của Wonder Girls, 2PM, missA - họ chi khoảng 200.000 USD/tháng cho đội phát triển "gà". Số tiền này được dành cho các lớp học tiếng Anh, vũ đạo, thanh nhạc, nhà ở và phí duy trì. Công ty có khoảng 40 học viên và mỗi học viên mất khoảng 5.000 USD/tháng.
Chính vì đầu tư lớn như thế, nhóm nhạc thần tượng vẫn được coi là "con bài cuối cùng" của các công ty. Như YG, khi công ty này lâm vào cảnh khốn khó, họ đã trình làng Big Bang và tái sinh. Ngay cả WM, khi dự định ra mắt B1A4, công ty đã được cảnh báo là có thể thất bại. Nhưng cuối cùng B1A4 vẫn thành công và đem lại may mắn cho WM.
Sự phát triển rầm rộ của các nhóm nhạc thần tượng cũng làm cho vòng đời của một ca khúc trở nên ngắn ngủi hơn. Thông thường, một ca khúc được phổ biến trong vòng 2 tuần. Nếu như nó không có phản ứng tốt trong 2 tuần đó, ca khúc sẽ tự động bị đào thải và hoàn toàn biến mất.
Big Bang. |
B1A4. |
Wonder Girls. |
Các nhóm nhạc thần tượng và tương lai
Thế hệ thần tượng đầu tiên thất bại vì thiếu kinh nghiệm và có nhiều vấn đề về hợp đồng. Thế hệ thứ 2 đã ra đời với sự chuẩn bị kỹ càng hơn nên đã duy trì tồn tại được một thời gian dài.
Đó là lý do vì sao mà thế hệ thần tượng thứ 2 luôn bị gắn với những từ không mấy ngọt ngào như "nô lệ". Họ bị ép mình vào hàng loạt khóa học căng thẳng và hoạt động liên tục để có thể đem lại lợi nhuận nhanh. Các ngôi sao thần tượng không chỉ học hát mà còn phải học vũ đạo, diễn xuất, ngoại ngữ và học cả những kỹ năng mềm như cách tạo dựng các mối quan hệ ở thị trường nước ngoài, làm việc nhóm, kinh doanh.
SNSD |