Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ án vườn mít: Tòa chọn giải pháp an toàn?

Hiếp dâm rồi giết bé gái 11 tuổi là tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng tại sao tòa không tuyên án tử hình? Phải chăng tòa đã “run” nếu tuyên tử hình, “sợ” nếu tuyên không phạm tội?

Đó là nhận định trong bức thư của các chuyên gia pháp luật - TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao; TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao; bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; luật sư Nguyễn Việt Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) và luật sư Huỳnh Thế Tân (Đoàn Luật sư TP.HCM) cùng ông Dương Bá Tuân (chủ rẫy thuê Lê Bá Mai làm việc 10 năm trước) - gửi Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình.

Phớt lờ đơn kêu oan

Những người viết thư này đăng ký một buổi gặp mặt trực tiếp nhằm trao đổi về những vấn đề xung quanh “kỳ án vườn mít” và bản án chung thân của Lê Bá Mai.

Trong thư, nhóm chuyên gia pháp luật cho biết đã đọc rất kỹ những chỉ đạo của Viện trưởng VKSND Tối cao tại buổi tổng kết công tác của Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (Vụ 3) tại TP.HCM vào đầu năm nay mà báo chí đã phản ánh. Theo đó, ông Nguyễn Hòa Bình đã biểu dương Vụ 3 khi kết thúc được vụ án Lê Bá Mai sau gần 10 năm.

Lê Bá Mai trong một phiên xét xử.

“Chúng tôi đề nghị đồng chí sắp xếp thời gian để nghe chúng tôi trình bày cụ thể về vụ án của Lê Bá Mai. Đây là vụ án rất đặc biệt. Bị cáo Lê Bá Mai đưa ra xét xử nhiều lần, từ phạm tội bị phạt tử hình rồi không phạm tội được trả tự do ngay tại phiên tòa, sau đó lại bị kết tội với mức hình phạt tù chung thân.

Chúng tôi là những người am hiểu pháp luật nên không hiểu tại sao tòa án kết luận Lê Bá Mai phạm tội hiếp dâm rồi giết chết cháu gái 11 tuổi lại chỉ tuyên phạt tù chung thân? Nếu chứng minh được đúng Lê Bá Mai đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như vậy thì phải tuyên phạt tử hình. Phải chăng tòa tuyên tử hình thì “run” mà tuyên không phạm tội thì “sợ” nên chọn “giải pháp an toàn” là tuyên án chung thân?”, bức thư có đoạn.

Hiểu thấu quan điểm “làm điều oan cho một người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống nữa” mà cán bộ ngành kiểm sát vẫn thường nhắc nhở nhau, nhóm chuyên gia pháp luật cho biết khi gặp trực tiếp Viện trưởng VKSND Tối cao sẽ trao đổi về những mâu thuẫn trong chứng cứ buộc tội Lê Bá Mai và những vi phạm pháp luật của nhiều người tham gia tiến hành tố tụng trong vụ án.

“Đây là kênh thông tin quan trọng để đồng chí xem xét lại các bản án có vấn đề này theo đúng chức trách, nhiệm vụ đã được Quốc hội và nhân dân giao phó”, theo bức thư.

Bức thư gửi tới ông Trương Hòa Bình nêu rõ: Trong phiên trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội vào tháng 11/2013, ông đã từng hứa rằng trong vụ án Lê Bá Mai, nếu còn đơn kêu oan thì sẽ xem xét lại theo trình tự pháp luật. Ngay sau khi bị tòa tuyên án chung thân vào ngày 30/8/2013, tới ngày 5/9/2013, Lê Bá Mai đã gửi đơn kêu oan.

Bố của Mai, ông Lê Bá Triệu, cũng đã liên tục gửi đơn kêu cứu cho con mình. Ngoài ra, các luật sư bào chữa cho Mai tại tòa phúc thẩm cũng đã có văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời.

Mong đèn trời soi xét

TS Vũ Đức Khiển cho biết nhiều năm nay, ông đau đáu về số phận pháp lý của Lê Bá Mai. “Tôi được biết ông Lê Bá Triệu đang có mặt ở Hà Nội để kêu oan cho con trai và chỉ trở về khi nhận được câu trả lời của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao nên thấy rất thương. Chúng tôi đều đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án nên muốn xin gặp chánh án và viện trưởng để có điều kiện trao đổi kỹ hơn về vụ việc này. Có thể các anh ấy chưa có thời gian để xem xét hết hồ sơ và thấy trong đó có rất nhiều mâu thuẫn”, TS Khiển nhận định.

TS Khiển cho biết trong vụ án hình sự, nếu kháng nghị tăng hình phạt thì thời gian chỉ trong vòng 1 năm tính từ thời điểm tòa tuyên án nhưng kháng nghị để minh oan thì không có thời hạn, kể cả khi bị án đã chết.

“Áp vào bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên Lê Bá Mai tù chung thân thì theo thẩm quyền, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao đều có quyền kháng nghị. Việc đó có thể xuất phát từ đơn kêu cứu của ông Lê Bá Triệu. Đến nay, kỳ án vườn mít vẫn đang trong giai đoạn tố tụng chứ chưa kết thúc nên Lê Bá Mai vẫn có thể được minh oan”, ông Khiển khẳng định.

Ông Lê Bá Triệu cho biết gần 1 tháng qua, ông cùng người thân sống vật vạ ở Hà Nội để kêu oan cho Lê Bá Mai. Ông khẳng định “khi chưa nhận được câu trả lời của các cơ quan tố tụng thì chưa về”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết trước khi ký vào bức thư, bà đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án và tới tận hiện trường để quan sát, đối chiếu với những quan điểm luận tội của cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước, nhận thấy có nhiều bất nhất, không thuyết phục. “Tôi chỉ mong đèn trời soi xét, minh oan sớm cho Lê Bá Mai. Cậu ta đã phải ngồi tù 10 năm rồi”, bà Thu mong mỏi.

Ngay từ năm 2005-2006, khi còn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Thu đã có văn bản gửi Chủ tịch nước Trần Đức Lương đề nghị chỉ đạo xem xét lại vụ án này. Sau khi Chủ tịch nước yêu cầu, VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị bản án, giúp Lê Bá Mai thoát tội tử hình. Người trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và ký quyết định kháng nghị bản án tử hình của Lê Bá Mai ngày ấy chính là TS Dương Thanh Biểu (khi đó là phó viện trưởng).

Trải qua quá trình tố tụng kéo dài, dù không có thêm nhiều bằng chứng thuyết phục nhưng VKSND tỉnh Bình Phước vẫn bảo vệ quan điểm khi cho rằng Lê Bá Mai có tội. Vì thế, bản án chung thân mà Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên đối với Lê Bá Mai, theo bà Thu và ông Biểu, thể hiện mong muốn sự “an toàn” của những người tham gia tố tụng.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ky-an-vuon-mit-toa-chon-giai-phap-an-toan-20140315225031976.htm

Theo Người lao động

Bạn có thể quan tâm