Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỷ luật cựu thí sinh Olympia: Có nên chỉ trách cứ nhân tài?

Việc quản lý, sử dụng những người có trình độ ở nhiều nơi đang “có vấn đề”, không phát huy được năng lực, sở trường của họ.

Câu chuyện hàng loạt “nhân tài” ở Đà Nẵng sử dụng tiền ngân sách Nhà nước rồi một đi không trở lại bị thua kiện phải bồi thường số tiền ngân sách chu cấp những ngày qua chưa lắng xuống thì lại xảy ra chuyện cựu thí sinh Olympia ở Cần Thơ bị kỷ luật vì “nói xấu trường trên Facebook”.

Câu chuyện xảy ra giữa ông Doãn Minh Đăng, giảng viên Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ và Ban giám hiệu trường này. Ban đầu, người ta nghĩ, chắc vị giảng viên này “không bình thường” nên mới lên Facebook nói những chuyện “bếp núc” giữa ông Đăng với nhà trường. Cũng giống như vụ “nói xấu Chủ tịch tỉnh An Giang” trên Facebook, câu chuyện trên cũng có những góc khuất mà nhiều người chưa biết.  

Ông Doãn Minh Đăng. Ảnh: VietNamNet.

Đến thời điểm hiện tại, chưa hạ hồi phân giải ai đúng, ai sai. Phía nhà trường cũng chưa có tiếng nói chính thức. Nhưng ông Doãn Minh Đăng đã có những giãi bày khá thẳng thắn với truyền thông về những gì ông đã làm, quan điểm của ông với cách xử lý của Ban giám hiệu nhà trường....

Hai sự việc ở Đà Nẵng và Cần Thơ bản chất khác nhau nhưng đều liên quan “nhân tài”. Với Đà Nẵng, những người được cho đi nước ngoài đào tạo lại không trở về phục vụ địa phương theo cam kết ban đầu. Còn ở Cần Thơ, ông Doãn Minh Đăng đã trở về làm việc nhưng lại xảy ra những mâu thuẫn với các nhà quản lý của mình.

Giảng viên bị xét kỷ luật vì chê trường trên Facebook

Theo kế hoạch, sáng 1/12, Sở Nội vụ TP Cần Thơ làm việc với lãnh đạo Đại học ​Kỹ thuật ​Công nghệ Cần Thơ về vụ giảng viên đưa thông tin nhà trường lên Facebook.

Hơn ai hết, những vụ việc ở Đà Nẵng và Cần Thơ chỉ người trong cuộc mới biết và hiểu hơn về những xung đột đã và đang xảy ra. Nhưng ai cũng hiểu rằng, câu chuyện người tài không muốn trở về phục vụ địa phương hoặc có về làm việc thì đâu đó là xảy ra chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” không phải chỉ có ở Đà Nẵng hay Cần Thơ, mà có ở hầu hết các địa phương, bộ ngành trong cả nước.

Những câu chuyện như thế này đã nhiều lần được các nhà hoạch định chính sách đưa ra bàn bạc nhưng đây là lần đầu tiên có dẫn chứng cụ thể.

Những người làm quản lý đang hăng hái đi kiện, đòi lại tiền cho Nhà nước. Điều này là đúng, đáng làm. Nhưng họ cũng phải nhìn nhận lại chính mình, rằng đã thực sự tạo môi trường, cơ hội thực sự cho những người được đưa đi đào tạo và những người có trình độ khác cơ hội được cống hiến, thăng tiến… hay chưa? Hay dù có học Tây, có trình độ thì về nước lại “cào bằng” tất cả.

Đi tìm nguyên nhân của cái sự chẳng ai muốn này, có phải do những người này có tài thì có tật,  tính tình khác người, khó thích ứng với hệ thống ở Việt Nam hay do cách quản lý của ta đang có vấn đề…?

Chẳng cần nói ai cũng thấy, với cách quản lý, sử dụng nguồn nhân lực như hiện nay (nhất thân nhì quen, con cháu các cụ…) thì việc chảy máu chất xám, người có năng lực, trình độ không muốn về nước, đặc biệt không muốn làm việc cho các cơ quan Nhà nước đã và sẽ tiếp tục xảy ra.

Trong câu chuyện ở Cần Thơ, người ngoài cuộc có thể nghĩ ông Đăng là kẻ gàn dở. Giả sử ông Đăng gàn dở nhưng năng lực làm việc tốt thì những người quản lý phải biết để phát huy những ưu điểm nổi trội của ông Đăng.

Một người có nét tính cách khác biệt không có nghĩa là không làm được việc, không dung nạp được vào hệ thống của mình. Quản lý là nghệ thuật dùng người, thu nạp con người, phát huy mặt tích cực của người đó… bằng việc bố trí, sắp xếp công việc theo đúng năng lực, sở trường của người đó. Nếu cứ ép người lao động phải làm những việc ngoài chuyên môn, không đúng năng lực, sở thích của họ thì chắc chắn sẽ có lúc họ “bật” lại nhà quản lý.

Câu chuyện xảy ra ở Cần Thơ sẽ khiến cho nhiều người tài sử dụng hoặc không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước để đào tạo sẽ phải cân nhắc hơn khi trở về làm việc cho nhà nước. Hoặc nếu có về nước thì họ làm việc trả nợ một vài năm cho Nhà nước rồi tìm đến các tổ chức nước ngoài để cống hiến.

Chúng ta luôn kêu gọi những người tài, người có trình độ về phục vụ cho đất nước nhưng khi có họ trong tay, không hiểu do cách thức quản lý hay chưa trọng dụng người tài thực sự mà không phát huy được ưu thế của họ? Hay vì những hẹp hòi cả nhân mà không muốn họ vươn xa hơn mình?

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Các chính sách về đào tạo, sử dụng người tài của Đảng và Nhà nước đang cố gắng tạo ra nguồn lực chất xám, nguồn “nguyên khí” nhưng việc sử dụng, phát huy nguồn lực này lại đang có vấn đề.

Sau câu chuyện ở Đà Nẵng, Cần Thơ, cả nhà quản lý và những "nhân tài" cần có sự tĩnh tâm nhìn lại mình. Nhưng riêng với những nhà quản lý nếu không thay đổi tư duy quản lý, cách sử dụng người có trình độ thì về Việt Nam làm việc sẽ là nỗi khiếp sợ của những người có tài thực sự.

Thắng kiện 'nhân tài', Đà Nẵng khó thu hồi 20 tỷ

Tám học viên bị tòa tuyên bồi hoàn gần 20 tỷ đồng chi phí đào tạo ở nước ngoài cho TP Đà Nẵng đã nộp đơn kháng cáo.


http://vov.vn/vov-binh-luan/ky-luat-cuu-quan-quan-olympia-co-nen-chi-trach-cu-nhan-tai-455789.vov

Theo Vũ Hạnh/VOV

Bạn có thể quan tâm