Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỷ luật học sinh - chọn cách nào cho đỡ nặng nề

Chỉ trong học kỳ 1 (năm học 2012-2013), ở trường THPT Vân Tảo có gần 40 lượt học sinh bị nhà trường đưa vào diện phải xử lý kỷ luật, trong đó nhiều trường hợp bị đình chỉ học.

Kỷ luật học sinh - chọn cách nào cho đỡ nặng nề

Chỉ trong học kỳ 1 (năm học 2012-2013), ở trường THPT Vân Tảo có gần 40 lượt học sinh bị nhà trường đưa vào diện phải xử lý kỷ luật, trong đó nhiều trường hợp bị đình chỉ học.

Hiệu trưởng, nhân danh hội đồng kỷ luật, có quyền đình chỉ học tập một năm đối với học sinh, đây là mức kỷ luật nặng nhất trong trường phổ thông. Nhưng kiểm soát của các cấp quản lý với việc thực thi của hiệu trưởng hiện nay lại quá lỏng lẻo, khiến việc kỷ luật học sinh có lúc bị lạm dụng...

Đình chỉ học

Câu chuyện học sinh bị đình chỉ học không còn xa lạ với người dân ở Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội khi từ năm 2007 đến nay, năm nào cũng có hàng loạt học sinh trường THPT Vân Tảo bị lãnh đạo nhà trường ký quyết định đình chỉ học từ một tuần đến một năm với những lỗi hoàn toàn có thể giáo dục được trong nhà trường. Một số học sinh sau khi bị đình chỉ học đã phải xin chuyển trường hoặc bỏ học vĩnh viễn.

“Chỉ trong học kỳ 1 (năm học 2012-2013) đã có gần 40 lượt học sinh bị nhà trường đưa vào diện phải xử lý kỷ luật, trong đó nhiều trường hợp bị đình chỉ học” - một thầy giáo ở trường Vân Tảo cho biết.

 
Danh sách viết tay của một giáo viên chủ nhiệm trường THPT Vân Tảo thông báo cho giáo viên bộ môn về chín học sinh bị đình chỉ học từ một tháng đến một năm.

Tìm đến nhà một học sinh vừa có quyết định đình chỉ học một năm là em Bùi Văn N., cựu học sinh lớp 12A4 trường THPT Vân Tảo, mẹ N. khóc cho biết: “Anh trai nó nghiện ma túy, cả gia đình tôi hi vọng vào đứa con trai thứ hai. Giờ cháu bị đình chỉ học, chúng tôi lo thắt ruột, chỉ sợ chưa kịp đi học trở lại vào năm học tới, cháu lại đi theo con đường của thằng anh!” Điều kỳ lạ là gia đình không hề được trường mời tới làm việc về vi phạm của em N.. Còn N. cho biết “hiện tại em thấy rất lo lắng khi trước mắt là những tháng ngày dông dài không biết đi đâu, làm gì!”. Quyết định đình chỉ học một năm của N. được ký từ ngày 24/12/2012 ghi em N. mắc hai lỗi “sử dụng điện thoại trong giờ học và vô lễ với thầy giáo”.

Thầy Nguyễn Văn Biên, giáo viên thể dục của lớp em N., kể: “Hôm đó vì em N. không mặc đồng phục nên tôi đã đề nghị em ngồi sang một góc riêng trên sân mà không cho em học. Bất mãn với việc này, N. đã văng tục trước mặt cả lớp!”. Tuy nhiên thầy Biên cũng cho biết: “Tôi không được tham gia cũng như không biết hội đồng kỷ luật N. họp vào lúc nào. Sau khi em N. bị đình chỉ học, tôi mới biết”.

Còn cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A4, xác nhận sự việc đối với em N. và cho biết: “Ở trường Vân Tảo, việc kỷ luật học sinh có nguyên tắc riêng, chỉ có biên bản kỷ luật chứ không bao giờ có học sinh vi phạm được mời tham dự cuộc họp của hội đồng kỷ luật”.

Bạn học cùng lớp với N. cho biết năm học trước có bốn em nữ cũng bị đình chỉ học một năm vì lỗi “đánh nhau”. Trong đó chỉ ba em trở lại trường sau thời hạn kỷ luật. Lần giở lại “truyền thống” đình chỉ học tập của học sinh trường Vân Tảo, nhận thấy các trường hợp bị kỷ luật đều rất chóng vánh, không theo quy trình mời cha mẹ học sinh tới cùng phối hợp phân tích, khuyên bảo, tìm kiếm biện pháp giáo dục phù hợp với các em.

Một số học sinh khác ở Vân Tảo đuổi đánh nhau trong trường, xô đổ thùng rác bị vỡ, trả lời thiếu lễ độ với thầy giáo, trèo tường trốn tiết... đều phải nhận quyết định buộc đình chỉ học từ một tuần đến  một năm, trong đó có em mới phạm lỗi lần đầu. Còn có những học sinh bị đình chỉ học vì lỗi “mang máy ảnh đến trường trong lễ khai giảng”, “nghịch cầu dao điện”, “vuốt keo lên tóc”, hoặc “không hát quốc ca”, “để chân lên ghế”.

Có thời điểm một lớp học có tới 12 học sinh bị đình chỉ học tập một tuần, một tháng hoặc một năm. “Vào lớp cũng thấy hoang mang khi cô chủ nhiệm gửi tới danh sách chín học sinh bị đình chỉ học trong một ngày vì những lỗi không nghiêm trọng” - một giáo viên Trường Vân Tảo chia sẻ.

Em Dương Văn D. và Bùi Xuân Đ. trong thời gian bị đình chỉ học một năm

Trong một cuộc trả lời báo chí về biện pháp giáo dục của nhà trường khi bắt đầu áp dụng “kỷ luật thép” - ông Lê Xuân Trung, hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo, khẳng định quan điểm của mình nhằm chấn chỉnh nề nếp. Nhưng ông Trung cũng thẳng thắn cho rằng những học sinh bị đình chỉ một tuần, một tháng không theo kịp bài phải lưu ban là trách nhiệm của các em, nhà trường không thể chạy theo các em được. Và vì nhà trường quản lý học sinh trong giờ hành chính nên ông không muốn bình luận về trách nhiệm trong việc học sinh phải nghỉ học đi lang thang.

Nặng nề

Không chỉ ở Vân Tảo, trường THPT Mỹ Đức C, Hà Nội năm 2010 cũng đình chỉ học 11 học sinh chỉ vì hành vi “đái bậy”. Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh, cuối năm 2012 có ba học sinh chuyên bị đình chỉ học, trong đó có một nữ sinh vì nhận được thông tin “thách đấu” của bạn, nhưng không báo cho cô giáo chủ nhiệm mà chuyển thẳng cho học sinh được thách đấu. Mặc dù cuộc xô xát xảy ra gây trọng thương cho nhiều học sinh nhưng mức kỷ luật đối với nữ sinh có hành vi “chuyển giấy thách đấu” quá nặng nề đối với em này và gia đình.

Nhiều trường hợp học sinh mắc lỗi nặng nề và bị kỷ luật như nữ sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội vì “làm nhục bạn” năm học trước, hay mới đây là vụ em học sinh nói xấu thầy cô trên mạng xã hội ở Tam Kỳ, Quảng Nam cũng gây ra tranh luận nhiều chiều, trong đó không ít ý kiến cho rằng không nên đình chỉ việc học.

Tại Hà Nội, một số trường hợp học sinh mắc lỗi đã được “gợi ý chuyển trường”. Một phụ huynh có con học lớp 9 ở huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Tôi được gợi ý chuyển trường cho con, vì nếu không con tôi sẽ rơi vào diện bị đuổi học”.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, mỗi năm học có 15-20 học sinh từ nơi khác chuyển về trường này. Trong đó nhiều học sinh rơi vào cảnh “bị đuổi ở nơi khác hoặc do mắc quá nhiều lỗi nên được trường cũ gợi ý chuyển trường”.

“Căng thẳng và bối rối”

 

Thầy Nguyễn Đình Thịnh - hiệu trưởng trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP.HCM) - cho biết “chưa bao giờ áp dụng đình chỉ  học một năm đối với học sinh”. Những trường hợp phạm lỗi nặng như đánh nhau, mang hung khí vào trường... sẽ bị đình chỉ học từ ba ngày đến một tuần.

“Bị đình chỉ học nhưng học sinh vẫn phải đến trường - thầy Thịnh nói - Các em ngồi ở phòng giám thị và học bài, chép bài đầy đủ vì không học các em sẽ không theo kịp”. Tại trường này, thầy Thịnh cho biết có học sinh “phá cơ sở vật chất” bị phạt lao động như lau tường, cạo bã kẹo cao su...

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT tại quận 10, TP.HCM kể năm 2009 một học sinh của trường mắc lỗi đánh nhau trong trường hai lần. “Tôi cũng định đình chỉ học một năm“ - thầy hiệu trưởng này cho biết. Theo ông, lúc đó nếu áp dụng đình chỉ học một năm cũng đúng với thông tư 08. “Lúc đó tôi rất căng thẳng và bối rối. Mình không áp dụng thì không nghiêm, mà đình chỉ học một năm thì tiêu đời học sinh. Cuối cùng, tôi chọn cách đình chỉ học học sinh một tuần và bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình làm đúng. Cuối năm họp xóa án kỷ luật, em này đã ngoan ngoãn hơn và học rất tốt”.

Cô Vân Anh - giáo viên trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) - cho biết việc kỷ luật học sinh ở trường chủ yếu là viết bản kiểm điểm, nhắc nhở học sinh. Với những trường hợp vi phạm nặng như đánh nhau, trường chỉ đình chỉ học từ ba ngày đến một tuần, chứ chưa áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là đình chỉ học một năm...

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm