Câu chuyện muôn thuở của học sinh, sinh viên vẫn là khó khăn trong việc ghi nhớ kiến thức. Họ nỗ lực học từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp tiếng Anh, tuy nhiên chỉ nhớ được một thời gian ngắn; hoặc ôn bài rất kỹ nhưng lại quên ngay trước khi vào phòng thi…
Hiểu được những khó khăn đó, tối 10/12, tiến sĩ, kỷ lục gia Guinness thế giới Biswaroop Roy Chowdhury đã chia sẻ kỹ năng ghi nhớ của chính mình trong khuôn khổ Hội thảo ứng dụng siêu trí nhớ vào học tiếng Anh, được tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.
Tiến sĩ Biswaroop. Ảnh: Ngọc Tân. |
Quy luật mắt người
Theo phân tích của tiến sĩ Biswaroop, não bộ con người ghi nhớ thông tin dựa trên quy luật của sự tưởng tượng hình ảnh. Chúng ta có thể nhanh quên những điều tai nghe nhưng nhớ rất lâu những thứ nhìn thấy. Đôi mắt chính là công cụ ghi nhớ mạnh nhất của con người.
Ví dụ, khi tưởng tượng về ngôi nhà cũ của mình từ 7 đến 10 năm trước, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi có thể nhớ được từng chi tiết kiến trúc của căn nhà, nhưng không thể nhớ được số nhà. Bởi, những chi tiết của ngôi nhà là sự tưởng tượng hình ảnh, còn số nhà được ghi nhớ như một file âm thanh.
Để người học dễ hình dung hơn, tiến sĩ Biswaroop ví não bộ con người như một chiếc lọ chứa những file hình ảnh và âm thanh. Nó có một lỗ rò rỉ ở đáy, minh họa cho sự lãng quên. Tuy nhiên, chỉ những file âm thanh dễ lọt qua lỗ này, còn hình ảnh khó mất đi.
Vì vậy, cách học vẹt, đọc đi đọc lại để ghi nhớ sẽ không hiệu quả, bởi nó giống như việc lưu trữ thêm file âm thanh vào não bộ, dù nhập vào nhiều đến đâu cũng sẽ lọt ra ngoài.
Thay vào đó, việc liên kết sự vật cần ghi nhớ với một vị trí hoặc hình ảnh có sẵn, từ đó hình thành trí nhớ lâu dài.
Học ngoại ngữ bằng cách nhớ hình ảnh
Dựa vào nguyên tắc nêu trên, vị kỷ lục gia Guinness đưa ra phương pháp học từ vựng tiếng Anh có tên P.M.S (Person Meaning System), hay còn gọi là hệ thống ngữ nghĩa cá nhân. Phương pháp này kích thích người học tự phân tích các từ, cụm từ, văn bản xa lạ thành những hình ảnh gần gũi với người học.
Các bước học thuộc nghĩa khi gặp một từ tiếng Anh mới:
Bước 1: Phải tìm được một hình ảnh ẩn bên trong từ đó.
Bước 2: Gắn nghĩa tiếng Việt của từ đó vào hình ảnh vừa tìm được.
Ví dụ: Từ Carpology (nghĩa: ngành nghiên cứu về rau củ quả). Ta tìm được từ "Car" ẩn bên trong nó, hình dung ngay đến hình ảnh chiếc ôtô. Sau đó, bạn tưởng tượng chiếc xe lao nhanh rồi đâm vào cột điện, rau củ quả văng ra từ thùng xe. Như vậy, ta đã tạo ra một file hình ảnh rất khó quên trong não bộ, gắn với nghĩa của từ Carpology.
Từ kỹ năng học từ vựng, Biswaroop phát triển thành bí quyết ghi nhớ những đoạn văn dài bằng tiếng Anh:
Bước 1: Rút gọn câu văn thành những ý chính.
Bước 2: Tìm một hình ảnh sự vật thật quen thuộc và gửi ý chính vừa rút gọn vào đó.
Việc gửi ý vào hình ảnh sự vật nào tùy thuộc khả năng tưởng tượng của mỗi người, hình ảnh càng sinh động thì càng dễ ghi nhớ.
Giới hạn duy nhất của phương pháp này chính là khả năng sáng tạo các câu chuyện bằng hình ảnh của người học.
Tiến sĩ Biswaroop Roy Chowdhury từng lập kỷ lục Guinness thế giới với việc ghi nhớ dãy 52 chữ số chỉ trong 1 phút.
Ông là người duy nhất đang giữ 2 kỷ lục của thế giới về Năng lực não bộ và Cơ thể vào thời điểm hiện tại.
Hiện Biswaroop là Chủ tịch Tổ chức Kỷ lục châu Á, Tổ chức Kỷ lục Ấn Độ, tiến sĩ Y khoa trường WRU, Anh Quốc. Ông được vinh danh tại Đại Học Oxford do có những đóng góp trong lĩnh vực đào tạo trí nhớ.