"Kỷ nguyên disco ở Hong Kong thật rực rỡ, khi Madonna, Rod Stewart, Anita Mui và Trương Quốc Vinh có thể nhảy múa suốt đêm ở Lan Quế Phường", đây là câu văn mở đầu bài viết về thời kỳ hưng thịnh của nhạc disco tại Hong Kong trên SCMP.
Thậm chí, nhạc disco và những vũ trường ở Hong Kong còn phát triển mạnh đến nỗi ngôi sao người Australia Kylie Minogue đã có buổi biểu diễn công khai đầu tiên tại nơi này, thay vì một địa điểm ở quê nhà hay nước Mỹ.
Từ cơn sốt "Saturday Night Fever"
Năm 1977, Saturday Night Fever bùng nổ trên màn ảnh rộng, trở thành cơn sốt ở các rạp chiếu phim lớn trên thế giới. Khán giả trẻ có xu hướng mường tượng bản thân là nam chính John Travolta với những bộ trang phục lộng lẫy đang quay cuồng trong vũ điệu disco thời thượng.
Nhạc disco trở thành xu hướng sau "cơn sốt" Saturday Night Fever của John Travolta và Donna Pescow. Ảnh: IMDb. |
Và thời điểm đó, Hong Kong được tiếp xúc văn hóa phương Tây sớm hơn nhiều nơi ở châu Á, trong đó có disco và văn hóa âm nhạc, thời trang trong Saturday Night Fever. Thời điểm này, ở Hong Kong chỉ có hai kênh truyền hình là TVB và Rediffusion TV với những chương trình lỗi thời, Canto-pop - dòng nhạc từng làm mưa làm gió tại châu Á - cũng chỉ mới ở thời kỳ sơ khai.
Nhạc disco và Saturday Night Fever đã thổi luồng gió mới vào nền giải trí có phần lạc hậu ở Hong Kong vào những năm 1977-1978.
Những năm này, Hong Kong được xem như nơi có nhiều hộp đêm, với những ánh đèn neon phô trương và bắt mắt nhất thế giới. Nhưng hộp đêm ở Hong Kong lại mang những đặc điểm riêng biệt, pha trộn nét văn hóa Trung Hoa với những cô tiếp viên xinh đẹp và ca sĩ hát trực tiếp tại hộp đêm - hình ảnh thường thấy trong những bộ phim Trung Quốc (chẳng hạn Tân dòng sông ly biệt).
Andrew Bull là DJ và là người được truyền thông phương Tây gọi là ông bầu huyền thoại của ngành giải trí Hong Kong thập niên 1980. Bull kể lại với SCMP câu chuyện về thời kỳ hoàng kim của nhạc disco ở Hong Kong.
Bull cho biết kỷ nguyên của hộp đêm disco hàng đầu thế giới những năm cuối thập niên 1970 như Disco Disco hay Canton Disco mở ra khi người đàn ông tên Huthart Jnr tìm thấy một tầng hầm ẩm thấp trong một tòa nhà ở góc phố D’Aguilar và Lan Quế Phường.
Huthart Jnr (phải) là người lập ra hộp đêm Disco Disco - nơi được ví là phiên bản Hong Kong của Studio 54 (New York, Mỹ). Ảnh: SCMP. |
Ban đầu, Bull - người đang làm chủ hộp đêm có trụ sở ở Thượng Hải, chơi DJ cho một vũ trường nổi tiếng ở khu Cửu Long - không tin rằng địa điểm Huthart Jnr lựa chọn là nơi phù hợp để mở hộp đêm.
"Nhưng Disco Disco được khai trương vào năm 1978, một năm sau sự xuất hiện của Studio 54 (hộp đêm nổi tiếng ở New York), ăn theo cơn sốt của Saturday Night Fever. Nhạc disco như một loại virus lây lan nhanh, và Huthart đã khởi đầu một ngành kinh doanh tuyệt vời", Bull nói.
Nơi Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương nhảy múa thâu đêm suốt sáng
Khi câu lạc bộ Disco Disco của Huthart Jnr khai trương, Bull đã chuyển sang làm DJ tại đây từ năm 1979 và được chứng kiến thời kỳ huy hoàng khi có hàng nghìn người xếp hàng đợi đến lượt vào câu lạc bộ. Hàng người kéo dài từ phố D'Aguilar đến Queen Street, đều là những người đợi được đặt chân lên sàn nhảy, hòa mình trong ánh sáng lấp lánh tỏa ra từ quả cầu disco và lắc lư theo điệu nhạc của You Make Me Feel (Mighty Real), Boogie Oogie Oogie...
Vào đầu thập niên 1980, giới chức quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh rượu, đồng thời bắt giam Huthart Jnr 13 tuần. "Tuy nhiên, không ai quan tâm việc đó, địa điểm vẫn chật cứng người hàng đêm dù không được bán rượu", SCMP viết.
Ann Tsang - một nhân vật khác xuất hiện trong bài viết của SCMP - cũng là nhân chứng sống của kỷ nguyên hoàng kim của disco tại Hong Kong. "Nơi đây (Hong Kong) tràn ngập sự hào nhoáng, những nhà thiết kế thời trang, ngôi sao điện ảnh và diễn viên truyền hình, hay những người mẫu như Grace Yu cũng ghé thăm vũ trường disco mỗi đêm", Tsang kể lại.
DJ Andrew Bull - người được mệnh danh là "ông bầu" huyền thoại ở Hong Kong, và cũng là người lập nên Canton Disco nổi danh một thời. Ảnh: SCMP. |
Thời điểm này, Lan Quế Phường - nơi tọa lạc hộp đêm Disco Disco - là nơi dành cho những tay chơi sành điệu và ngôi sao nổi tiếng nhất, chưa bị biến thành địa điểm gắn liền với hoạt động giải trí đồi trụy giai đoạn sau này.
Cô cho biết những đứa trẻ con nhà giàu được cho đi du học đều chọn Hong Kong làm nơi nghỉ hè. "Họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Tây, và họ đều say mê nhạc disco", Tsang nói.
Tsang cho biết âm nhạc ở Disco Disco không chỉ có nhạc disco thịnh hành, mà còn cả hip hop thời kỳ đầu, khiến dòng nhạc mới mẻ này được lan truyền rộng rãi trước khi kênh MTV xuất hiện vào năm 1981. Ann Tsang nhớ lại: “Hầu hết nhạc disco vào thời điểm đó là nhạc đen (âm nhạc được tạo ra, sản xuất hoặc lấy cảm hứng từ người da màu, người gốc Phi), đó là Jackson 5 (nhóm nhạc của "ông hoàng nhạc pop" Michael Jackson), Earth, Wind & Fire... Nhưng nhạc điện tử cũng xuất hiện ở đây từ rất sớm".
Không chỉ giới trẻ, các ngôi sao hàng đầu ngành giải trí Hoa ngữ thời điểm đó cũng là khách quen của các hộp đêm disco, như Trần Bách Cường, Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương... Ngay cả Madonna hay Sean Penn cũng từng ghé qua Disco Disco.
Hộp đêm Disco Disco được ví như Studio 54 của Hong Kong, là địa điểm thu hút những người nổi tiếng nhất và là nơi các ngôi sao có thể thoải mái tiệc tùng mà không sợ bị quấy rầy.
DJ Roy Malig kể thêm: “Hộp đêm đầu tiên tôi chơi nhạc là The Cage, vào đầu năm 1979, nằm ngay gần đường Carnarvon, ở Tiêm Sa Chủy (Cửu Long, Hong Kong). Đây là hộp đêm nhỏ, nhưng có những nhà tạo mẫu tóc, người mẫu và nghệ sĩ ghé thăm và nhảy múa thâu đêm suốt sáng".
Kylie Minogue biểu diễn đêm nhạc đầu tay ở Canton Disco, Madonna hay Mai Diễm Phương, Trương Quốc Vinh đều là khách quen của các hộp đêm disco tại Hong Kong. Ảnh: SCMP. |
"Karaoke đã hủy hoại cơn sốt disco"
Cuối thập niên 1970 tới đầu thập niên 1980 là thời điểm cuộc sống về đêm của Hong Kong bùng nổ, rực sáng.
Tranh thủ sức hút của cuộc sống và âm nhạc ban đêm, DJ Bull mở thêm một cửa hàng băng đĩa ở Lan Quế Phường, sau đó được một nhà đầu tư tên Tony Law rót vốn để biến cửa hàng thành hộp đêm ăn khách tiếp theo ở Hong Kong.
Bull am hiểu thị trường, là DJ và từng làm việc ở Disco Disco. Đây là những điều kiện tuyệt vời để anh lập ra hộp đêm mới, và Canton Disco ra đời với nguồn vốn từ Tony Law.
Khác với Disco Disco đậm chất New York (do du nhập hoàn toàn văn hóa của Mỹ), Canton Disco của Bull dung hòa những đặc điểm vốn có và rất đặc trưng của người dân Hong Kong.
“Canton Disco như hiện thân của mảnh đất Hong Kong, dám tạo ra và khoe cá tính riêng của mình trong thời điểm ấy”, Bull nói. Nam DJ cho rằng Canton Disco đã truyền cảm hứng cho G.O.D và thương hiệu thời trang I.T., tất cả đều phản ánh nét văn hóa độc đáo của Hong Kong.
Không lựa chọn quảng bá hộp đêm qua báo chí, Bull chọn phương pháp truyền miệng. Thực tế, đây là phương pháp hiệu quả nhất, khi anh để những người trẻ rỉ tai nhau về "sàn nhảy thú vị nhất từng xuất hiện tại Hong Kong".
"Đó là lý do tại sao 11.000 người đã xuất hiện trước cửa Canton Disco vào đêm khai trương, dù câu lạc bộ chỉ có sức chứa 1.500 người", Bull kể lại với SCMP.
Canton Disco và Disco Disco là biểu tượng cho kỷ nguyên hưng thịnh của nhạc disco tại Hong Kong vào đầu thập niên 1980. Ảnh: SCMP, Mixing Asia. |
Để tăng sức hút cho hộp đêm của mình, Bull mời thêm nhiều ngôi sao tới biểu diễn tại Canton Disco, biến nơi đây trở thành địa điểm cho các chuyến lưu diễn quảng bá âm nhạc của nghệ sĩ quốc tế. Ngôi sao người Australia Kylie Minogue đã có đêm nhạc trực tiếp đầu tiên trong sự nghiệp tại Canton Disco.
Bull kể các ngôi sao quốc tế như Swing Out Sister, Pepsi & Shirlie, Divine và Herbie Hancock đều đã xuất hiện ở Canton Disco.
Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, các hộp đêm disco dần mất đi sức hút, ngay cả những câu lạc bộ hàng đầu như Disco Disco hay Canton Disco cũng mất đi vẻ rực rỡ.
Nguyên nhân của sự suy thoái đến từ "cơn sốt" khác có nguồn gốc từ Nhật Bản: Karaoke.
Tự mình ca hát, nhập vai vào vị trí ca sĩ dần trở thành phương pháp giải trí hấp dẫn hơn việc nhảy múa, khiêu vũ trong hộp đêm. Từ đó, người trẻ chuyển sang "điểm danh" ở các quán karaoke nhiều hơn là các sàn nhảy.
Từng làm DJ ở khắp Hong Kong, chứng kiến giai đoạn hưng thịnh rồi suy tàn của những hộp đêm rực rỡ ánh đèn, DJ Roy Malig nói: "Chính karaoke đã giết chết disco".