Christina Opie, 21 tuổi, cho biết cô dành hơn 10 giờ mỗi ngày tại trung tâm Kpop ở Los Angeles, California. Cô không chỉ trau dồi giọng hát, vũ đạo mà còn làm quen với sản xuất âm nhạc, ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc.
Christina Opie chuẩn bị tham gia quá trình tuyển chọn kéo dài 16 tuần của Viện Kpop Mỹ, APP16. Theo Opie, cô mong muốn trở thành một thần tượng Kpop nổi tiếng và truyền cảm hứng như Chungha.
“Tôi đã tìm thấy Kpop trong khoảng thời gian khó khăn của cuộc đời và nó cổ vũ tôi. Tôi luôn cảm thấy thoải mái khi thể hiện bản thân thông qua các loại hình nghệ thuật hơn lời nói trực tiếp. Vì vậy, việc đào tạo thanh nhạc là điều tôi cần làm trong cuộc đời. Tôi thấy mình không có lựa chọn nào khác”, Opie nói với The Korea Herald.
Kpop nổi lên trong dòng chảy chính thống ở Mỹ
Rất nhiều bạn trẻ nước ngoài đã đến Hàn Quốc từ nhiều năm trước, gõ cửa viện đào tạo hoặc tham gia cuộc thử giọng toàn cầu của các công ty giải trí để tìm kiếm cơ hội trở thành ca sĩ tại đất nước này. Do đó, việc người nước ngoài ra mắt trong các nhóm nhạc Hàn Quốc đã không còn là điều xa lạ.
Tuy nhiên, nếu trước đó, hầu hết cuộc thi tìm kiếm tài năng của các công ty giải trí diễn ra ở châu Á thì gần đây, các nước phương Tây, đặc biệt Mỹ trở thành điểm đến tiềm năng, đặc biệt sau thành công của BTS và BlackPink.
Theo Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc Los Angeles - một cơ quan do chính phủ điều hành chuyên giới thiệu văn hóa Hàn Quốc đến cộng đồng địa phương - Kpop đã trở thành một phần trong các xu hướng thịnh hành tại Mỹ.
BTS có công lớn trong việc đưa Kpop tới Mỹ. Ảnh: Hybe. |
“Vào đầu những năm 2000, nhờ sự phổ biến của một số nhóm nhạc như TVXQ, Super Junior, SNSD ở Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á, Kpop bắt đầu hình thành nhóm fan tuổi teen trong cộng đồng người châu Á và gốc Tây Ban Nha. Nhưng với sự phát triển vượt bậc của các phương tiện truyền thông xã hội, Kpop đã lan truyền qua nhiều kênh khác nhau, trở nên phổ biến trong xã hội, bất kể tuổi tác và chủng tộc”, một nhân viên từ trung tâm văn hóa nói với The Korea Herald.
Các khóa đào tạo của Viện Kpop Mỹ diễn ra thường niên kể từ năm 2016, ngoại trừ năm 2019 bị hủy bỏ do Covid-19. Viện chứng kiến số lượng người nộp đơn tăng liên tục trong những năm qua và đạt mức cao nhất là 283 người vào năm 2021.
Joyce Park, giám đốc điều hành của một trung tâm Kpop, cho biết âm nhạc Hàn Quốc đã nâng cao vị thế hơn bao giờ hết trong xã hội Mỹ, chủ yếu nhờ thành công phi thường của BTS.
“Mỹ đang chấp nhận Kpop nhiều hơn. Có nhiều người chấp nhận sự thật thần tượng Kpop có thể thành công ở đây. BTS chắc chắn đã mở ra rất nhiều cánh cửa, vì vậy việc ra mắt ở Mỹ với tư cách một thần tượng châu Á hoặc Kpop sẽ không phải vấn đề”, Joyce Park nói.
Xuất khẩu hệ thống đào tạo Kpop
Nhóm nhạc đa quốc tịch như Enhypen và TXT đã trở thành tiêu chuẩn mới cho các tân binh ra mắt những năm gần đây. Trong khi đó, một số công ty giải trí đã tiến hành bước xa hơn, đó là thông báo kế hoạch ra mắt các nhóm nhạc bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc. Hai trong số những công ty lớn nhất của Kpop, SM Entertainment và Hybe, chuẩn bị ra mắt nhóm nhạc nam thông qua các cuộc thi dự kiến phát trên truyền hình Mỹ trong năm 2022. Hybe sẽ hợp tác với Geffen Records, chi nhánh của Universal Music Group và SM với MGM Worldwide Television.
Nhóm nhạc TXT - đàn em cùng công ty với BTS. Ảnh: Hybe. |
Brandon Jung - một nhà sản xuất âm nhạc có trụ sở tại LA, người đã làm việc với Hybe và các nghệ sĩ của họ - cho biết trung tâm Kpop được thành lập để giới thiệu mô hình đào tạo có tổ chức, cường độ cao mà các thực tập sinh tại Hàn Quốc phải trải qua. Theo Jung - điều phối viên chương trình của APP16 - khóa học kéo dài 16 tuần không chỉ trang bị tài năng mà còn giúp học viên có cái nhìn tổng quát về quá trình ra mắt.
“Chương trình giống buổi thử giọng giả, tương tự Produce 101. Họ có một bài hát để biểu diễn thuần thục trong 8 tuần. Họ học vũ đạo, hát và thậm chí trải nghiệm mọi thứ. Họ học về sản xuất, thu âm, hòa âm, làm chủ sân khấu”, anh nói.
“Khi các công ty tuyển dụng nhân tài, chủ yếu ứng cử viên là những người chưa được đào tạo. Nhu cầu về đào tạo Kpop ngày càng nhiều, nhưng không có đủ nguồn cung, vì vậy chúng tôi quyết định tự mình làm điều đó”, Jung cho biết thêm.
Theo Brandon Jung, khóa đào tạo cung cấp cho các nhân tố trẻ kiến thức cơ bản để họ tự tin hơn khi tham gia quá trình tuyển chọn của công ty giải trí. Từ đó, nâng cao cơ hội chiến thắng và trở thành thực tập sinh trong các công ty giải trí lớn.
Kpop: Câu chuyện truyền cảm hứng
Như được đề cập trong thuật ngữ “thần tượng”, idol Kpop không chỉ là những nghệ sĩ biểu diễn hoàn hảo. Theo The Korea Herald, họ là đại diện cho một người mà người khác có thể ngưỡng mộ. Họ đến với một câu chuyện đầy cảm hứng và tính cách dễ hiểu.
Lando Lee Wilkins, một vũ công và biên đạo múa, người từng làm việc với nhiều ngôi sao Kpop toàn cầu, bao gồm BTS, Jay Park và Monsta X, cho biết định hình tính cách là một trong những yếu tố mà các giảng viên lưu ý khi huấn luyện học viên tại trung tâm.
Sự cố gắng và tài năng của Taeyong truyền cảm hứng cho người hâm mộ. Ảnh: Disptach. |
Rammus Lo, một người Mỹ gốc Hoa 18 tuổi đang theo học Đại học California ở Los Angeles chọn nghệ sĩ Kpop yêu thích của cô là Taeyong NCT.
“Tôi không theo dõi nhóm nào, nhưng tôi nghĩ nhóm NCT thực sự tốt. Các điệu nhảy của họ cuốn hút và họ hát hay. Tôi đặc biệt thích Taeyong và câu chuyện của anh ấy vì tôi nghe nói anh ấy là thực tập sinh nhảy giỏi nhất. Và bây giờ anh ấy là vũ công giỏi nhất”, Rammus Lo nói.
Jade de Perio, người đang tham gia khóa học APP16 cũng đồng ý tinh thần truyền cảm hứng của các nghệ sĩ Kpop là điều đã thu hút cô ngay từ đầu.
“Nghe những câu chuyện của họ và những gì họ đã trải qua để được ra mắt có ý nghĩa rất lớn với tôi. Nó đã cho tôi rất nhiều can đảm để có thể theo đuổi đam mê của mình. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi cũng có thể hát, nhảy và biểu diễn”, thực tập sinh 22 tuổi nói với The Korea Herald.
De Perio nói thêm: “Các thần tượng Kpop kết nối với người hâm mộ theo cách chân thật. Mọi người tìm kiếm sự dũng cảm và hy vọng trong những mối liên hệ như thế. Tôi nghĩ đó là điểm khác biệt của Kpop so với các thể loại khác. Họ đang nỗ lực để kết nối với người hâm mộ thường xuyên hơn”.
Christina Opie đồng tình: "Tôi lắng nghe các nghệ sĩ Mỹ bởi tôi lớn lên ở đây và điều đó càng khiến tôi thích những gì họ làm ra. Nhưng tôi cảm thấy mối liên hệ giữa bản thân với nghệ sĩ Mỹ không nhiều như với Kpop. Thần tượng Kpop đã nỗ lực rất nhiều để luôn kết nối với người hâm mộ. Họ khiến tôi thấy bản thân quan trọng”.
Tương lai của Kpop ở Mỹ
Ngoài hai nhóm nhạc nam chuẩn bị ra mắt tại công ty Hybe và SM, CJ ENM cũng thông báo họ tổ chức chương trình thử giọng tại châu Mỹ Latinh, hợp tác với HBO Max và Endemol Shine Boomdog. Qua đó, họ ra mắt một nhóm nhạc nam mang phong cách Kpop ở Mỹ.
Vào tháng 11/2021, Hybe America và Geffen bắt đầu quá trình tuyển chọn để thành lập nhóm nhạc nữ tại Mỹ. Các thành viên sẽ được đào tạo theo hệ thống Kpop ở Los Angeles.
“Tôi nghĩ chúng ta đang ở điểm bắt đầu của một loạt thay đổi, một thời kỳ mới và Hybe là người đi đầu. Họ nhận ra đây là điều công chúng mong muốn. Với việc ngày càng nhiều tân binh tràn ra khỏi Hàn Quốc, chúng tôi kỳ vọng có một nhóm nhạc bứt phá trên thị trường toàn cầu và hy vọng trung tâm của chúng tôi có thể đóng vai trò nào đó”, Brandon Jung nói.
Theo Wilkins, những năm qua, Kpop đã chứng tỏ khả năng và lập trường cạnh tranh trong bối cảnh âm nhạc toàn cầu.
“Kpop không có bất kỳ sự sụt giảm lớn nào, trái ngược với Mỹ - nơi âm nhạc luôn thay đổi đến mức nghệ sĩ không kết nối được”, Lando Lee Wilkins nhận định.