Không cao như Everest (8.849 m), đỉnh K2 chỉ có độ cao 8.611 m. Tuy nhiên, trong giới leo núi, việc chinh phục K2 không phải điều nhà leo núi nào cũng có thể thực hiện.
Bên cạnh vấn đề chi phí, hiểm nguy khi leo K2 cũng là điều khiến nhiều người ngần ngại. Sự khắc nghiệt, khốc liệt trên quãng đường lên đỉnh khiến K2 còn nổi tiếng với tên "Savage Mountain" (tạm dịch: Ngọn núi hung bạo).
Từ trước khi hoàn thành mục tiêu "thất đỉnh", kỹ sư Khải Nguyễn đã mơ tới ngày chạm đỉnh K2. Với anh và cả cộng đồng leo núi, đó là thử thách lớn, thậm chí còn hơn cả Everest. Dù khó khăn là thế, Khải Nguyễn cũng đã thành công
Cái chết rình rập
Một trong những yếu tố khiến nhiều nhà leo núi ngần ngại chinh phục K2 là tỷ lệ tử vong quá cao. Tỷ lệ người chết khi leo K2 là 4:1 (bốn người leo, một người chết). Đặc biệt vào mùa đông, hầu như không ai dám liều lĩnh để chinh phục đỉnh núi này.
Trao đổi với Zing, Khải Nguyễn nói mình đã nghĩ tới việc chinh phục K2 từ khá lâu, trước cả khi hoàn thành "thất đỉnh". Với anh, K2 là thử thách một nhà leo núi khát khao vượt qua. Thậm chí, ước mơ chinh phục K2 còn cao hơn cả Everest.
"Không có quy định nào về việc leo K2. Nếu chịu tìm hiểu, ai cũng biết nó là một đích đến khó và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Người leo cần có sức khỏe và kỹ năng tốt. Có một số người chưa bao giờ leo núi cao trên 8.000 m vẫn leo được K2. Con số này khá ít khi so sánh với những người dám leo Everest mà trước đó chưa từng chinh phục núi cao trên 8.000 m", Khải Nguyễn chia sẻ.
Bản đồ hành trình chinh phục K2. Ảnh: Google Earth. |
Như những người lần đầu leo K2, Khải Nguyễn cũng phải dành thời gian tìm hiểu kỹ về hành trình lên đỉnh này.
Trong thời gian tham khảo tài liệu, anh đã đánh dấu được một số điểm "cực kỳ nguy hiểm" tại K2. Đó là đoạn "Bottleneck" (tạm dịch: cổ chai), nằm giữa trạm 4 và đỉnh. Ngoài ra còn có đoạn House's Chimney (tạm dịch: ống khói) trên đường tới trạm 2 và Black Pyramid (tạm dịch: kim tự tháp đen) nằm giữa trạm 2 và trạm 3.
"Tại K2, đá rơi rất nhiều vì núi có độ dốc lớn, không thể bám được lâu. Khi trời tối, đá còn rơi nhiều hơn vì băng tuyết giữa các hòn đá tan ra khiến lớp tuyết không còn chắc chắn. Điều này tạo ra các vụ lở tuyết. Ngoài ra, việc tuyết rơi quá dày cũng là nguyên nhân", anh nói.
Khởi đầu
19/6, Khải Nguyễn cùng đoàn di chuyển bằng xe jeep từ Skardu đến trạm Jhula. Hai điểm cách nhau khoảng 10 giờ chạy xe. Đường đi xấu, toàn đất đá. Thỉnh thoảng lại có người trong đoàn đập đầu vào trần xe. Có đoạn, đá rơi móp chiếc xe jeep nhưng may mắn không ai bị thương.
Từ trạm Jhula, Khải Nguyễn trek đến trại nền (K2BC), cách đó khoảng 5.000 m. Anh phải đi mất 6 ngày mới đến được nơi.
Đường trek tới trại nền của K2 nguy hiểm hơn nhiều so với trại nền của Everest - vốn là cung đường được nhiều dân du lịch lựa chọn. Địa hình khá phức tạp với đá, sông băng hay cả khe nứt sông băng. Xuyên suốt quãng đường, anh không thấy một người bản địa nào sống ở đây.
Khung cảnh nhìn từ K2BC. Ảnh: Khải Nguyễn. |
Quãng thời gian 6 ngày hóa ra vẫn còn khá nhanh. Theo Khải Nguyễn, khi đoàn tới K2BC, trại còn khá vắng. Sau đó một tuần, số người đã tăng lên chóng mặt.
Trong đoàn của Khải Nguyễn, không có khách hàng nào từng leo K2. Tuy nhiên, họ được đảm bảo an toàn bởi những sherpa dày dạn kinh nghiệm, có người đã chinh phục K2 tới 3 lần.
29/6, Khải Nguyễn và các thành viên trong nhóm có lần leo xoay vòng đầu tiên. Đây là hoạt động cần thiết để cơ thể thích nghi với độ cao. Họ không leo quá xa, chỉ lên tới trại đầu tiên (6.065 m) rồi quay về trại nền chỉ trong một ngày.
"Chúng tôi nói chuyện với nhau về những lần leo xoay vòng. Một số người leo khá tốt nhưng cũng có người bắt đầu lung lay ý chí. Trong nhóm tôi còn có một thành viên bị ASM (say độ cao). Người này đã chọn không leo nữa chỉ sau lần xoay vòng đầu tiên do thấy quá nguy hiểm", anh kể.
Hành trình lên đỉnh
"Ngay từ những lần leo xoay vòng, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tuyết lở sát cạnh. Đá lăn xuống cũng thường xuyên. Chắc đây là đặc sản đãi khách của K2. Chỉ mới bắt đầu, tôi đã thấy sự khác biệt giữa hành trình lên đỉnh K2 và Everest: chỉ thấy leo lên và leo lên, không có đoạn nào phẳng như đoạn từ trại một đến trại hai ở Everest", anh kể.
Năm nay, có khá nhiều người leo K2 nên đá rơi cũng nhiều hơn.
Sau những lần leo xoay vòng, ngày 18/7, Khải Nguyễn chính thức bắt đầu hành trình lên đỉnh. Khi đang lên trại một, anh đã dính trọn một viên đá nhỏ cỡ viên bi bắn thẳng vào đầu gối trái. Nhờ mặc nhiều lớp quần áo, nhà leo núi Việt chỉ bị đau nhẹ.
Những chiếc lều được dựng cheo leo tại trại 2. Ảnh: Khải Nguyễn. |
Tuy vậy, đặc sản đá rơi của K2 không chịu "buông tha" anh. Khi lên trại 2 (6.700 m) vào ngày hôm sau, anh lại bị người leo trước vô tình làm rơi một hòn đá cỡ quả bưởi nhỏ trúng ống quyển. Dù vậy, hòn đá rơi ngay gần nên lực không mạnh, chỉ đủ khiến Khải Nguyễn có thêm một vết bầm.
"Những người leo ít kinh nghiệm khiến đá rơi nhiều hơn", anh giải thích.
Đến 21/7, Khải Nguyễn đã lên đến trại 4 (7.820 m). Lúc này, từ chỗ của anh lên đỉnh cũng không xa, chỉ khoảng 800 m. Thời tiết ở trại 4 hôm ấy khá tốt nhưng tới tối gió thổi mạnh. Sau 3 giờ gió gầm rú, thời tiết bắt đầu ổn hơn. Khoảng 21h30 hôm ấy, đoàn tiếp tục hành trình lên đỉnh.
Khi tới Bottleneck, trời vẫn tối. Khải Nguyễn đã đọc nhiều về nơi này. Đó là đoạn nguy hiểm bậc nhất trên đường lên đỉnh K2. Đường đi dốc, khó và có những vòm băng treo trên đầu. Những tảng băng này như "quả bom nổ chậm" có thể rơi xuống bất cứ khi nào. Do đó, Bottleneck được xem là đoạn leo nổi tiếng nhất trên K2.
Khải Nguyễn chụp ảnh ở trại 4 với khung cảnh phía sau là Bottleneck (đoạn băng nhô ra). Ảnh: Khải Nguyễn. |
"Tìm hiểu nhiều nhưng lúc lên đó trời tối thui, tôi không chiêm ngưỡng được hết sự vĩ đại của tảng băng. Năm nay, vì khá đông người leo K2 nên Bottleneck bị tắc đường. Tôi bị tắc đường hơn 30 phút tại đây", kỹ sư người Việt kể.
Việc dính tắc đường tại đây tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà leo núi. Các tài liệu về Bottleneck đều khuyến cáo các nhà leo núi cần đi qua đoạn này càng nhanh càng tốt. Theo cảm nhận của Khải Nguyễn, tuyết đoạn này rất khô, tựa đường cát trắng. Điều khó chịu là tuyết cứ chảy như khi ta đổ đường từ bịch ra.
Bị mắc kẹt ở đoạn đường dốc 70-75 độ và tuyết cứ liên tục chảy rõ ràng không phải trải nghiệm dễ chịu với những người leo núi hôm ấy. Sau khi vượt qua Bottleneck, Khải Nguyễn đến một đoạn tương đối khó nhằn bởi phải vận dụng kỹ thuật leo mũi chân.
Đây cũng là nơi thi thể của nhà leo núi John Snorri đang "tạm yên nghỉ". Cái chết của nhà leo núi này vào mùa đông năm 2021 cùng những nỗ lực đưa thi thể về nhà từ gia đình đã tốn khá nhiều giấy mực của truyền thông.
Đoạn lên đỉnh còn lại vẫn khá dốc nhưng không mấy khó khăn. Khoảng 5h10 ngày 22/7, Khải Nguyễn đặt chân lên đỉnh K2 - chính thức hoàn thành ước nguyện bao lâu của mình. Trời hôm ấy mây nhiều nên anh không thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của dãy Karakorum (K2 thuộc dãy này).
"Suốt hành trình, tôi luôn giữ tâm mình thật tĩnh và thoải mái. Tôi tránh nghĩ về những nguy hiểm có thể gặp phải. Lần leo Everest năm 2021, tôi cũng áp dụng cách này và leo khá thành công. Dù vậy, gần tới đỉnh, tôi cũng xúc động lắm bởi đây là mơ ước từ rất lâu. Tuy nhiên, tôi vẫn kìm nén cảm xúc đó lại để cảm nhận nhiều hơn khung cảnh trước mắt", anh kể.
Khải Nguyễn (trái) và sherpa trên đỉnh K2. Ảnh: Khải Nguyễn. |
Hành trình của Khải Nguyễn chưa kết thúc. K2 không chia tay các nhà leo núi dễ dàng như thế. Ngày 23/7, anh từ trại 2 quay về trại nền. Khi dừng ở trại một nghỉ ngơi, Khải Nguyễn nghe thấy một người hô lớn "Đá kìa". Vừa quay lại, một hòn đá lớn như từ trên trời rơi xuống thẳng chiếc lều ở dưới. May mắn thay, không ai ở trong lều lúc đó.
Và đó cũng là "món quà" cuối cùng K2 "tặng" cho nhà leo núi Việt cùng những người bạn đồng hành. Khải Nguyễn nói dù đã hoàn thành "thất đỉnh" lẫn K2, cảm xúc với những ngọn núi của anh vẫn không thay đổi. Mỗi hành trình là một trải nghiệm riêng với những khung cảnh và người đồng hành khác.
"Tôi còn muốn leo nhiều, chỉ sợ không đủ điều kiện tài chính và thời gian thôi. Tôi cũng muốn tăng độ khó như leo không cần oxy hoặc leo trong mùa đông. Đây là những chuyến leo rất khó và chỉ một số ít người có thể làm được", anh tâm sự.