Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Ký tên lên tranh, khẩu chiến trên mạng và trách nhiệm người nổi tiếng

Duy trì môi trường tranh luận lành mạnh, văn minh là trách nhiệm của mỗi người. Khi đã là người của công chúng, trách nhiệm đó càng nặng nề và cần được ý thức nhiều hơn.

Dam Vinh Hung xin loi anh 1

ký tên lên tranh, khẩu chiến trên mạng và trách nhiệm người nổi tiếng

Duy trì môi trường tranh luận lành mạnh, văn minh là trách nhiệm của mỗi người. Khi đã là người của công chúng, trách nhiệm đó càng nặng nề và cần được ý thức nhiều hơn.

Dam Vinh Hung xin loi anh 2

Dam Vinh Hung xin loi anh 3

Đỗ Thùy Linh

Đỗ Thùy Linh là phóng viên, dịch giả tự do làm việc tại Hà Nội. Chị có bằng Cử nhân văn chương của Đại học Massachusetts - Boston (Mỹ), từng làm việc, cộng tác với nhiều ấn phẩm Anh ngữ tại Việt Nam.

Việc Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên trong đêm nhạc từ thiện “Tình nghệ sĩ”, theo yêu cầu của một mạnh thường quân, đã ký tên làm lem nhem bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình, gợi nhớ câu đối đáp kinh điển của Lizzy Bennet về sự kiêu căng của chàng Darcy trong cuốn tiểu thuyết Kiêu hãnh và định kiến của nữ văn sĩ người Anh, Jane Austen.

"Tình" của nghệ sĩ

Cô bạn thân của Lizzy cho rằng Darcy có quyền kiêu hãnh, vì chàng trẻ tuổi, đẹp trai, xuất thân quý tộc, lại giàu có nữa. “Điều này là hoàn toàn đúng” - Lizzy trả lời - “Và mình có thể dễ dàng tha thứ cho lòng kiêu hãnh của anh ta, nếu anh ta không sỉ nhục lòng kiêu hãnh của mình”.

Darcy tự cho mình quyền khinh thường người khác, chê Lizzy xấu, xúc phạm lòng kiêu hãnh của đối phương bởi chàng có địa vị xã hội cao hơn Lizzy, cô gái trẻ chống đối áp lực cưới chồng giàu từ mọi phía.

Cũng như câu chuyện tình yêu nam nữ, cuộc chiến của những cái tôi có lẽ xưa như trái đất, nan giải, khó có bồi thẩm đoàn nào xử lý được, chỉ hy vọng vào sự minh triết của các bên.

Cuộc tranh luận xung quanh việc chữ ký của ca sĩ đè lên tranh của họa sĩ cũng ám chỉ bài học cần rút ra về cái '"tình" mà nghệ sĩ nên dành cho những đứa con tinh thần của nhau.

Nhìn từ quan điểm của họa sĩ Hứa Thanh Bình, người đã khiêm tốn giấu tên, gửi bức tranh ngựa tham gia từ thiện, thì bức tranh là thành quả lao động, là đứa con tinh thần, là lòng kiêu hãnh của ông.

Lý giải cho hành động ký tên lên tranh, ca sĩ Vũ Hà phản biện rằng vì người mua tranh vui vẻ yêu cầu, các ca sĩ mới ký tên lên tranh.

Nói vậy không hề sai, nhưng cũng không đúng. Nếu ca sĩ biết trân trọng tiếng hát của mình, họ sẽ biết tôn trọng thành quả lao động và lòng kiêu hãnh của nghệ sĩ khác. Xét cho cùng, cái tên “tình nghệ sĩ” của đêm nhạc không chỉ ám chỉ tình cảm dành cho hai nghệ sĩ vắng mặt là Lê Bình và Mai Phương đang bị bệnh ung thư.

Cuộc tranh luận xung quanh chữ ký của ca sĩ đè lên tranh của họa sĩ cũng ám chỉ bài học cần rút ra về cái “tình” mà những nghệ sĩ nên dành cho đứa con tinh thần của nhau. Như vậy, câu trả lời cho phản biện của Vũ Hà là: Không, đáng ra dù có được yêu cầu, các ca sĩ cũng không nên làm như vậy.

Bức tranh xô bồ của thời đại

Sau khi quả bóng trách nhiệm được đá sang sân của mạnh thường quân, ta có thể tiếp tục đánh giá yêu cầu của người mua tranh như thế nào?

Người mua tranh cũng có lòng kiêu hãnh đáng trân trọng. Lòng kiêu hãnh ở đây được thể hiện bằng đồng tiền, một khoản đáng quý có thể giúp cứu sống người khác. Đồng thời, mạnh thường quân cũng biết yêu nghệ thuật: Yêu hội họa nên khán giả mới bỏ ra 200 triệu đồng để mua tranh; và yêu âm nhạc nên mới mời các ca sĩ ký tên lên tranh..

Thực ra, nếu nhìn từ quan điểm của nghệ thuật đương đại, ta có thể phản biện rằng bức tranh nhập nhằng này là một sản phẩm văn hóa thú vị, phản ánh được sự chật chội, xô bồ của thời đại.

Chỉ có điều, sự hưng phấn với nhiều loại tình yêu khác nhau đã khiến khán giả quên mất rằng tốt nhất không nên để hai tình yêu của mình gặp nhau, rồi chồng chéo xung đột. Vì khi làm như vậy, kết quả mà ta nhận được là sản phẩm tranh không ra tranh, chữ ký không ra chữ ký - một sự nhập nhằng vô giá trị.   

Thực ra, nếu nhìn từ quan điểm của nghệ thuật đương đại, ta có thể phản biện rằng bức tranh nhập nhằng này là sản phẩm văn hóa thú vị, phản ánh được sự chật chội, xô bồ của thời đại.

Nếu vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: Có phải đã đến lúc chúng ta nên coi nhau, coi những tương tác hàng ngày giữa người với người quan trọng hơn, là một hình thức nghệ thuật sống cao hơn, phức tạp hơn nghệ thuật theo cách hiểu từ trước đến nay không?

Nếu câu trả lời là có, việc kiểm soát lời ăn tiếng nói, giữ thể diện cho nhau, không để xung đột leo thang, sẽ là “bức tranh” cuối cùng, đẹp hơn cả. Và trách nhiệm, ý thức từ người của công chúng trong vấn đề này càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Việc một họa sĩ đã dùng ngôn từ tục tĩu xúc phạm Đàm Vĩnh Hưng là sai. Thế nhưng, việc Đàm Vĩnh Hưng đưa ra lời xin lỗi thách thức kèm hình ảnh không đẹp trên Facebook là một cái sai khác. Hai cái sai không làm nên một cái đúng.

Việc một họa sĩ dùng ngôn từ tục tĩu xúc phạm Đàm Vĩnh Hưng là sai. Thế nhưng, Đàm Vĩnh Hưng đưa ra lời xin lỗi thách thức kèm theo hình ảnh không đẹp trên Facebook là một cái sai khác. Hai cái sai không làm nên một cái đúng.

Hình ảnh “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại” giữa những người của công chúng diễn ra trong bối cảnh mạng xã hội ở Việt Nam gần đây xuất hiện nhiều chủ đề tranh luận gay gắt, từ vấn đề dạy tiếng Việt như thế nào cho tốt, cho đến tình huống có tính tượng trưng cao là chữ ký của ca sĩ đè lên bức tranh của họa sĩ.

Vì phản ứng nhất thời thường làm nóng mặt các bên, nhiều người quan sát lo lắng rằng người Việt Nam không biết tôn trọng nhau, không có văn hóa tranh luận.

Mặc dù nhận xét này là chính đáng, đây không phải là vấn đề của riêng người Việt. Mạng xã hội đang làm đảo lộn nhiều giá trị, và tạo ra nhiều giá trị mới, lạ lẫm mà ngay cả ở Mỹ, quê hương của Facebook và nhiều mạng xã hội khác. Các công dân cũng bị cuốn vào những cuộc tranh luận rất bản năng, không bên nào chịu nghe bên nào.

Được coi là một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc đương đại, sở hữu nhiều sản phẩm thành công và những tour diễn cháy vé, Taylor Swift là người có khả năng đối phó đám đông trên mạng xã hội.

"Nếu ai đó nói xấu bạn trên mạng, cách duy nhất để vượt qua nó là không quan tâm đến những gì họ nói”, Swift từng phát biểu.

Nữ ca sĩ nổi tiếng lựa chọn không đôi co, mà tập trung sáng tác. Trong album Reputation, cô khẳng định con người cũ của mình “đã chết” và thay vào đó là một Taylor Swift lạnh nhạt với những tin đồn, một thái độ nghệ thuật đáng học hỏi.

Tranh luận là tốt, nhờ tranh luận mà nhiều câu hỏi, vấn đề tri thức hóc búa được đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, cái cần trong mọi cuộc tranh luận là các bên phải thực sự lắng nghe luận điểm của nhau. Điều quan trọng của mọi cuộc tranh luận là cùng nhau tìm ra giải pháp, để không ai bị tổn thương. Vì xét cho cùng, chúng ta vừa khác lại vừa giống nhau: Ai cũng hướng thiện, yêu cái đẹp.

Duy trì một môi trường tranh luận lành mạnh, văn minh là trách nhiệm của mỗi người. Khi đã là người của công chúng, trách nhiệm đó càng nặng nề và càng cần được ý thức nhiều hơn.

Dam Vinh Hung xin loi anh 4

#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.


Đỗ Thùy Linh

Illustration: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm