Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ thi bước ngoặt, viết lại số phận của người trẻ Trung Quốc

"Với người bình thường, gaokao là cách dễ nhất và tốt nhất để vươn lên một giai tầng mới".

Năm 2020, hơn 10 triệu thí sinh Trung Quốc bước vào kỳ thi gaokao - kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất thế giới. Chỉ 44% trong số này có cơ hội vào đại học.

Nhiều người xem gaokao Trung Quốc là cơ hội, bước ngoặt để đổi đời. Chính vì vậy, sự cạnh tranh càng trở nên khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, gaokao có thực sự khiến số phận, cuộc đời của một người thay đổi. Đạo diễn Trịnh Kỳ đã mất 6 năm hoàn thành bộ phim tài liệu có tên Lối thoát để trả lời cho câu hỏi này. Bộ phim kể về quá trình trưởng thành của 3 đứa trẻ vùng nông thôn, thành thị Trung Quốc.

thi dai hoc trung quoc anh 1

Nhân vật Mã Bạch Quyên trong phim tài liệu "Lối thoát". Ảnh: Sohu.

Nhân vật đầu tiên là cô bé Mã Bạch Quyên, đến từ một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Cam Túc. Năm 12 tuổi, trong khi bạn bè đều tốt nghiệp cấp 1, Bạch Quyên chỉ mới học hết lớp 2 do điều kiện gia đình khó khăn.

Dù vậy, cô luôn mơ ước được đến Bắc Kinh học đại học. Hơn 3 năm quyết tâm vừa học vừa làm nhưng cuối cùng Bạch Quyên đã phải bỏ ngang con đường học tập. Năm 15 tuổi, cô rời quê, lên thành phố làm việc.

Giờ đây, cô sống và lo cho gia đình bằng mức lương rẻ mạt từ công việc tay chân. Gaokao sẽ chỉ mãi là giấc mơ không bao giờ với tới với những người như Bạch Quyên.

Nhân vật thứ 2 trong Lối Thoát là chàng trai Từ Giai, sinh ra trong một gia đình khó khăn ở tỉnh Hồ Bắc. Từ Giai có xuất phát điểm chẳng hơn Bạch Quyên là bao. Thế nhưng, vào thời điểm bộ phim bấm máy, anh 20 tuổi và đã 3 lần dự thi gaokao.

Từ Giai không từ bỏ gaokao vì anh biết đó là con đường dễ nhất để thay đổi vận mệnh với tầng lớp như anh. Cuối cùng, anh chàng đã đỗ vào đại học hàng đầu như mình ao ước. Cuộc sống sau đó hoàn toàn giống như anh hình dung: tốt nghiệp, có công việc tốt, mua xe, mua nhà ở thành phố...

"Đó là cuộc sống đàng hoàng và bố mẹ có thể tự hào về tôi", anh nói.

Nhân vật thứ 3, Viên Tiểu Hàm, lại có xuất thân hoàn toàn khác. Tiểu Hàm sinh ra trong gia đình khá giả. Từ mẫu giáo đến cấp 3, cô được học trong những ngôi trường tốt nhất của thành phố Bắc Kinh.

thi dai hoc trung quoc anh 2

Gaokao được xem là kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Từ nhỏ, Tiểu Hàm được gia đình định hướng theo nghệ thuật. Tốt nghiệp cấp 3, cô lên đường sang Đức du học. Sau này cô tự mở quán bar, thành lập công ty truyền thông.

Trên con đường thành công của Tiểu Hàm không có khái niệm gaokao.

Sau khi xem bộ phim, khán giả có thể nhận thấy sự phân hóa tầng lớp, giai cấp rõ ràng trong xã hội Trung Quốc. Và ý nghĩa của gaokao có thể rất khác với từng đối tượng.

Những người nghèo, bình thường như Bạch Quyên, Từ Giai coi gaokao là chìa khóa đổi đời. Nhưng với người sinh ra ở vạch đích như Tiểu Hàm, họ có vô số lựa chọn tốt hơn ngoài gaokao.

Trong những năm gần đây, nhiều phụ huynh Trung Quốc phàn nàn hệ thống tuyển sinh của nước này không công bằng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, dù còn nhiều bất hợp lý, gaokao vẫn đang trao cơ hội giống nhau cho hàng triệu thí sinh mỗi năm.

"Với người bình thường, gaokao là cách dễ nhất và tốt nhất để vươn lên một giai tầng mới", Chu Triệu Huy, nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, nhận xét.

Ông Chu cho rằng gaokao không hẳn là điểm khởi đầu, có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời một người. Tuy nhiên, nó trao cơ hội ngang bằng cho mọi người trên con đường nỗ lực tìm kiếm thành công.

Cầu hôn nơi đông người: Dũng cảm hay phô trương, kém tinh tế?

Trong khi nhiều người nghĩ công khai tỏ tình, cầu hôn là hành động dũng cảm và lãng mạn, số khác lại cho rằng tình cảm là chuyện riêng tư, không nên phô trương ở chốn đông người.

Lê Vy (Theo Sohu)

Bạn có thể quan tâm