Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ thi quốc gia: Nên giao các trường đại học

Kinh nghiệm cho thấy chất lượng là yếu tố sống còn của kỳ thi. Các thầy cô đang làm công tác tuyển sinh ở trường ĐH, THPT đều cho rằng nên để các trường ĐH chủ trì tổ chức kỳ thi.

TS Nguyễn Kim Quang (phó hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM): Nếu quyết tâm, có thể thực hiện ngay trong năm 2015

Nếu tổ chức kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015, tôi ủng hộ phương án 1 (thi theo môn) vì việc này sẽ giảm bớt một kỳ thi và đạt mục tiêu nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời sử dụng kết quả cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Vấn đề cần quan tâm của phương án này là đề thi. Đề phải đạt được hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và phân loại được thí sinh để các trường ĐH, CĐ có cơ sở xét tuyển.

Từ trái sang: TS Nguyễn Kim Quang, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Thầy Nguyễn Hữu Thanh, Giảng viên Huỳnh Lưu Đức Toàn.
Từ trái sang: TS Nguyễn Kim Quang, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Thầy Nguyễn Hữu Thanh, Giảng viên Huỳnh Lưu Đức Toàn.

Trước mắt, những năm đầu học sinh thi 4/8 môn nhưng về lâu dài cần có lộ trình để một kỳ thi quốc gia kiểm tra được năng lực thí sinh phủ hết kiến thức THPT. Do đó, phải tiến tới thực hiện phương án 2 (thi theo bài thi), tích hợp kiến thức hoặc thi đủ các môn học phổ thông. Như vậy, ngay từ bây giờ Bộ GD-ĐT cần có sự chuẩn bị phương án về đề thi và khâu tổ chức thi. Cần cải tiến, tổ chức lại các vấn đề liên quan đến kỳ thi quốc gia: địa điểm thi, đội ngũ cán bộ coi thi, chấm thi và các vấn đề kỹ thuật của một kỳ thi. Phải làm sao đảm bảo khắc phục được những tiêu cực, nhược điểm còn tồn tại của kỳ thi tốt nghiệp THPT lâu nay.

Với một kỳ thi có hai mục tiêu trên, những trường ĐH, CĐ không quá kén chọn thí sinh có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Tùy từng trường, mục tiêu đào tạo có thể bổ sung cách xét tuyển. Đối với những ngành học đặc thù cần tuyển chọn nhân tài, năng khiếu... bắt buộc phải bổ sung hình thức thi hoặc xét tuyển. Nếu Bộ GD-ĐT quyết định chọn phương án 1, các trường ĐH, CĐ cũng cần chuẩn bị phương án thi bổ sung hoặc điều kiện xét tuyển ngay từ bây giờ.

Trong việc này nếu có quyết tâm thì hoàn toàn có thể kịp tổ chức kỳ thi quốc gia ngay trong năm 2015. Bộ GD-ĐT cần công bố sớm cho thí sinh, xã hội và các trường ĐH, CĐ có sự chuẩn bị cần thiết cho kỳ thi quốc gia này.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM): Tiến tới tích hợp trong học tập, thi cử

Tôi ủng hộ phương án 2 (thi theo bài). Tuy nhiên, nếu năm sau tổ chức kỳ thi quốc gia theo phương án 2 là hơi gấp. Bộ GD-ĐT cần thực hiện theo lộ trình chuyển dần từ hình thức thi môn sang thi theo bài để không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh. Lộ trình đặt ra có thể từ năm 2015-2017 tổ chức thi theo môn. Những năm sau đó dần áp dụng thi theo bài.

Đề thi theo môn cần phải tích hợp kiến thức phổ thông, sử dụng kết quả cho việc xét tốt nghiệp và kiến thức vận dụng, nâng cao cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo đó, đề thi có thể tích hợp một phần cộng cơ học khối kiến thức của một số môn học, một số câu hỏi kiểm tra kiến thức liên môn và kiến thức ứng dụng... Như vậy, Bộ GD-ĐT cần phải công bố dạng đề thi mẫu (với những đề thi dạng ĐH của năm nay cũng là một dạng mẫu) để tránh việc học sinh và cả giáo viên bất ngờ. Về sau, việc kiểm tra năng lực của học sinh, Bộ GD-ĐT cũng phải có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp tài liệu (năng lực gì). Đồng thời cần nghiên cứu, tham khảo chương trình đào tạo của các nước để có sự điều chỉnh phù hợp. Theo tôi, phải tiến tới việc tích hợp trong học tập, thi cử. Không thể bắt học sinh học quá nhiều môn độc lập và cách thi cử như hiện nay.

Kỳ thi quốc gia cần phải có sự phối hợp của các trường ĐH trong việc tổ chức. Các trường ĐH cần có vai trò kiểm soát mạnh mẽ để đảm bảo chất lượng kỳ thi. Tương tự, việc chấm thi cũng hết sức quan trọng nên cũng cần có sự tham gia của các trường ĐH.

Nếu Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi quốc gia trong năm 2015, ĐHQG TP.HCM có thể sử dụng một phần kết quả của kỳ thi này nhưng chắc chắn sẽ bổ sung hình thức thi, xét tuyển chứ không dựa hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi này. Theo đó, ĐHQG TP.HCM sẽ cân nhắc thêm việc xét học bạ THPT, cũng có thể yêu cầu thí sinh viết bài luận về động cơ chọn ngành, kiểm tra IQ...

Thầy Nguyễn Hữu Thanh (THPT Nguyễn Du, TP.HCM): Giảm bớt áp lực, mở rộng quy trình tuyển sinh

Những thành công bước đầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 theo hướng giảm bớt còn bốn môn thi với lượng kiến thức kiểm tra vừa đủ cho học sinh cần được tiếp tục đánh giá và phát huy, để từ đó loại bỏ dần quan niệm và áp lực về thành tích của việc xét tốt nghiệp THPT. Đồng thời, cần đẩy mạnh hình thức xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ vốn còn rất dè dặt trong năm nay. Hình thức xét tuyển này không chỉ cho thấy vai trò và hiệu quả của kỳ thi quốc gia mà còn tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận dễ dàng hơn với bậc học ĐH-CĐ. Việc giảm bớt áp lực, mở rộng quy trình tuyển sinh, siết chặt quá trình đào tạo và đầu ra chính là xu hướng mà những nền giáo dục tiên tiến đang làm.

Phương án tổ chức kỳ thi gồm bốn môn (hai môn toán, ngữ văn bắt buộc và hai môn tự chọn) nên tiếp tục được tiến hành. Cách làm này thể hiện sự liên tục trong lộ trình đổi mới và không gây xáo trộn lớn cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh băn khoăn việc cân đối lượng kiến thức phân bổ trong một đề thi. Làm thế nào vừa đảm bảo cho học sinh đạt ngưỡng công nhận trình độ tốt nghiệp THPT vừa đáp ứng yêu cầu tuyển chọn cho các trường ĐH-CĐ, lại vừa thiết kế theo hướng tích hợp kiến thức liên ngành là một việc đòi hỏi tính toán rất kỹ lưỡng.

Huỳnh Lưu Đức Toàn (giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM): Vội vã triển khai, người thiệt là học trò

Là một học sinh từng dự thi ĐH năm 2008, hiện tại là một giảng viên, tôi có chút băn khoăn. Thời gian triển khai như dự kiến là chưa thật sự thuyết phục và hợp lý. Học là một quá trình. Thi cử là một thời điểm. Hai phần “học” và “thi” tuy tách biệt nhưng đều có ảnh hưởng đến tâm lý học trò. Tôi cho rằng cần có khoảng thời gian thông tin cụ thể rõ ràng cho học sinh về vấn đề triển khai, chứ không thể cứ vội vã năm 2015 đưa vào thực hiện vì học sinh sẽ trở tay không kịp hoặc thậm chí mang thêm tâm lý hoang mang lo sợ về quy trình, thực hiện.

Từ đó, việc các em “luyện gà” hoặc “đối phó” để đạt được mục tiêu thì kỳ thi cũng sẽ thất bại. Do đó, tôi đề xuất nên dời thời gian triển khai sang đến năm 2017-2018 để học sinh có tâm lý chuẩn bị. Tôi đề xuất nếu thi theo bài thì trên phiếu điểm cần thể hiện rõ ràng năng lực của từng môn là bao nhiêu và phiếu điểm của kỳ thi quốc gia không chỉ dùng để xét duy nhất một lần mà có thời gian công nhận phiếu điểm ít nhất hai năm để học sinh sử dụng nộp tuyển sinh ĐH kỳ sau hoặc năm sau.

Tôi cũng ủng hộ phương án chấm thi, coi thi và đánh giá theo cụm nhưng chia nhỏ các cụm ra hơn nữa. Đối với từng cụm, thanh tra Bộ GD-ĐT gửi đại diện các trường ĐH giám sát thực hiện sẽ giúp việc đánh giá khách quan hơn địa phương tự thực hiện.

Ông Lê Tiến Hưng (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An): Giao các trường đại học chủ trì

Triển khai ngay kỳ thi quốc gia vào năm 2015 là hơi vội. Nhưng nếu vẫn quyết định thì phải thể hiện quyết tâm cao, có giải pháp và lộ trình triển khai hợp lý. Sự quyết tâm cao đầu tiên thể hiện ở việc thay đổi thật sự về nhận thức của đội ngũ quản lý các cấp, nhanh chóng cập nhật thông tin, tuyên truyền tới từng nhà trường, thầy cô giáo, học sinh và người dân. Những năm qua, lý do khiến kỳ thi “hai trong một” đề ra trước đây bị phá sản là độ tin cậy không cao của kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức tại các địa phương.

Nhiều năm qua Bộ GD-ĐT loay hoay với việc chống tiêu cực, tốn kém, căng thẳng không ít nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm việc này. Câu chuyện “tiêu cực thi cử” khó có thể chữa trị khi không có sự đồng sức, đồng lòng, những người trong ngành GD-ĐT, người dân không có niềm tin vào sự kiên quyết của các cấp lãnh đạo. Vì thế ngay cả thời điểm phong trào “Hai không” lên tới đỉnh điểm vẫn có nhiều địa phương tiêu cực. Từ thực trạng này, có thể khẳng định bất cứ sự đổi mới nào mà không có thay đổi cơ bản về nhận thức của các cấp quản lý sẽ đều thất bại.

Tôi không quá lo lắng chuyện đổi mới ra đề, kể cả việc thi theo bài với các câu hỏi tích hợp kiến thức, kỹ năng liên môn. Vì chỉ cần các cấp lãnh đạo thông suốt, phương án thi được quyết định sớm thì giáo viên cả nước sẽ chủ động điều chỉnh cách dạy, học sinh điều chỉnh cách học. Một năm học để tiến tới kỳ thi cũng là khoảng thời gian có thể chuẩn bị để kịp đón nhận. Tuy nhiên, tôi không đồng tình việc giao cho các địa phương chủ trì, cán bộ, giảng viên ĐH-CĐ chỉ tham gia coi thi, chấm thi với tư cách đơn vị phối hợp.

Trước đây, với mục tiêu ngăn ngừa tiêu cực của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã tung hàng ngàn cán bộ, giảng viên về các địa phương, rồi tổ chức thi cụm, chấm chéo nhưng tiêu cực vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng sau thời đỉnh điểm của phong trào “Hai không”. Trong khi đó kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ khi giao cho các trường ĐH-CĐ tổ chức thì tương đối nghiêm túc, đáng tin cậy. Vì thế kỳ thi quốc gia nên giao cho các trường chủ trì. Hình thức tổ chức có thể là thành lập nhiều cụm thi tại một số địa phương. Chính quyền, ngành GD-ĐT địa phương chỉ làm nhiệm vụ phối hợp.

 

http://tuoitre.vn/Giao-duc/620151/ky-thi-quoc-gia-nen-giao-cac-truong-dai-hoc.html

Theo Trần Huỳnh-Vĩnh Hà-Lưu Trang/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm