Trong bài phát biểu tại Bắc Kinh hôm 9/11, Tổng thống Trump nói quan hệ thương mại giữa hai nước từ lâu đã là "quan hệ một chiều và bất công". Mặc dù vậy, ông chủ Nhà Trắng cho biết không đổ lỗi cho Bắc Kinh về chênh lệch trong cán cân thương mại Trung - Mỹ hiện tại mà quy trách nhiệm cho "các chính quyền tiền nhiệm đã để thâm hụt thương mại vượt ngoài tầm kiểm soát".
Tổng thống Trump khẳng định Mỹ và Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp vững chắc nhằm "giải quyết lập tức những thực tiễn bất công từ lâu đã làm biến dạng quan hệ thương mại song phương".
Theo SCMP, nổi bật trong số các thỏa thuận dự kiến được ký kết là hợp tác về năng lượng. Tập đoàn Hóa Dầu Trung Quốc sẽ ký hợp đồng "khổng lồ" về khai thác khí tự nhiên với Mỹ tại Alaska.
Một ông lớn về năng lượng khác của Trung Quốc là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia sẽ sớm đạt thỏa thuận với công ty Cheniere Energy của Mỹ về một hợp đồng cung cấp lâu dài khí tự nhiên hóa lỏng.
Khai thác khí tự nhiên tại Alaska sẽ là một thỏa thuận khổng lồ giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: CNBC. |
Về công nghệ, Xiaomi và Vivo, hai nhà sản xuất điện thoại lớn của Trung Quốc, sẽ ký nhiều hợp đồng mua bán linh kiện từ nhà sản xuất chip điện thoại Qualcomm của Mỹ.
Tổng thống Trump tại Bắc Kinh tuyên bố sẽ thay đổi quan hệ thương mại "một chiều không công bằng" giữa hai nước dù nói ông không trách Bắc Kinh về quan hệ này.
Quỹ Con đường Tơ lụa, một tổ chức trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, có nhiệm vụ thúc đẩy sáng kiến thương mại quốc tế Vành đai - Con đường, có thể thiết lập một quỹ chung với Mỹ.
Nhiều thỏa thuận mua bán khác bao gồm máy bay Boeing, ôtô Tesla cũng sẽ được ký kết.
Trước đó, doanh nghiệp hai nước đã ký các thỏa thuận thương mại trị giá 9 tỷ USD hôm 8/11. Uông Dương, Phó thủ tướng Trung Quốc, khẳng định đây mới chỉ là "màn khởi động" cho những hợp đồng kinh tế lớn hơn ở phía trước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 9/11. Ảnh: AFP. |
Nếu những thỏa thuận trên được thực hiện, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Trump sẽ là chuyến công du mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất cho doanh nghiệp Mỹ - Trung.
Đây cũng là chỉ dấu cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm giảm thặng dư thương mại mà nước này đang được hưởng trong quan hệ với Mỹ. Theo cơ quan quản lý hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại 26,6 tỷ USD nghiêng về phía Bắc Kinh được ghi nhận chỉ trong tháng 10/2017.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2017. Nguồn: bộ Thương mại Mỹ. |