Bị suy gan cấp do viêm gan B, anh Nguyễn Văn B. 30 tuổi, Hưng Yên không tin rằng mình có thể sống sót được khi bước qua cửa phòng bệnh hồi sức tích cực. Nhờ có kỹ thuật lọc máu hiện đại được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) dày công nghiên cứu mà anh may mắn sống sót.
Cấp cứu tích cực cho bệnh nhân suy gan cấp. |
Cùng với đó, hàng chục bệnh nhân khác được ra viện trước ngày 2/9 bởi vì họ đã được chạy lọc máu. Nếu như hơn 10 năm trước, mắc bệnh này có lẽ họ khó có thể sống sót trở về bên gia đình, giờ đây mọi việc đã khác.
Kỳ diệu gan nhân tạo
Nói đến cuộc “cách mạng” trong điều trị tích cực, giáo sư Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai không thể nào không nhắc tới kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức tích cực.
Với trường hợp như của anh B. trước đây, sự sống của anh vô cùng mong manh. Anh chỉ sống được nhờ ghép gan. Nhưng ghép gan không phải dễ vì không có người hiến gan và chi phí ghép gan cũng cao, chưa kể chi phí điều trị thải ghép. Nay anh B. không cần ghép gan mà được áp dụng kỹ thuật lọc máu hiện đại.
Theo GS Bình, kỹ thuật lọc máu hấp thụ phân tử liên tục tái tuần hoàn hay còn gọi là gan nhân tạo (MARS) giúp thay thế chức năng khử độc của gan, lọc bỏ các chất độc tan trong nước cũng như các chất độc gắn kết với protein, làm giảm độc tính huyết tương và tạo điều kiện để tế bào gan hồi phục.
Nơi không còn là cửa tử
Giáo sư Bình cho biết, những năm 2003, khi có dịch SARS đến 2005 khi dịch cúm H5N1 tràn vào Việt Nam, các bác sĩ đã bất lực nhìn bệnh nhân ra đi mà không thể cứu được.
Lúc đó, là bác sĩ, GS Bình trầm ngâm nghĩ: “Không lẽ cứ để bệnh nhân của mình chết như thế”. Rồi ông bắt đầu lao vào nghiên cứu. Trên thế giới đã có kỹ thuật lọc máu liên tục dành cho các bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn suy đa phủ tạng, suy gan gấp, viêm tuỵ cấp… và ông đã thực sự hy vọng có thể đưa về Việt Nam.
Những chuyến công tác ở nước ngoài dày hơn, thậm chí các bác sĩ bỏ tiền túi để tìm hiểu về những kỹ thuật này. Rào cản lớn nhất đó là chi phí máy móc quá cao mà ở Việt Nam thì khó thực hiện vì y tế còn đầu tư bởi ngân sách của nhà nước.
Nhờ có chương trình xã hội hoá, được bệnh viện ủng hộ về mặt pháp lý, các bác sĩ đã đi kêu gọi các công ty tài trợ để mua máy về cứu chữa bệnh nhân và thật may mắn, từ bệnh nhân đầu tiên cho đến nay, đã có 9000 bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này. Số bệnh nhân sống sót đã tăng lên rõ rệt.
Nhờ thế, bệnh viêm tuỵ cấp, ngày xưa khi mắc phải thì 2 người nhập viện chỉ cứu được 1, đến nay bác sĩ đã cứu được 9/10 người bệnh. Với bệnh lý sốc nhiễm khuẩn cứu được 3/10. Suy gan cấp nặng ngày xưa 10 người chết 9 nay đã cứu được 5/10 bệnh nhân.
Công trình y học Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm là công trình duy nhất trong lĩnh vực y, dược vừa đạt Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2016.