Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức kinh hoàng của cô gái 17 tuổi bị anh rể tạt axit

Định mệnh khiến gương mặt của Reshma Qureshi bị phá hủy. Dù vậy, điều đó không thể ngăn cô đấu tranh và truyền cảm hứng cho các nạn nhân đồng cảnh ngộ.

19/05/2014, Reshma Qureshi (Ấn Độ) thức dậy như mọi ngày và không thể biết rằng mình chuẩn bị phải đối diện với khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời.

Cô gái 17 tuổi chuẩn bị tham dự kỳ thi quan trọng ở trường và có linh cảm điều gì đó không may mắn. Cô phải trải qua thời gian ôn thi dài, mệt mỏi và chỉ mong nó qua nhanh để được gặp cháu gái.

Ngày định mệnh

Như mọi ngày, Quereshi đi qua Mau Aimma (Allahabad, Đông Bắc Ấn Độ), cùng với chị gái Gulshan và hai người bạn Afroz và Firdoz. Bất chợt Reshma nhận ra mình quên điện thoại ở nhà, nhưng đã muộn giờ, cô không quay lại nữa. Có lẽ, đây chính là quyết định khiến cuộc đời cô thay đổi hoàn toàn.

Khi cả nhóm đi qua bức tường đổ nát, một giọng nói vang lên gọi Gulshan. Đó chính là Jamaluddin, người chồng cũ tệ bạc của chị gái. Bất ngờ sau tiếng gọi, gã đàn ông tạt axit vào người Gulshan nhưng cô đã kịp tránh và kháng cự khiến dung dịch bắn vào tay thay vì khuôn mặt. Người phụ nữ xấu số chạy thoát và kêu lên: “Chạy đi Reshma!”. Nhưng  nữ sinh 17 tuổi bị em họ và cháu trai của Jamaluddin chặn lại, đổ axit khắp mặt để thỏa cơn giận dữ.

“Sự hoảng loạn, cảm giác không chắc chắn và sốc khiến tôi dường như đông cứng và không thể phản ứng được gì. Cháu trai và em họ của Jamaluddin túm tóc tôi từ phía sau, họ giật tóc và đẩy tôi xuống đất. Tôi cố gắng vùng vẫy nhưng chỉ là những kháng cự yếu ớt của cô gái 17 tuổi trước hai gã đàn ông mạnh mẽ và giận dữ như những tên quái vật.

Co gai bi tat axit khang dinh ban than anh 1
Gương mặt xinh đẹp của Reshma trước khi bị tấn công bởi axit. Ảnh: AFP.

Trong một giây ngắn ngủi, tôi cố gắng mở miệng và hít vào để hét lên. Nhưng không thể tạo ra bất kỳ âm thanh nào. Chỉ có một tiếng thét kỳ lạ, kinh hoàng, tuyệt vọng từ sâu thẳm bên trong. Đó là tôi khi đang bốc cháy. Tiếng la hét đó ám ảnh tôi suốt thời gian dài. Có lẽ, ma quỷ cũng phải chói tai vì tiếng hét ngày hôm đó.

Ngoài sự đau đớn, tôi chợt nghĩ giá mà mình ngủ thêm 5 phút, mặc chiếc áo mới hay quay lại lấy điện thoại bỏ quên, tôi sẽ không phải chịu đựng cảm giác khủng khiếp này”, Reshma viết trong cuốn sách Reshma: Câu chuyện phi thường của một kẻ sống sót sau cuộc tấn công axit.

Từ nạn nhân đến đại sứ chống nạn tấn công bằng axit

Sau sự việc kinh hoàng, cô nữ sinh 17 tuổi biết rằng mình sẽ phải sống chung với vết sẹo về thể xác và tinh thần đến suốt đời. “Vết sẹo là một phần của tôi. Nhưng nó sẽ không thể định nghĩa được tôi là ai”, cô đã nói trong một bài phát biểu tại Lễ hội Văn học Jaipur.

Qureshi cũng là người sống sót sau vụ tấn công bằng axit đầu tiên sải bước trên sân khấu của Tuần lễ thời trang New York năm 2016. Trước đêm biểu diễn, cô gái này trả lời phỏng vấn The Independent: “Tôi muốn nói với cả thế giới rằng đừng nhìn chúng tôi như những kẻ yếu đuối và đầy thương cảm. Hãy thấy rằng chúng tôi có thể bước ra ngoài và làm được nhiều thứ”.

Co gai bi tat axit khang dinh ban than anh 2
Khuôn mặt của Reshma Qureshi sau khi bị axit tàn phá. Ảnh: Reuters.

“Tại sao chúng ta không tận hưởng cuộc sống của mình. Chuyện đã xảy ra đâu phải lỗi của mình. Chúng ta chẳng làm gì sai cả, vì vậy, chúng ta nên bước tiếp”, Reshma nói.

Từ nạn nhân của một vụ tấn công bằng axit, Reshma đã nỗ lực trở thành đại sứ lên tiếng cho những người chung cảnh ngộ. Cô là gương mặt đại diện cho Make Love Not Scars (một tổ chức phi chính phủ vận động chống bán axit), vlogger trang điểm và tác giả viết sách. Ở bất kỳ vai trò nào, cô cũng không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “cho mọi người biết đến câu chuyện về những người sống sót sau khi bị tạt axit, cũng như biết rằng họ có thể sống bình thường”.

Resham thực hiện các video hướng dẫn làm đẹp và nhận được sự ủng hộ từ hàng triệu người trên YouTube. Cô chia sẻ: "Mọi người mua axit cũng dễ dàng như mua một thỏi son môi, vậy tại sao lại cố gắng làm đau người khác?".

Khi được hỏi về những hành động của chính phủ Ấn Độ với các cuộc tấn công bằng axit, Resham cho rằng luật pháp có quy định nhưng bất kỳ ai cũng có thể mua một lít axit với giá nửa đô la tại cửa hàng địa phương. Vì vậy, đây không còn là vấn đề về pháp luật mà còn là nhận thức.

Thực tế cho thấy nạn nhân bị tấn công bằng axit phải chiến đấu mỗi ngày với ánh nhìn và lời soi mói từ những người xung quanh. Họ cũng khó khăn hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm và hạnh phúc cho mình.

Trong cuộc phỏng vấn với The Guardian năm 2017, tiến sĩ Colin Gonsalves, người sáng lập Mạng lưới Luật Nhân quyền và là người biện hộ cao cấp tại tòa án tối cao của Ấn Độ, cho biết vấn đề của các nạn nhân bị tấn công bằng axit rất đặc biệt. Họ cần phẫu thuật nhiều lần, thường là 10 lần trở lên. Thời gian phục hồi của họ có thể kéo dài tới 5-10 năm. Nạn nhân cần việc làm, giáo dục, tiền bạc và một nơi an toàn để ở trong thời gian điều trị. Họ cũng cần được bảo hộ dưới luật bảo vệ nhân chứng bởi những kẻ tấn công thường rình rập và dọa nạt để yêu cầu nạn nhân ngừng truy tố.

Cô giáo xinh đẹp bị chồng cũ tạt axit: 'Tôi từng sống không bằng chết'

Bị chồng cũ tạt axit khắp cơ thể, Huyền chết lâm sàng 5 ngày. Điều kỳ diệu đã xảy ra, cô tỉnh lại trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.



Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm