Thế giới
Ảnh & Video
Ký ức kinh hoàng về vụ bắt cóc con tin ở Nga 10 năm trước
- Thứ hai, 1/9/2014 15:43 (GMT+7)
- 15:43 1/9/2014
Tròn 10 năm sau cuộc khủng hoảng con tin trường học Beslan tại Cộng hòa Ossetia thuộc Nga, hình ảnh về vụ bắt cóc vẫn ám ảnh tâm trí nhiều người.
|
Ngày 1/9/2004, với tâm trạng háo hức, hơn 1.100 học sinh và phụ huynh tới trường số 1, thị trấn Beslan, nước Cộng hòa Ossetia thuộc Nga, để dự Ngày kiến thức hay còn gọi là lễ khai giảng. Thế nhưng, họ không hay biết rằng, ngày vui của các em học sinh hôm ấy lại trở thành vụ khủng hoảng con tin kinh hoàng, gây chấn động thế giới. Ảnh: HTB |
|
Theo RT, khoảng 9h sáng (giờ địa phương), 32 tay súng thuộc tiểu đoàn Riyadus-Salikhin của phong trào ly khai Chechnya với vũ khí hạng nặng đã đột nhập vào trường và nổ súng. Những kẻ khủng bố bắt 1.100 con tin vào phòng thể dục. 50 tới 100 người định bỏ chạy, nhưng không thành. Các tay súng chặn cửa và cửa sổ trong phòng rồi cài các thiết bị nổ. Theo giới truyền thông Nga, hai phụ nữ mang bom tự sát thuộc nhóm những kẻ tấn công. Ảnh: HTB |
|
Khoảng 10h, một người đàn ông mang tên Ruslan Betrozov đã bị bắn chết trong phòng thể dục, ngay trước mặt các em học sinh, sau khi ông cố thương lượng với những kẻ khủng bố và trấn an những người cùng cảnh ngộ. Lúc 11h, cảnh sát phong tỏa trường học và sơ tán dân cư ở các tòa nhà gần khu vực nguy hiểm. Hai quan chức cấp cao đưa ra đề nghị để họ thay thế những trẻ em, nhưng bọn khủng bố từ chối. Ngay khi biết thông tin về cuộc khủng hoảng con tin, Tổng thống Vladimir Putin đã hủy kỳ nghỉ tại Sochi và quay trở lại thủ đô Moscow. Ảnh: HTB |
|
Những kẻ khủng bố đã phá các cửa sổ của tòa nhà. Chúng đã ghi hình toàn bộ sự việc và thông báo chúng chỉ thương lượng với ông Alexander Dzasokhov, Tổng thống Bắc Ossetia, ông Murat Zyazikov, Tổng thống nước cộng hòa tự trị Ingushetia hoặc ông Vladimir Rushailo, Bộ trưởng Nội vụ Nga (giai đoạn 1999 – 2001). Ảnh: Reuters |
|
Hàng trăm người dân và thân nhân của các con tin tập trung bên ngoài trường học với tâm trạng lo âu. Những kẻ khủng bố đe dọa chúng sẽ làm nổ tung trường học nếu cảnh sát cố gắng tiếp cận vào bên trong tòa nhà. Chúng đặt các em học sinh lên trên cửa sổ như lá chắn sống và nói rằng, chúng sẽ giết 50 con tin nếu một thành viên của nhóm mất mạng và 20 con tin cho mỗi kẻ bị thương. Lúc 15h50 chiều, Không quân Nga điều động nhóm đầu tiên của lực lượng đặc nhiệm tới hiện trường. Từ 16h đến 16h30, những tiếng súng vang lên. Nhiều con tin thiệt mạng. Thậm chí những kẻ khủng bố còn ném xác nạn nhân ra ngoài cửa sổ. Ảnh: AFP |
|
Binh lính Nga tới hiện trường. Bác sĩ nổi tiếng Leonid Roshal đã nỗ lực liên lạc với nhóm khủng bố vào khoảng 20h cùng ngày. Một giờ sau, đám đông, chủ yếu bao gồm thân nhân của các con tin, tập trung bên ngoài khuôn viên trường. Các tay súng từ chối yêu cầu của họ trong việc cung cấp thuốc, thức ăn và nước cho các con tin. Ảnh: AFP |
|
Thân nhân của các con tin suy sụp trước cú sốc lớn. Sáng 2/9, ông Mikhail Gutseriev, người đứng đầu công ty lọc dầu RussNeft, đề nghị trao khoản tiền chuộc cho những kẻ khủng bố để đổi lấy các con tin, song chúng đã từ chối. 16h chiều, các tay súng đồng ý gặp cựu Tổng thống Ingushetia, ông Ruslan Aushev, và phóng thích 26 con tin, gồm phụ nữ và các em bé. Chúng cũng yêu cầu Nga rút quân khỏi Chechnya. Trong khi đó, bác sĩ Roshal tiếp tục đàm phán với nhóm khủng bố, yêu cầu chúng cho phép người bên ngoài đưa nước, thực phẩm, thuốc men cho con tin, nhưng các cuộc đàm phán không mang lại kết quả tích cực. Ảnh: AFP |
|
Ngày 3/9, các vụ nổ và đợt nã súng tiếp diễn và làm rung chuyển ngôi trường Beslan số 1. Số con tin ở bên trong tòa nhà là hơn 1.000 người, thay vì 356 người như số liệu ban đầu. Sau buổi trưa, nhóm khủng bố cho phép các nhân viên của Bộ Khẩn cấp tiếp cận khu vực để nhận thi thể của những người thiệt mạng. Xác của họ đã nằm phía trước tòa nhà trong hai ngày. Ảnh: AFP |
|
Khoảng 13h chiều, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận hiện trường. Các vụ nổ kèm theo tiếng súng vẫn vang lên trong phòng thể dục. Theo nhân chứng, một kẻ ôm bom tự sát đã nổ tung. Các vụ nổ khiến tình hình trở nên hỗn loạn. Những kẻ khủng bố nã đạn vào nhiều con tin khi họ cố bỏ trốn qua một lỗ hổng trên tường. Lực lượng an ninh đã bắn trả và giúp hàng chục người chạy thoát. Ảnh: AFP |
|
Cảnh sát bế một em nhỏ ra khỏi khu vực nguy hiểm. Lúc 13h10, cảnh sát đột kích bên trong tòa nhà và hạ gục những kẻ khủng bố, trong khi các binh sĩ sơ tán các con tin. Ảnh: Reuters |
|
Một người dân bế em nhỏ thoát khỏi hiện trường. Theo lực lượng An ninh Liên bang (FSB), hàng chục người bị thương và nhiều nạn nhân khác kiệt sức nằm trong phòng thể dục. Những kẻ khủng bố di chuyển tới căng tin và tiếp tục nã súng. Ảnh: Reuters |
|
Khoảng 14h20, một ngọn lửa bùng cháy ở hội trường của phòng thể dục. Ngay lập tức, đội cứu hỏa tới hiện trường và sơ tán các con tin. Khoảng 100 binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm đã ở bên trong tòa nhà. 5 người trong số họ đã thiệt mạng khi cứu nạn nhân. Ảnh: Reuters |
|
Sau cuộc giải cứu lúc 15h, các đợt đấu súng giữa nhóm khủng bố và cảnh sát vẫn diễn ra liên tục tại nhiều khu vực khác trong khuôn viên trường. Các đơn vị y tế đã sơ cứu người bị thương, trước khi chuyển họ tới bệnh viện ở Beslan và Vladikavkaz. Ảnh: Reuters |
|
Từ 18h tới 19h, quân đội triển khai súng phun lửa Shmel và hai xe tăng T-72 trong nỗ lực chống những kẻ khủng bố. Vào khoảng 21h30, lực lượng an ninh tiêu diệt những kẻ bắt cóc và kiểm soát khu vực. Ảnh: AFP |
|
Một binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm vác người bị thương trên vai sau cuộc giải cứu ngày 3/9. Ảnh: AFP |
|
Phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Ảnh: HTB |
|
Những ngày sau đó, đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm thi thể các nạn nhân từ đống đổ nát trong trường học. Nhiều người không tìm thấy người thân sau cuộc giải cứu đã phải kiểm tra danh sách những người bị thương với hy vọng nhìn thấy tên của con, em họ. Ảnh: AFP |
|
Người thân nhận diện con em họ giữa hàng trăm thi thể. Ba ngày bị giam giữ và nỗ lực giải cứu bất thành khiến 333 người với hơn một nửa là trẻ em, thiệt mạng. Ảnh: Reuters |
|
Một người phụ nữ ngã quỵ khi biết tin người thân của bà nằm trong số 333 người thiệt mạng. Ảnh: AFP |
|
Người dân thị trấn yên bình Beslan lập nghĩa trang tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng hoảng con tin tại trường số 1. Ảnh: RIA Novosti |
|
10 năm đã trôi qua nhưng ký ức kinh hoàng về vụ khủng bố vẫn luôn ám ảnh tâm trí người dân thị trấn Beslan. Ảnh: Reuters |
trường
Beslan
khủng bố
Nga
con tin
học sinh
thị trấn
lực lượng đặc nhiệm
Vladimir Putin
tổng thống
thiết bị nổ