Bệnh xương khớp ngày càng trẻ hóa, số lượng cơ sở điều trị ngày càng đa dạng về số lượng lẫn dịch vụ. Ảnh: Freepik. |
Mới 27 tuổi, Huỳnh Nhi (nhân viên văn phòng tại Đồng Nai) đã tự tin với thâm niên chữa đau lưng, cổ vai gáy khi hầu hết dịch vụ, từ massage đến bấm huyệt, châm cứu, tập vật lý trị liệu... đều đã thử qua.
"Sau điều trị vài hôm thì cơn đau vẫn như cũ. Mắc bệnh xương khớp như một cực hình", Nhi than vãn.
Quá nhiều địa chỉ và dịch vụ
Sau nhiều lựa chọn và mất thời gian đặt lịch, thăm khám nhưng chưa hiệu quả, Huỳnh Nhi quyết định đến bệnh viện. Kết quả, cô được chẩn đoán cứng cơ, thoái hoá cột sống, rối loạn tiền đình.
"Tôi đã không đi bệnh viện trước đó vì sợ chờ đợi, ngại đông đúc. Bác sĩ nói tôi may vì đi viện sớm. Trì hoãn thêm vài tháng, có thể tôi sẽ bị gai cột sống, thoát vị đĩa đệm", cô gái 27 tuổi nói với Tri Thức - Znews.
Cô gái 27 tuổi phải điều trị lâu dài với chứng thoái hóa cột sống, cứng cơ, đau vai gáy. Ảnh: NVCC. |
Sau cuộc gọi thông báo chuẩn bị lên TP.HCM khám đau lưng của bố mẹ, Phạm Liên (25 tuổi, TP.HCM) mất hơn một tuần để "càng quét" tất cả bệnh viện, phòng khám có khoa cơ xương khớp ở thành phố. Dù đã sống và làm việc ở TP.HCM nhiều năm, tự tin thông thạo đường xá, Liên vẫn "bí" khi không biết rõ nơi nào tốt để đưa bố đi khám bệnh.
Bố Liên bị đau nhức chân, buộc phải có người dìu mỗi khi đi vệ sinh, ăn uống. Xót bố, Liên hối thúc ông lên TP.HCM để khám. Ban đầu, gia đình thống nhất đưa ông đến bệnh viện tuyến cuối ở miền Nam là Chợ Rẫy. Tuy nhiên, vì chưa rõ bệnh, sợ bố chờ đợi lâu với đôi chân đau nhức, Liên đành nhờ người quen giới thiệu giúp phòng khám phù hợp.
Được giới thiệu tới một phòng khám cơ xương khớp tư nhân “nổi tiếng, đông bệnh nhân”, cô lật đật tìm tên phòng khám và đặt lịch trước trên mạng. Hôm sau, đến địa chỉ trên, gia đình “tá hỏa” nhận ra đây không phải là phòng khám được giới thiệu. Sự giống nhau về tên của hai đơn vị này khiến Liên nhầm lẫn.
Tìm lại đúng địa chỉ được giới thiệu, bố Liên được khám và cho thuốc uống. Tổng chi phí khám rơi vào khoảng 3 triệu đồng, trong đó tiền thuốc là 1,6 triệu đồng. Chi phí chụp MRI tại một địa điểm khác có giá 2,2 triệu đồng.
"Quá nhiều dịch vụ và địa chỉ khám, cả Đông y lẫn Tây y, điều trị với thuốc và cả điều trị nắn chỉnh xương không dùng thuốc. Tôi hoang mang vô cùng", Liên chia sẻ.
Bùng nổ số lượng, đa dạng dịch vụ
Hệ thống cơ xương khớp trong cơ thể con người gồm cơ, xương, khớp và các mô liên kết xung quanh khớp như dây chằng, gân. Khi hệ thống này suy yếu hay tổn thương, có thể gây ra hơn 150 bệnh lý hoặc tình trạng khác nhau như viêm xương khớp, thoái hoá khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm cơ, teo cơ, căng cơ, bong gân…
Để khôi phục chức năng vận động và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm, khi có biểu hiện đau cơ xương khớp, người dân cần đi khám để chẩn đoán đúng tình trạng và được điều trị tốt nhất.
Những phương pháp điều trị cơ xương khớp phổ biến hiện nay là phẫu thuật, dùng thuốc, vật lý trị liệu, châm cứu bấm huyệt, nhiệt trị liệu, trị liệu thần kinh cột sống (chiropractic)...
Có một thực tế là sự trẻ hóa các bệnh xương khớp cũng là đồng thời thúc đẩy số lượng cơ sở điều trị xương khớp tăng mạnh, đặc biệt tại TP.HCM.
Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh xương khớp. Ảnh: Freepik. |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, hầu hết người trẻ đều mang tâm lý ngại "mổ xẻ" nên thường chọn điều trị bảo tồn. Chính vì thế, nhiều cơ sở vật lý trị liệu, chiropractic, nắn chỉnh ra đời như một lựa chọn thay thế, giúp người trẻ hồi phục tình trạng thoái hóa khớp, chấn thương... mà không cần điều trị.
"Trong 5 năm trở lại đây, số lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị xương khớp tăng một cách bùng nổ", bác sĩ Vũ đánh giá.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), lo ngại nhu cầu điều trị bệnh càng ngày càng tăng, sẽ xuất hiện nhiều cơ sở tư nhân bên cạnh những khoa điều trị cơ xương khớp ở các bệnh viện công.
Điều này sẽ dẫn đến một thực tế là sự xuất hiện cơ sở điều trị không đảm bảo chất lượng, không được cấp phép hoặc người hành nghề không có chứng chỉ. Khi người dân điều trị tại những cơ sở này, nguy cơ “tiền mất tật mang” là rất cao.
Dù điều trị theo phương pháp nào, việc tìm hiểu và lựa chọn đúng cơ sở uy tín, người thực hiện có bằng cấp chuyên môn là điều quan trọng hơn hết. Ảnh: Unsplash. |
Hiểu đúng về điều trị xương khớp
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ phân tích đơn cử như việc điều trị cơ bằng phương pháp xoa bóp, do dễ thực hiện nên bị lạm dụng rất nhiều. Có những nơi tự xưng là cơ sở xoa bóp mà không có giấy phép hay bằng cấp, tay nghề, nhưng vẫn cứ làm xoa bóp cho người dân.
Chính sự "bát nháo" đó khiến sức khỏe của người dân ngày càng giảm sút, đau tê nhức ngày càng nghiêm trọng, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, khó chịu, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
"Người có nhu cầu đi xoa bóp cần hiểu đây là phương pháp có tác dụng phục hồi sức khỏe, phòng và chữa bệnh. Nếu người thực hiện thiếu chuyên môn, có thể gây hậu quả nghiêm trọng có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Tấn Vũ khuyến cáo.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Anh Vũ cũng lo ngại rằng việc gia tăng nhanh chóng về số lượng kéo theo sự mất kiểm soát của thị trường này. Không ít các cơ sở spa, massage hiện nay ngang nhiên cung cấp dịch vụ nắn chỉnh, chiropractic dù đây là các phương pháp điều trị, hoàn toàn vượt quá chức năng của một cơ sở massage thông thường.
Theo bác sĩ Vũ, hiện nay, Việt Nam chưa đào tạo chính thức mảng Manual therapy (nắn chỉnh bằng tay). Chính vì thế, nếu đặt niềm tin vào các cơ sở này, có thể dẫn đến sự đau đớn về thể chất, khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý với những cơ sở điều trị thoái hóa khớp bằng chất thay thế, bởi hầu hết phương pháp này đều không có tác dụng. Lão hóa là tình trạng của cơ thể, cần điều trị bằng các phương pháp khoa học.
"Người bệnh nên lựa chọn những phương pháp đã được Bộ Y tế cấp phép để điều trị. Ngoài ra, cần tìm hiểu người điều trị cho mình có chứng chỉ, bằng cấp hay không. Nếu bệnh đã ở mức độ nặng hoặc chuyển nặng sau khi điều trị tại các cơ sở không chính thống, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra sớm", bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.