Zing.vn trích dịch bài viết trên The New York Times và Korea Expose giới thiệu về nghề lái xe thuê cho người say xỉn và khó khăn mà những "tài xế thay thế" phải đối mặt như thời gian làm việc, vấn đề sức khỏe, khách hàng gây rối... tại Hàn Quốc.
18h20, Hur Rak, người lái xe thuê ở Seoul (Hàn Quốc), có khách hàng đầu tiên: một người say xỉn không thể tự lái xe về nhà.
Hur vội vàng leo lên tàu điện ngầm và tìm thấy vị khách cùng chiếc xe của anh ta trong vòng chưa đầy 15 phút. “Đối với nghề này, tốc độ là tiền bạc”, tài xế ngoài 40 tuổi nói. Anh nhận được 16 USD sau khi đưa khách về nhà an toàn.
“Bạn luôn muốn nhận được càng nhiều đơn hàng càng tốt. Tôi ngủ ngày cày đêm, cứ như vậy 6 ngày/tuần”, Hur nói.
Hur là một ‘’tài xế thay thế’’, được biết đến bằng tên gọi daeri unjeon ở Hàn Quốc, là người kiếm sống bằng cách giúp những người say xỉn và xe hơi của họ về nhà an toàn sau những buổi nhậu nhẹt.
Tại Seoul, thành phố có khoảng 10 triệu dân, hàng chục nghìn người đang làm công việc này. Mỗi ngày làm việc của họ bắt đầu khi phố xá tràn ngập ánh đèn neon và kết thúc khi ánh mặt trời ló rạng trên sông Hàn.
Theo Hiệp hội Dịch vụ tài xế Hàn Quốc, mỗi ngày có khoảng 100.000 lái xe thay thế phục vụ khoảng 700.000 khách hàng. Riêng trong ngày thứ sáu, con số này tăng khoảng 30%.
Là một phần không thể thiếu trong cuộc sống về đêm tại Seoul cũng như nhiều thành phố lớn khác ở Hàn Quốc song daeri unjeon không phải là một nghề được đề cao tại xứ củ sâm. So với taxi truyền thống, lái xe thuê có thuận lợi là không cần xe riêng và có thu nhập cao hơn nhưng lại gặp không ít khó khăn về thời gian cũng như điều kiện làm việc.
Hur Rak liên tục kiểm tra điện thoại di động tại khu chờ của các tài xế. Ảnh: Seokyong Lee/The International Herald Tribune. |
Khách say khướt, không nhớ nổi địa chỉ nhà
Với những người lái xe thuê như Hur, khoảng thời gian vàng trong ngày là từ 11h đêm đến 1h sáng hôm sau. Đó là lúc những cuộc gọi, thông báo đặt xe liên tục đổ về. Tuy nhiên, việc thường xuyên thức đêm khiến giờ giấc sinh hoạt của Hur cũng như gia đình anh thường xuyên bị đảo lộn.
“Tôi không thể đi ngủ cho đến 7 giờ sáng. Điều này khiến tôi bị mệt mỏi kinh niên nhưng đó lại là cách tôi kiếm sống’’, Hur nói.
Tuy nhiên, không phải là việc mất ngủ, điều mệt mỏi nhất với Hur là phải phục vụ những khách hàng say xỉn đến độ chẳng còn nhớ nổi địa chỉ nhà. Nhiều vị khách say sưa ngủ, từ chối nói bất kỳ điều gì nhưng nhiều trường hợp tài xế đã bị khiếu nại trộm cắp khi cố kiểm tra điện thoại, ví để tìm địa chỉ.
“Bạn có thể vật lộn với một người đàn ông say rượu trong nửa giờ, cầu xin và cố lay khách thức dậy, nhưng anh ta sẽ không cựa quậy. Và cuối cùng bạn bị mắc kẹt với anh ta giữa một ‘rừng’ chung cư đến quá nửa đêm”, tài xế ngoài 40 tuổi nói thêm.
Nhiều tài xế gặp rắc rối với vị khách say khướt quên cả địa chỉ nhà. Ảnh: Seokyong Lee/The International Herald Tribune. |
Một số đơn đặt hàng có thể đưa Hur ra khỏi Seoul đến những nơi hẻo lánh, không có phương tiện giao thông công cộng vào ban đêm. Trong trường hợp này, nếu may mắn tài xế có thể xin quá giang xe qua đường để trở về thành phố. Tuy nhiên, đa phần sẽ phải qua đêm ở các tiệm cà phê 24h và chờ chuyến xe buýt sớm nhất vào lúc 5h sáng hôm sau.
“Khoảng 80% hành khách trên chuyến xe buýt đầu tiên về Seoul là những daeri unjeon. Chúng tôi có thể nhận ra nhau thông qua nét mặt mệt mỏi”, Hur cho biết.
Nghề nghiệp không được tôn trọng
Bên cạnh những khó khăn về thời gian, điều kiện làm việc, lái xe thuê không phải là một nghề được trọng vọng, thậm chí bị coi thường trong xã hội. Con trai tuổi teen của Hur từng yêu cầu anh không được tiết lộ nghề nghiệp với mọi người xung quanh vì cảm thấy xấu hổ.
Còn với tài xế Kim Min-seob (33 tuổi), điều khó chịu nhất là gặp phải những vị khách trung niên khó tính luôn có một định kiến rằng các daeri unjeon là những người bất tài và thất nghiệp.
“Vị khách mà tôi vừa chở về nhà là chủ tịch một công ty. Trong suốt chuyến đi, ông ta không ngừng dạy bảo tôi. Ông ta nói mình đã thành công như thế nào nhờ làm việc chăm chỉ và yêu cầu tôi phải làm việc chăm chỉ hơn nữa để vươn lên trong cuộc sống”, Kim kể.
Tài xế Kim Min-seob chờ đợi khách hàng tiếp theo. Ảnh: Jieun/Korea Expose. |
Kim cũng tiết lộ anh có thu nhập còn thấp hơn mức lương tối thiểu và không được đóng bảo hiểm xã hội. Anh cũng chưa bao giờ có ý định gắn bó lâu dài với nghề lái xe thuê. Giống Kim, nhiều daeri unjeon là nhân viên bán thời gian, nhân viên thu ngân, sinh viên chỉ muốn kiếm thêm thu nhập để trả nợ.
Hur Rak bắt đầu trở thành một daeri unjeon toàn thời gian sau khi bị phá sản công ty và mất luôn nhà ở vài năm trước.
Nhờ lái xe thuê, anh kiếm được hơn 2.400 USD/tháng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, anh vẫn thừa khoảng 1.000 USD hàng tháng để gửi về cho vợ và con trai đang sống cùng mẹ ở một thị trấn nhỏ.
“Giống mọi người, tôi chỉ làm việc này tạm thời cho đến khi có công việc tốt hơn, giúp tôi trở về đoàn tụ cùng gia đình. Từ đây đến lúc đó, tôi vẫn sẽ chở những người say rượu”, Hur nói.